A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình ổn giá xăng dầu trong nước ở mức cho phép là điều cần thiết

Sáng 2/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

Bình ổn giá xăng dầu trong nước ở mức cho phép là điều cần thiết - Ảnh 1

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, ngày hôm qua (1/6), tại hội trường đã có 50 lượt ý kiến phát biểu, các Bộ trưởng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tiếp tục phát biểu về các vấn đề trọng tâm trong các báo cáo và các vấn đề các đại biểu quan tâm.

Triển khai Nghị quyết 43: Cần định lượng về khối lượng công việc hoàn thành

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn tỉnh Hải Dương) nhận thấy có sự chậm trễ đáng kể trong việc triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

Mặc dù ngayt sau khi Nghị quyết số 43 được ban hành, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 11 vào ngày 30/1/2022 về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, triển khi Nghị quyết số 43. Nghĩa là chỉ sau 19 ngày Nghị quyết 43 được ban hành. Nghị quyết 11 cũng xác định rõ tính khẩn trương của các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội khi đề ra các nhiệm vụ theo các lộ trình, thời hạn cụ thể. Tuy nhiên, đến nay đã sang tháng 6/2022, theo báo cáo của Chính phủ còn nhiều nội dung công việc vẫn dừng ở mức sẽ ban hành văn bản. Gần nửa năm trôi qua mà các văn bản vẫn chưa được ban hành.

Đại biểu Việt Nga đã thống kê trong báo cáo Chính phủ đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thì có tới 5 nghị định của các bộ, ngành dự kiến ban hành trong tháng 5/2022 nghĩa là chưa ban hành, tính đến thời điểm 20/5/2022. Nghị quyết 43 của Quốc hội có hiệu lực thi hành trong 2 năm là 2022-2023, và tính thời điểm của nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nếu chậm trễ trong triển khai thì chúng ta sẽ bỏ lỡ “thời điểm vàng” của các chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, phát huy hiệu quả cao nhất. Điều này đã được đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) phân tích vô cùng sâu sắc.

“Có thể nói đến thời điểm này, khi các bộ, ngành đang loay hoay rà soát về dự thảo văn bản, có những chính sách mất đi ít nhiều ý nghĩa.

Ví dụ như chương trình “Sóng và máy tính cho em” – Một trong những nhiệm vụ của chương trình là kịp thời trang bị máy tính cho học sinh để có điều kiện học trực tuyến thì đến nay tất cả học sinh đã đến trường học tập trung, mới có 1 tỉnh trao được máy tính đến cho học sinh.” – Đại biểu Việt Nga đưa ra dẫn chứng

Đại biểu Việt Nga đề nghị có chỉ tiêu định lượng về khối lượng công việc cần hoàn thành để làm cơ sở đánh giá chứ chúng ta không thể nêu chung chung là nhanh, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa.

Đồng thời đề nghị đưa chỉ tiêu 2022 phải hoàn thành ít nhất 50% khối lượng công việc đề ra tại Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Bởi chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của chúng ta chỉ thực hiện trong hai năm. Có như vậy, chúng ta mới có căn cứ đánh giá một cách chính xác trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vào cuối năm 2022.

Đồng thời đại biểu Việt Nga cũng nêu vấn đề cử tri cho rằng việc tăng giá sách giáo khoa trong thời điểm này là không hợp lý, nhất là gia đình vùng sâu, vùng xa và hộ nghèo. Đại biểu Việt Nga tán thành các biện pháp Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đưa ra hôm qua khá khả thi nên đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT tiếp tục quan tâm xem xét 3 vấn đề.

Thứ nhất, Chính phủ sớm có biện pháp quản lý hữu hiệu giá sách giáo khoa – một mặt hàng đặc biệt, thiết yếu, tránh tăng giá tùy tiện tác động tiêu cực đến người dân, tác động không tốt.

Thứ hai, rà soát tinh giản sách giáo khoa theo hướng thống kê danh mục sách giáo khoa bắt buộc đối với từng lớp học, cấp học, ngoài sách giáo khoa cần có, những sách còn lại, học sinh có thể tham khảo tùy vào điều kiện cụ thể, tùy vào nhu cầu để có thể chọn lựa mua và không mua. Hiện nay, số lượng đầu sách giáo khoa cho học sinh quá nhiều, trong đó có những cuốn chỉ mang tính chất tham khảo, nhưng không có sự hướng dẫn nên cha mẹ hoàn toàn không biết là nên mua cuốn nào, không mua cuốn nào. Thứ ba, Chính phủ quan tâm hỗ trợ thư viện sách giáo khoa dùng chung cho học sinh các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Với thư viện ấy, học sinh có thể mượn sách giáo khoa miễn phí hàng năm và trả lại nhà trường khi năm học kết thúc.

Như vậy vừa tiết kiệm kinh phí, vừa đỡ đi gánh nặng kinh tế cho các gia đình khó khăn có con đang trong độ tuổi đến trường.

Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa hoàn thành mục tiêu đề ra

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Đồng Tháp) khẳng định, từ đầu năm đến nay được sự thống nhất và cộng đồng, cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân và dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sự vào cuộc của các ngành, các cấp nên dịch bệnh kiểm soát đẩy lùi, nền kinh tế đang hồi phục hồi, phát triển, kinh tế vĩ mô ổn định, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp tăng trở lại. Điều đáng mừng là có trên 30.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tăng GDP hơn 5%, thu ngân sách cao hơn cùng kỳ, nợ công ở mức thấp, kim ngạch xuất khẩu tăng cao, nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế đời sống, việc làm, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng, an ninh được giữ vững, góp phần củng cố niềm tin và nhân dân.

Đại biểu Phạm Văn Hòa.

Đại biểu Phạm Văn Hòa.

Thời gian tới để đạt được mục tiêu đã đề ra, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm thu ngân sách vượt dự toán nhưng dự báo là thiếu bền vững, thời gian qua thu nhiều dầu thô nên tăng thu lại. Mặt trái của tăng thu từ dầu thô là giá xăng dầu trong nước không ngừng tăng, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống và sản xuất kinh doanh, làm xáo trộn không nhỏ đến sinh hoạt của người lao động. Đại biểu cho rằng việc bình ổn giá xăng dầu trong nước ở mức cho phép là điều cần thiết cho việc phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống sinh hoạt của người dân. 

Đại biểu cũng nêu quan điểm, Nghị quyết của Quốc hội sắp xếp, cổ phần hóa, khoán bán, thoái vốn Nhà nước, doanh nghiệp tại các doanh nghiệp đã nhiều năm nay nhưng thực hiện rất chậm, chưa hoàn thành được mục tiêu đề ra. Đề nghị Chính phủ có đánh giá cụ thể để thời gian tới quyết liệt đẩy nhanh cổ phần hóa đạt tiến độ, ổn định tư tưởng, việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp có phương án cổ phần hóa, tăng phần nào nguồn thu cho ngân sách và phát triển sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp này.

Cũng tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa góp ý kiến góp phần quản lý tốt hơn nền kinh tế vĩ mô; xuất khẩu hàng hóa; thu ngân sách; quản lý, giám sát chặt chẽ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp…

Cần có sự đổi mới về tư duy phát triển liên kết vùng, về phân bổ nguồn lực giải quyết các vấn đề quan trọng

Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là vùng còn nhiều khó khăn, khoảng cách về trình độ phát triển và thu nhập bình quân đầu người trong nội vùng với bình quân cả nước tiếp tục gia tăng, quy mô kinh tế còn khá nhỏ, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chất lượng chưa cao, các địa phương trong vùng đều chưa cân đối ngân sách, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn)

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn)

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nhận thấy, cần phải có sự đổi mới về tư duy phát triển liên kết vùng, về phân bổ nguồn lực giải quyết các vấn đề quan trọng, trọng điểm là sự hoàn thiện về thể chế, chính sách, một nội dung quan trọng trong khơi thông nguồn lực cho phát triển vùng. Vì vậy, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần nhanh chóng cụ thể hóa các chủ trương, định hướng và nghị quyết bằng chương trình, bằng kế hoạch có tính đến ưu tiên đặc thù và có hiệu lực ngay để phát triển kinh tế nhanh và bền vững của vùng.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, thời gian vừa qua, Quốc hội đã thảo luận và thông qua một số thí điểm và những chính sách đặc thù cho các địa phương nhằm tạo công cụ pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế và phát triển kinh tế xã hội của một tỉnh, thành phố như việc xác định bổ sung có mục tiêu, nâng mức dư nợ vay phân cấp cho địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, rừng sản xuất thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ tách dự án bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, chính sách phí và lệ phí.

Điều này cho thấy các quy định hiện hành trong Luật đất đai, Luật ngân sách, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật lâm nghiệp, Luật phí và lệ phí đã không còn phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Đây cũng là nội dung đại biểu Hồ Thị Kim Ngân kiến nghị tại Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất Quốc hội khóa XV. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, phân cấp thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên, đất trồng lúa diện tích dưới 20 ha và chuyển đổi mục đích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng dưới 30 ha để thuận lợi trong việc triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư. Đối với các dự án xây dựng công trình giao thông trọng điểm có chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng cho phép các công trình giao thông quan trọng của địa phương cũng được áp dụng cơ chế đầu tư cho các chủ đầu tư được khai thác các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng.

Khiếu nại, tố cáo về đất đai còn nhiều và phức tạp

Cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ đã phản ánh khái quát toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021 cũng như những tháng đầu năm 2022, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn tỉnh Bạc Liêu) đề nghị báo cáo tập trung đánh giá về kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, phân tích thêm về những tác động của đại dịch đến đời sống kinh tế xã hội nói chung cũng như vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng để trên cơ sở đó có những chính sách phù hợp trong thời gian tới.

Bình ổn giá xăng dầu trong nước ở mức cho phép là điều cần thiết - Ảnh 2

Đại biểu cho biết, về lĩnh vực đất đai, hiện nay việc sử dụng đất tại một số nơi còn sai phạm, lãng phí và hiệu quả thấp. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực đất đai còn nhiều và phức tạp. Để tập trung tháo gỡ những vấn đề bất cập trước mắt cũng như về lâu dài, đại biểu đề nghị, Chính phủ cần quan tâm và có biện pháp xử lý phù hợp, sớm khắc phục những vướng mắc, bất cập, sai phạm trong lĩnh vực đất đai, những vụ việc tồn đọng về khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, nhất là việc giao đất không qua đấu giá làm thất thu ngân sách nhà nước. Đại biểu cho rằng những vấn đề này cần được quan tâm đúng mức và có biện pháp chấn chỉnh ngay những nơi buông lỏng trong quản lý, đã phát sinh nhiều sai phạm trong thời gian qua, để nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước cũng như ý thức chấp hành pháp luật.

Liên quan đến lĩnh vực thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu cho biết, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã có văn bản số 7957/VPCP-QHĐP về việc tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chế độ, chính sách tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu sửa đổi 12 nhóm chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo để những chế độ chính sách này sớm được triển khai trong thực tế.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan