A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Có tình trạng lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền

Đại diện Bộ Tài chính cho biết có tình trạng lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền, do đó cơ quan này cùng với công an đang tiến hành xác minh, điều tra.

Trong phiên chất vấn sáng 8/6, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cho biết, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán nước ta hiện nay đã tăng gấp nhiều lần giá trị tài sản lúc IPO (phát hành lần đầu ra công chúng). Sự gia tăng này phản ánh tính hấp dẫn của kênh đầu tư nhưng cũng có tác động lớn của các chiêu trò đầu cơ, thổi giá, lũng đoạn thị trường, tạo sự chênh lệch giữa giá cả và giá trị thực.

"Tình trạng này làm tăng hệ suất vốn đầu tư trên một đơn vị tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế. Đề nghị Bộ trưởng đánh giá về mức độ bong bóng của thị trường chứng khoán nước ta hiện nay. Bộ Tài chính có những công cụ, bộ chỉ báo nào để nhận diện, đánh giá tính chất, mức độ bong bóng chứng khoán và có giải pháp gì để thị trường phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới", đại biểu Trần Văn Lâm nêu vấn đề.

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua đã có bước phát triển rất tốt, tăng trưởng bình quân trong giai đoạn từ năm 2016 - 2021 là 26%. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua đã xảy ra một số hiện tượng về thao túng chứng khoán, đưa thông tin sai lệch, lừa dối khách hàng...

Có tình trạng lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh: QH)

"Chúng tôi đã có nhiều biện pháp khi tiến hành cảnh báo cho người dân, các nhà đầu tư, đồng thời trình Chính phủ sửa lại Nghị định 153 và tăng cường các biện pháp để thực hiện minh bạch thị trường chứng khoán, đặc biệt là kênh trái phiếu doanh nghiệp", ông Phớc nói.

Theo đại diện Bộ Tài chính, trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn, cùng với nguồn vốn tín dụng để đảm bảo nền kinh tế phát triển. Thị trường chứng khoán thể hiện sức mạnh của nền kinh tế.

"Thị trường chứng khoán vừa qua xảy ra câu chuyện thao túng, đó là những hành vi của cá nhân. Tức là ông đưa ra thông tin sai sự thật, mở nhiều tài khoản để lôi kéo khách hàng rồi đột ngột bán đi nhưng không báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước. Tương tự, phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng xảy ra tình trạng cấu kết công ty này phát hành cho công ty kia", ông Phớc nói thêm.

Vị tư lệnh ngành tài chính cũng cho biết, hiện nay, Bộ Tài chính đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra và đưa trí tuệ nhân tạo vào theo dõi các nghiệp vụ chứng khoán, diễn biến giá cổ phiếu lên xuống đột ngột. Trái phiếu doanh nghiệp cũng được thiết lập một kênh riêng để theo dõi.

"Thời gian tới sẽ hoàn thiện Luật Chứng khoán trong đó quy định rõ về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ví dụ, doanh nghiệp phát hành phải có lãi, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là bao nhiêu và phải tuân thủ mục đích phát hành với cơ quan quản lý Nhà nước", đại diện Bộ Tài chính chia sẻ.

Đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ tăng cường tiến hành thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bắt đầu từ việc kiểm tra dòng tiền và những giao dịch bất thường.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng, thông qua việc kiểm tra, Bộ Tài chính đã phát hiện có nhiều vi phạm, không những vi phạm trên thị trường mà có cả việc lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền.

"Chúng tôi đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra một số vụ để xử lý nghiêm", ông Phớc cho biết.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan