A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gạo Thái Lan 'soán ngôi' bán giá cao nhất thế giới của Việt Nam

Sau khi duy trì đà giá cao cách biệt so với gạo Thái Lan, từ đầu tháng 8 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm mạnh và đánh mất vị thế cao nhất thế giới. Thị trường xuất khẩu gạo trở nên cạnh tranh gay gắt hơn khi nhiều nước xuất khẩu gạo châu Á dư nguồn cung.

Gạo Việt lập đỉnh xuất khẩu, chứng tỏ sức mạnh vượt Thái Lan

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ đầu tháng 8 đến nay, thị trường gạo trên thế giới biến động khá mạnh. Sau khi gạo Việt Nam duy trì đà giá cao cách biệt so với gạo Thái Lan, Ấn Độ (trên ngưỡng 400 USD/tấn), trong những ngày gần đây giá gạo Việt liên tục giảm mạnh.

Theo đó, ngày 7/8, gạo 100% tấm của Việt Nam có giá là 383 USD/tấn (giảm 10 USD/tấn so với 10 ngày trước đó), gạo 5% tấm là 398 USD/tấn (giảm 15 USD/tấn), gạo 25% tấm là 383 USD/tấn (giảm 10 USD/tấn).

Ngược lại, giá gạo của Thái Lan đồng loạt tăng cao trở lại. Sau khi duy trì ngưỡng thấp hơn gạo Việt từ 10-20 USD/tấn trong thời gian dài, giá gạo 100% tấm của Thái Lan hiện đạt 420 USD/tấn (tăng 10 USD/tấn so với 10 ngày trước đó); gạo 5% tấm 410 USD/tấn (tăng 10 USD/tấn), gạo 25% tấm có giá 394 USD/tấn (tăng 3 USD/tấn).

Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết, nguyên nhân chính giúp giá gạo nước này tăng vọt trở lại là do đồng Baht Thái Lan yếu so với đồng USD giúp giá gạo Thái trở nên rẻ hơn. Ngoài ra, giá gạo Thái Lan giảm mạnh và kéo dài trong tháng 7 làm tăng sức cạnh tranh và có nhiều đơn hàng hơn.

Theo Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, hiện vụ mùa bội thu khiến các nước xuất khẩu gạo chủ chốt, đặc biệt là Ấn Độ và Pakistan, cạnh tranh bằng cách chào bán hàng hoá với giá thấp.

Thái Lan đang đứng đầu danh sách các quốc gia đối mặt với tình trạng dư thừa gạo nên đà giá cao có thể không duy trì được lâu, khi các thương nhân đang tìm mọi cách để kiếm người mua cho một lượng lớn gạo tồn kho.

Theo Bộ NN&PTNT, mặc dù thị trường xuất khẩu gạo cạnh tranh khá gay gắt, sản phẩm của Việt Nam vẫn ngày càng được ưa chuộng trên thị trường thế giới. Bảy tháng qua, xuất khẩu gạo đạt 4,19 triệu tấn, tương đương giá trị hơn 2 tỷ USD, tăng 20,5% về lượng và 9% giá trị so với cùng kỳ 2021. Đây là mức xuất khẩu cao kỷ lục từ trước đến nay.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, giá lúa gạo trên thị trường xuất khẩu và nội địa đang có xu hướng giảm. Nguyên nhân do nguồn cung trên thị trường thế giới đang tốt và có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, đang bước vào vụ thu hoạch lúa Hè - Thu, nguồn cung trong nước đang tăng và xuất khẩu chậm nên giá gạo nội địa giảm bình quân từ 100 – 200 đồng/kg.

Trong nhóm các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, Mỹ là quốc gia có mức tăng mạnh nhất, tăng 65,3% trong nửa đầu năm. Tiếp đến là Philippines, thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 44,5% thị phần nhập khẩu tăng 48,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Dương Hưng

Tiền Phong


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật