Giá tăng kỷ lục, một tạ cau tương đương một chỉ vàng
Hơn 4 tháng qua, giá cau luôn ở mức cao, thậm chí thời điểm hiện nay đã vượt mức 80.000 đồng/kg giúp nhiều nông dân ở Quảng Ngãi “hốt bạc”.
Những ngày qua, người trồng cau ở huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) vô cùng phấn khởi bởi giá cau cao chưa từng thấy, có thời điểm lên đến 83.000 đồng/kg. Đây được xem là mức giá kỷ lục khi cau đang ở giữa vụ so với cùng thời điểm những năm trước.
“Có hộ dân trong xã thu về vài trăm triệu đồng từ tiền bán cau. Giá cau cao nên cũng xuất hiện tình trạng trộm cắp, vụ việc đã được phát hiện và chuyển cho công an huyện xử lý. Nhiều gia đình còn làm chòi, kéo điện ra vườn để giữ cau”- một lãnh đạo xã Hành Tín Đông chia sẻ.
Nếu như các năm trước, giá cau đầu vụ dao động từ 4.000-7.000/kg thì năm 2024, ngay từ đầu vụ, giá cau đã trên 40.000 đồng/kg và tiếp tục tăng đến tận thời điểm hiện tại.
Theo tìm hiểu, từ tháng 6 đến nay, giá cau tươi ở Quảng Ngãi luôn ở mức cao, dao động 45.000-57.000 đồng/kg, sau đó tăng lên hơn 60.000 đồng/kg và tiếp tục tăng lên mức trên hơn 80.000 đồng chỉ trong vòng nửa tháng.
Thậm chí có thời điểm, ngay trong một ngày, giá cau từ buổi trưa đến buổi chiều đã tăng thêm 5.000 đồng/kg. Giá cau "neo" ở mức cao suốt nhiều tháng liền là chuyện chưa từng xảy ra.
Bà Nguyễn Thị Bảy (xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành) có vườn cau hơn 300 cây đang cho trái. Tháng 9 vừa rồi, bà Bảy bán được hơn 300kg với giá 57.000 đồng/kg, thu về hơn 17 triệu đồng, một số tiền lớn đối với người nông dân.
"Mỗi tháng có thể bán 2 đợt, mỗi đợt từ 250 - 300kg. Giá cau năm nay cao, nhiều người trồng trúng lớn"- bà Bảy chia sẻ.
Theo nhiều người trồng cau, cau cho thu hoạch sau khoảng 5-6 năm trồng, thời gian thu hoạch từ tháng 7 đến cuối năm, trung bình 20-25 ngày/lứa. Nếu so với trồng các loại cây ăn quả khác, cây cau vẫn được giá hơn rất nhiều, lại ít công chăm sóc.
Chỉ riêng huyện Nghĩa Hành có gần 750 ha trồng cau với sản lượng khoảng 9.000 tấn. Vì lợi nhuận cao, trong những năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện Nghĩa Hành phá bỏ các loại cây ăn quả, chuyển qua trồng cau.
Tại huyện Sơn Tây (địa phương có diện tích cau lớn nhất Quảng Ngãi, với trên 1.000 ha), nhiều ngày qua, hàng chục thương lái đi dạo khắp các bản làng, lùng sục trả giá thu mua cau.
Sở hữu gần 2 ha cau với hơn 2.000 cây đang cho thu hoạch, nhờ giá cau cao, gia đình anh Đinh Văn Dương (xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây) đã trả được hết các khoản nợ vay trước đó.
"Vụ cau năm nay, mỗi tháng thu về gần 100 triệu đồng. Với mức thu nhập này, thực sự tôi có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới" - anh Dương thổ lộ.
Với đặc thù huyện miền núi nghèo, hơn 92% người đồng bào dân tộc thiểu số, việc cau được mùa, được giá khiến người dân ở Sơn Tây vui mừng như "trúng số". Nhiều gia đình có thu nhập khá, sắm được những vật dụng cần thiết nhờ nguồn thu hoạch cau.
Thế nhưng, vì thị trường chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc nên giá cả bấp bênh, năm được năm mất. Để tăng thu nhập cho bà con trong những năm cau không được giá, huyện đã vận động bà con đưa một số giống cây vào trồng dưới tán cây cau như hành Hà Lan, ổi nữ hoàng, dứa, sả...
Theo chủ một vựa cau, giá cao ở thời điểm từ đầu vụ đến giữa vụ như hiện nay là chuyện chưa từng có. Năm 2021, người trồng cau cũng từng trúng lớn nhưng không bằng năm nay, hiện tại mỗi tạ cau có thể mua được một chỉ vàng.
Tuy nhiên, do cau chủ yếu xuất sang Trung Quốc và giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường này nên biến động khó lường. Có thể đang cao kỷ lục nhưng ngay sau đó rớt giá thê thảm, thậm chí còn vài nghìn đồng/kg. Giá nông sản xuất sang Trung Quốc thay đổi từng ngày, không thể biết trước được.
Giá cau tăng cao kỷ lục cũng làm nhiều hộ nông dân, nhà vườn trồng cau hoang mang, lo lắng bởi tình trạng trộm cau xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương.
Chính quyền khuyến khích người dân sử dụng các biện pháp ngăn ngừa như: xây dựng hàng rào, lắp đặt camera giám sát, dựng chòi, lán trại, thuê người bảo vệ... để thường xuyên kiểm tra, bảo vệ vườn cau trong những thời điểm dễ xảy ra trộm.