A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá xăng dầu hôm nay 4/3: Quay đầu giảm nhẹ

Trong phiên giao dịch dầu tuần, giá xăng dầu quay đầu giảm nhẹ.

Các chuyên gia cho biết, cả dầu Brent và WTI đều giảm nhẹ với dầu Brent trượt dốc 0,17%, dầu WTI giảm nhiều hơn, 0,23%. Tuần trước, giá dầu đã ghi nhận một tuần tăng tốc. Đáng chú ý là trong tuần trước, giá dầu đã có thời điểm vượt 84 USD/thùng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Diễn biến trên Biển Đỏ, tồn kho dầu của Mỹ, lo ngại OPEC+ kéo dài cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện và các dữ liệu kinh tế ở Trung Quốc, châu Âu, Mỹ là những nhân tố tác động chủ yếu đến tăng - giảm giá dầu hồi tuần trước.

Trong 5 phiên giao dịch, giá dầu đã tăng 3 phiên, giảm 1 phiên và trái chiều 1 phiên. Giá dầu đã tăng liên tiếp ở 2 phiên giao dịch đầu tiên của tuần do lo ngại nguồn cung giảm bởi sự sụt giảm trong hoạt động lọc dầu của Mỹ, sự gián đoạn thương mại trên tuyến vận chuyển ở Biển Đỏ và khả năng OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày sang quý II. Giá dầu trái chiều ở phiên giao dịch thứ 3 với dầu Brent tăng nhẹ, dầu WTI giảm nhẹ.

Trước đó, giá dầu đã tiếp đà tăng ở phiên giao dịch trước, nhưng đến cuối phiên, giá dầu đã từ bỏ mức tăng khi thị trường tiếp nhận thông tin nhiều khả năng Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức cao trong vài tháng nữa và báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu của Mỹ tăng thêm 4,2 triệu thùng.

Giá dầu đã lao dốc ở phiên giao dịch thứ 4 trước khi lấy lại đà tăng ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Tính cả tuần, giá dầu Brent tăng khoảng 2,4% lên mức 83,55 USD/thùng, dầu WTI tăng hơn 4,5% lên mức 83,62 USD/thùng.

Tuần trước, báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy trong tháng 1, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, thước đo lạm phát của Fed, đã tăng 0,3%. Chỉ số PCE lõi tăng 0,4%. Chỉ số này cho thấy lạm phát tháng 1 phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế, nên nhiều khả năng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào giữa năm. Một số liệu cũng đáng chú ý trong tuần trước đó là kết quả khảo sát của Reuters cho thấy OPEC đã bơm 26,42 triệu thùng/ngày trong tháng 2, tăng 90.000 thùng/ngày so với tháng 1.

Trong tháng 2, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) chính thức trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống 49,1, giảm tháng thứ 5 liên tiếp. Trong khi đó, lạm phát tại khu vực đồng Euro giảm 2,6%.

Tuần này, thị trường sẽ dõi theo chỉ số PMI dịch vụ của Mỹ trong tháng 2, quyết định lãi suất của Ngân hàng Canada, Ngân hàng Trung ương châu Âu, báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 2 của Mỹ và nhất là báo cáo chính sách tiền tệ nửa năm do Chủ tịch Fed Powell trình lên Quốc hội Mỹ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật