Không chỉ gừng, sả, cam vụt tăng giá gấp 3, vẫn bán hết vèo cả tấn
Nếu như thời điểm này năm ngoái, người dân Hà Nội được mua cam Hà Giang, Tuyên Quang với giá từ 6.000-15.000 đồng/kg thì năm nay, giá cam tăng vọt từng ngày, cam Hà Giang hiện giờ đã lên tới 34.000 đồng/kg.
Dịch Covid lây lan, người dân tăng cường mua cam uống để tăng đề kháng khiến giá cam tăng vù vù. |
Trước số ca F0 liên tục tăng trong những ngày qua ở Hà Nội, để tăng cường sức đề kháng, chị Phương Linh ở Thanh Trì (Hà Nội) đã mua cam về vắt nước để bổ sung vitamin C cho cả gia đình. Hôm nay chị vừa đặt mua 5kg cam Hà Giang ở địa chỉ bán hoa quả quen hay mua, chị Linh giật mình khi giá cam hôm nay được báo tăng lên 170.000 đồng/5kg, tức là 34.000 đồng/kg.
Trong khi trước đó 4 ngày, chị Linh cũng mua loại cam này với giá 24.000 đồng/kg. Thời điểm trước rằm tháng Giêng, chị Linh mua cam Hà Giang giá chỉ 17.000 đồng/kg.
Cam Hà Giang chín vàng được nhiều người chọn mua vì rất phù hợp để vắt nước uống. |
Thắc mắc giá cam tăng nhanh, chị Linh được người bán cho hay, cam hiện tăng giá theo ngày, giá mua buôn đầu vào tăng tới vài giá, cộng với chi phí vận chuyển nên buộc giá bán ra phải tăng lên, nếu không thì lỗ vốn.
Theo tìm hiểu, trên thị trường hiện có bán cam Hà Giang, cam Hàm Yên (Tuyên Quang), cam Nghệ An, cam đường Ôn Châu... Trong đó cam Hà Giang, cam Hàm Yên được người tiêu dùng chọn mua nhiều bởi loại cam này chín cuối vụ, độ ngọt cao và vắt được nhiều nước.
Chia sẻ với PV Infonet, chị Nguyễn Yến, một tiểu thương bán hoa quả ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, cả tuần nay, cam Hà Giang, cam Hàm Yên được khách đặt mua tới tấp.
“Cả tấn cam tôi chỉ bán lẻ nhưng chưa hết ngày đã hết cam, khách toàn đặt 5-10kg, có người lấy 20kg để ăn dần. Mấy ngày nay giá cam đầu vào tăng kinh khủng, lấy giá cao thì buộc tôi phải bán cho khách giá cao. Đầu nhập vào như hôm nay đã báo giá toàn 23.000-24.000 đồng/kg mà còn không có cam để lấy.
Hiện nay, Hà Giang mưa nên vườn không cắt được, cam chín dễ rụng lại càng không có nhiều nên giá cứ tăng theo ngày. Khách quen hỏi mua cam, tôi toàn phải hẹn khi nào có sẽ báo sau và nếu có thì chắc cũng không còn giá dưới 33.000 đồng/kg đâu”, chị Yến cho hay.
Cam đường Ôn Châu giá 40.000 – 43.000 đồng/kg, dù rất ngọt nhưng nhiều khách không thích mua vì sợ hàng nhập từ Trung Quốc. |
Cũng theo tiểu thương này, bên cạnh cam Hà Giang chị còn bán cả cam đường Ôn Châu rất ngọt, ăn rất tiện bóc múi và ngon như quýt Úc, giá 40.000 – 43.000 đồng/kg nhưng nhiều khách không mua vì sợ hàng nhập từ Trung Quốc.
Thậm chí, chị Yến cho biết, chị cũng buôn cả loại cam Nghệ An giá bán rẻ chỉ 12.000 đồng/kg nhưng khách cũng không thích, không mua nhiều như cam sành Hà Giang dù cam Nghệ An mọng nước, 8 phần ngọt, dễ bóc vỏ có thể ăn luôn hoặc vắt pha nước. Chỉ có điều cam Nghệ An màu không vàng đậm đẹp mắt như cam Hà Giang.
Cam Nghệ An mọng nước, được người bán giới thiệu 8 phần ngọt, dễ bóc vỏ có thể ăn luôn hoặc vắt pha nước, giá chỉ 12.000 đồng/kg nhưng nhiều người không thích. |
Anh Nguyễn Hưng, một tiểu thương đánh cam từ Hà Giang, Tuyên Quang về Hà Nội bỏ buôn cho các mối lấy từ đầu tạ cho hay, giá cam “nhảy múa” theo ngày. Vừa hôm trước đặt tiền chốt giá, xong hôm sau lên nhà vườn thấy dân buôn nhiều lại không cắt lấy lý do trời mưa, nhưng thực ra là muốn tăng thêm giá.
Theo anh Hưng, lúc giá cam mới tăng nhẹ, xe cam khoảng 3,5 tấn được anh chuyển về Hà Nội bán buôn cho các tiểu thương lấy đầu tạ để bán lẻ mà chỉ chưa đầy 3 tiếng đồng hồ đã bán hết.
“Cam lên giá là có thật. Hiện cam Hàm Yên hay cam Hà Giang giá đều đã ‘nhảy’ lên mức đầu tấn 21.000 - 23.000/kg, tùy loại; còn đầu tạ cũng 24.000 - 25.000 đồng/kg, chưa kể xăng dầu vừa tăng giá nữa; tất cả đều được cộng hết vào chi phí vận chuyển. Giá nhập cao về không biết bán sao...”, anh Hưng cho hay.
Cũng theo tiểu thương này, nếu như thời điểm này năm ngoái cũng là lúc đang dịch bệnh, cam đánh về Hà Nội chỉ bán được giá 6.000 đồng/kg, đóng theo túi 10kg giá 60.000 đồng và 20kg giá 120.000 đồng thì năm nay trái ngược hẳn, càm sành về đến đâu hết đến đó, còn không đủ trả cho khách mua buôn chứ không cần phải đứng đường bán lẻ.