A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà đầu tư cần làm gì khi thị trường xuất hiện những tín hiệu tích cực vĩ mô?

Dưới dự điều hành linh hoạt và nhạy bén của Chính phủ, kinh tế Việt Nam sau quý I đã thể hiện rõ những tín hiệu vĩ mô tích cực. Thị trường chứng khoán được xem là nhiệt kế của nền kinh tế sẽ được hưởng lợi từ xu hướng đó. Vậy các nhà đầu tư F0 nên làm gì trong giai đoạn này?

TS. Nguyễn Hoàng Nam (Trưởng khoa TCNH, Trường Đại học Đại Nam) sẽ chia sẻ thêm góc nhìn về vấn đề này.

Chỉ báo vĩ mô tích cực

Thứ nhất, GDP trong quý I của Việt Nam tăng trưởng 5.03% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020. Đây là một con số thể hiện tốc độ phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ hai, tăng trưởng tín dụng quý I khá tích cực đạt 5,04%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (2,16%), chứng tỏ khả năng thẩm thấu của nền kinh tế cao hơn, tạo đà tốt cho chu kỳ kinh doanh tiếp theo.

Thứ ba, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I theo giá hiện hành đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư, là xung lực rất quan trọng đóng góp cho tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2022.

Thứ tư, Chính phủ điều hành chính sách rất linh hoạt và bám sát diễn tiến thị trường:

Ngân hàng nhà nước đã bắt đầu ra quyết định nâng nhẹ lãi suất, bơm ròng trên OMO rất linh hoạt (lúc bán ròng, lúc mua ròng). Chính vì vậy, mặc dù tỷ lệ lạm phát cả năm có thể trượt ra ngoài khung 4% nhưng lạm phát do dư cung tiền gần như chắc chắn sẽ không xảy ra.

Chính phủ đã chỉ đạo các cấp chính quyền mạnh tay hơn nữa với hiện tượng đầu cơ bất động sản. Đặc biệt một số tỉnh thành đã cấm phân lô, bán nền; kiên quyết phạt nặng hiện tượng tự ý chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở, trả lại hồ sơ khai thuế khi mức giá thấp,..

Chính phủ cũng thể hiện rõ quyết tâm quyết tâm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, giảm thiểu thao túng bằng những hành động rà soát, điều tra rất quyết liệt.

Cùng với đó, một số NH thương mại đã siết room tín dụng bất động sản khiến cho dòng tiền chảy vào sẽ giảm đi nhiều, góp phần xử lý các con sóng trên thị trường này.

Nhà đầu tư lý trí nên ở lại thị trường TTCK

Theo TS. Nguyễn Hoàng Nam, sóng BĐS đang có xu hướng giảm biên độ, chính vì vậy nếu các nhà đầu tư nhảy sang thị trường này sẽ đối mặt với nguy cơ bị sóng cuối xô cho bầm dập là rất cao.

Trong khi đó, giá vàng bất định, nhịp lên nhịp xuống không có xu hướng, ngày càng lạc điệu với thị trường vàng thế giới. Thêm vào đó, tỷ giá hối đoái đang được nhà nước kiểm soát chặt chẽ và nghiêm ngặt và đã lâu không còn là kênh đầu tư hấp dẫn.

Đây là những dấu hiệu rất tích cực và rõ rệt khiến cho ngày càng nhiều nhà đầu tư quyết định ở lại TTCK hoặc chuyển tiền mặt về ngân hàng. Số dư tiền gửi toàn thị trường quý, tăng 4,03% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này thể hiện khách hàng cá nhân đang thận trọng hơn với quyết định đầu tư và chờ đợi cơ hội đầu tư khác.

Nhà đầu tư F0 cần làm gì trong giai đoạn này?

Đồng tình với ý kiến của nhiều chuyên gia, TS. Nguyễn Hoàng Nam cho rằng: "Năm 2022, nhà đầu tư không dễ để kiếm lời trên thị trường chứng khoán như năm 2021. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán vẫn sẽ tăng trưởng và quan trọng hơn là tăng trưởng trong kỳ vọng chứ không phải là tăng trưởng trong lo sợ."

Ngày 4/4/2022 VN Index xác lập đỉnh mới là 1.530,47 điểm. Câu hỏi đặt ra là các nhà đầu tư F0 nên hành xử như thế nào cho phù hợp trong giai đoạn này.

Theo TS. Nguyễn Hoàng Nam, điều quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư mới là phải tránh được các bẫy tâm lý thường gặp:

Thứ nhất, các nhà đầu tư F0 nên cơ cấu lại các khoản đầu tư. Nếu đang gánh chịu những khoản lỗ thì đừng nên quá e dè và lo lắng, mạnh dạn cắt lỗ. Tuyệt đối không được để tâm lý hối tiếc ảnh hưởng tới các quyết định đầu tư sau này. Hãy coi thua lỗ ở thời điểm hiện tại sẽ là lợi nhuận trong tương lai. Trong khi đó, nếu đang lãi, các bạn hãy xem xét đâu là cổ phiếu giá trị để nắm giữ lâu dài, và đâu là cổ phiếu hào nhoáng (cổ phiếu mà thị giá >giá trị nội tại) để có thể cân nhắc bán chốt lời. Canh đỉnh là nhiệm vụ bất khả thi với các nhà đầu tư mới.

Thứ hai, nhà đầu tư F0 cũng nên cố gắng tránh "tầm nhìn bong bóng". Nó được hiểu là có quá nhiều thông tin đến từ nhiều kênh với các nhà đầu tư. Cần phải phân biệt đâu là thông tin thật, đâu là nhiễu. Trên thị trường đôi khi có những mã cổ phiếu đạt sự biến động mạnh về giá nhưng không đến từ những nguyên nhân nội tại, bền vững mà xảy ra do dòng tiền của nhà đầu cơ, hiện vẫn chiếm tỷ trọng cao, và giao dịch "nhiễu" làm tăng lực cầu.

Thứ ba, các nhà đầu tư cần rèn luyện tính kỷ luật và lạnh lùng khi ra quyết định đầu tư. Thay vì hỏi mua mã gì, giá bao nhiêu thì hãy hỏi tại sao lại mua mã này? Kịch bản thích ứng với biến động thị trường ra sao, có nghĩa là đã chuẩn bị giá bán trong cả 2 trường hợp lời và lỗ ngay khi đặt lệnh mua. Trường hợp thua lỗ, các nhà đầu tư mới không nên neo vào niềm tin rằng giá cổ phiếu mà mình đang nắm giữ rồi sẽ lên, đây là nguyên nhân chính dẫn đến những khoản thua lỗ lớn, thậm chí mất trắng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật