A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường ngày 07/1: Giá dầu tăng mạnh, vàng, kim loại cơ bản, cao su, cà phê đồng loạt giảm

Phiên giao dịch 06/1 giá dầu tiếp đà tăng do bất ổn tại Kazkhstan và sản lượng giảm tại Libya, vàng, kim loại cơ bản giảm do khả năng tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến của Fed, đường, cà phê, cao su đồng loạt giảm.

Dầu tiếp tục tăng

Giá dầu tăng khoảng 2% do bất ổn leo thang tại Kazakhstan và việc dừng cung cấp tại Libya, đều là thành viên của OPEC+.

Chốt phiên 6/1, dầu thô Brent tăng 1,19 USD hay 1,5% lên 81,99 USD/thùng, sau khi đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 11/2021. Dầu thô WTI tăng 1,61 USD hay 2,1% lên 79,46 USD/thùng, hợp đồng này đã chạm mức 80,24 USD/thùng.

Nga đã cử lính dù tới Kazakhstan để dập tắt cuộc nổi dậy trên toàn quốc sau khi bạo lực gây chết người lan rộng khắp đất nước thuộc Liên Xô cũ này. Không có dấu hiệu nào cho thấy sản lượng dầu ở Kazakhstan bị ảnh hưởng. Nước này sản xuất khoảng 1,6 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Trong khi đó tại Libya, sản lượng dầu ở mức 729.000 thùng/ngày, giảm từ mức cao hơn 1,3 triệu thùng/ngày năm ngoái do bảo dưỡng và đóng cửa mỏ dầu.

Giá dầu tăng kể từ đầu năm nay bất chấp OPEC+ đồng ý duy trì tăng sản lượng và tồn kho nhiên liệu của Mỹ tăng.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Reuters sự gia tăng sản lượng của OPEC+ trong tháng 12/2021 một lần nữa không đạt mức tăng theo thỏa thuận của OPEC+, cho thấy những hạn chế về năng lực.

JP Morgan dự báo dầu thô Brent đạt trung bình 88 USD/thùng trong năm 2022, tăng từ 70 USD/thùng trong năm ngoái.

Số liệu của chính phủ cho thấy dự trữ xăng của Mỹ tăng hơn 10 triệu thùng trong tuần trước, tăng một tuần lớn nhất kể từ tháng 4/2020. Tồn kho dầu thô giảm tuần thứ 6 liên tiếp xuống 419 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021.

Trong khi đó, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới Saudi Arabica, cắt giảm giá bán chính thức tất cả các loại dầu thô bán sang Châu Á trong tháng 2 ít nhất 1 USD/thùng.

Vàng giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần

Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất hai tuần áp lực bởi lợi suất kho bạc Mỹ tăng sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến.

Vàng giao ngay giảm 1,2% xuống 1.788,25 USD/ounce, sau khi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 22/12. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 2 đóng cửa giảm 2% xuống 1.789,2 USD/ounce.

Vàng có xu hướng không được nhà đầu tư ưa chuộng khi lãi suất tăng. Vàng và bạc bị áp lực giảm do thị trường bị ép theo đợt tăng lãi suất lần thứ 4 trong năm 2022. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2021.

Kim loại cơ bản giảm

Giá các kim loại công nghiệp giảm sau khi biên bản cuộc họp của Fed hồi tháng 12/2021 được công bố cho thấy lãi suất có thể tăng nhanh hơn dự kiến.

Các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ cho biết việc thắt chặt chính sách tiền tệ có thể được thúc đẩy nhanh chóng hơn bởi thị trường việc làm tốt và lạm phát gia tăng.

Mặc dù bị áp lực bởi ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô, các kim loại như đồng được củng cố bởi hàng tồn kho thấp và triển vọng nhu cầu tăng từ cuộc cách mạnh xanh.

Đồng trên sàn giao dịch kim loại LME giảm 1,6% xuống 9.540 USD/tấn.

USD mạnh lên làm giảm nhu cầu của các tài sản định giá bằng đồng tiền này. Ngoài ra biên bản của Fed đã kéo giảm chứng khoán trong khi một số lợi suất trái phiếu chính phủ tăng.

Chi phí điện cao tại Châu Âu đã củng cố giá đối với các kim loại tiêu thụ nhiều điện như nhôm và kẽm, nơi một số sản xuất đã bị cắt giảm.

Dự trữ nhôm của sàn LME ở nức 550.700 tấn, thấp nhất kể từ tháng 12/2005, giảm khoảng 160.000 tấn trong hai phiên qua.

Tồn kho thấp và giá điện cao đã củng cố nhôm trên sàn LME, giữ ở mức 2.923 USD/tấn.

Quặng sắt tăng do hy vọng nhu cầu của Trung Quốc phục hồi

Giá quặng sắt tăng do dự đoán nhu cầu nguyên liệu thô sản xuất thép và sản phẩm thép phục hồi sau Olympic Bắc Kinh 2022 vào tháng tới, trong khi giá giao ngay được hỗ trợ tốt bởi nhu cầu dự trữ.

Trung Quốc được dự đoán duy trì hạn chế sản xuất để đảm bảo không khí trong lành trong thế vận hội Olympic.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 5 tại sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 4,1% lên 717  CNY (112,47 USD)/tấn, gần mức cao của phiên tại 717,5 CNY, cao nhất kể từ ngày 27/10/2021.

Các nhà phân tích cho biết mặc dù lượng quặng sắt đến Trung Quốc vẫn tăng và đẩy lượng hàng tồn kho ở cảng lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2018 trong tháng trước, nhu cầu dự trữ trước Tết Nguyên Đán của Trung Quốc (bắt đầu vào ngày 31/1) tiếp tục hỗ trợ giá giao ngay.

Thép thanh tại Thượng Hải tăng 1,6%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 2,2%, thép không gỉ giảm 2,1%.

Quặng sắt của Trung Quốc có thể dư thừa 15 triệu tấn trong năm nay do nhu cầu thép giảm trong lĩnh vực bất động sản và các biện pháp kiểm soát sản xuất để hạn chế khí thải.

Cao su Nhật Bản giảm

Giá cao su Nhật Bản giảm, từ bỏ mức tăng trong phiên trước đó do dự đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn trong khi số ca nhiễm Covid-19 tăng cũng bổ sung thêm áp lực.

Cao su kỳ hạn tháng 6 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 5,8 JPY hay 2,4% xuống 238 JPY (2,1 USD)/kg

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5 tại Thượng Hải giảm 295 CNY xuống 14.545 CNY (2.281 USD)/tấn.

Đường thô thấp nhất 5 tháng

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 giảm 0,15 US cent hay 0,8% xuống 18,19 US cent/lb, trong phiên giá đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 8/2021 tại 18,15 US cent.

Các đại lý lưu ý rằng cả vụ thu hoạch Thái Lan và Ấn Độ đều diễn ra tốt đẹp và có những trận mưa lớn trong những tuần gần đây ở khắp khu vực trồng mía của Brazil. Họ bổ sung dự đoán thị trường có thẻ cân bằng hơn là thiếu hụt trong mùa vụ này và các quỹ sẽ tiếp tục bán ra nếu các thị trường rộng lớn vẫn chịu áp lực.

Đường trắng kỳ hạn tháng 3 tăng 0,1% lên 488,8 USD/tấn.

Cà phê giảm

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 3 đóng cửa giảm 14 USD hay 0,6% xuống 2.307 USD/tấn, tiếp tục thoái lui từ mức cao nhất 10 năm tại 2.384 USD thiết lập hồi cuối tháng 12/2021.

Các đại lý cho biết cà phê robusta chịu áp lực giảm từ vụ thu hoạch của Việt Nam diễn ra tốt đẹp.

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 giảm 0,05 US cent xuống 2.317 USD/lb.

Các nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Châu Á đã chứng kiến giao dịch ảm đạm trong tuần này, với thị trường cà phê tại Việt Nam mờ nhạt do nhu cầu thấp trong bối cảnh nguồn cung ổn định trong vụ thu hoạch, trong khi hoạt động ở Indonesia sẽ trầm lắng cho tới tháng 2.

Nông dân tại Tây Nguyên đã bán cà phê ở mức 39.900 – 42.000 đồng/kg, giảm từ 42.300 – 42.700 đồng một tuần trước.

Các thương nhân đã chào bán cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ ở mức trừ lùi 200 – 220 USD so với hợp đồng kỳ hạn tháng 5 tại London, một tuần trước mức trừ lùi là 240 – 250 USD.

Trong khi đó cà phê robusta Sumatra của Indonesia được chào ở mức trừ lùi 250 USD so với hợp đồng kỳ hạn tháng 3, không đổi so với tuần trước, do thị trường vẫn khá trầm lắng sau kỳ nghỉ lễ cuối năm. Các thương nhân cho biết hoạt động giao dịch trầm lắng vẫn kéo dài cho tới tháng 2 -3 khi vụ thu hoạch nhỏ diễn ra.

Gạo Thái Lan và Ấn Độ tăng

Giá gạo xuất khẩu từ Thái Lan chạm mức cao nhất trong gần 3 tháng trong tuần này do các thương nhân dự đoán nhu cầu ở nước ngoài tăng, trong khi đồng rupee mạnh và nguồn cung hạn hẹp đã khiến giá tăng tại Ấn Độ.

Gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 390 - 402 USD/tấn, mức cao nhất kể từ giữa tháng 10 so với mức 387 – 396 USD tuần trước. Thương nhân tại Bangkok cho biết họ dự kiến nhu cầu tăng thêm từ thị trường nước ngoài trong năm nay và một số nhà xuất khẩu bắt đầu tăng dự trữ.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào ở mức 359 – 363 USD/tấn trong tuần này, mức cao nhất kể từ ngày 11/11/2021, tăng từ mức 355 – 360 USD của tuần trước. Nhu cầu không mạnh nhưng giá vẫn tăng do đồng rupee tăng giá.

Tại Bangladesh, lượng gạo vụ hè năm 2021 tăng 1,22% so với năm trước đó lên 19,89 triệu tấn nhưng thấp hơn mục tiêu 1 triệu tấn,

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào ở mức 395 – 400 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tuần ngày 26/8/2021, không đổi so với một tuần trước đó. Giá gạo trong nước tăng do nguồn cung hạn hẹp. Nhiều nhà xuất khẩu tăng cường mua từ nông dân để đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu họ đã ký trước đó.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 07/1:

Thị trường ngày 07/1: Giá dầu tăng mạnh, vàng, kim loại cơ bản, cao su, cà phê đồng loạt giảm - Ảnh 1.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật