A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường ngày 10/8: Dầu thô cao nhất 10 tháng, vàng thấp nhất 1 tháng

Thị trường hàng hóa thế giới ngày 9/8 bị tác động mạnh bởi các số liệu kinh tế ảm đạm từ Trung Quốc và tâm lý chờ đợi chính sách tiền tệ của Mỹ. Giá dầu lên mức cao nhất 10 tháng trong khi vàng tiếp tục giảm quanh mức thấp nhất 1 tháng. Cao su Nhật Bản thấp nhất gần 2 năm; cà phê, ngô, lúa mì quay đầu giảm trong khi đồng và quặng sắt bật tăng; đường thô, đậu tương tăng nhẹ.

 

Thị trường ngày 10/8: Dầu thô cao nhất 10 tháng, vàng thấp nhất 1 tháng - Ảnh 1.

Dầu cao nhất 10 tháng

Giá dầu tăng vọt chạm mức cao nhất 10 tháng sau khi các số liệu cho thấy dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh và việc cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga bù đắp lo ngại về nhu cầu chậm từ Trung Quốc.

Giá dầu thô Brent chốt phiên tăng 1,38 USD, tương đương 1,6% lên 87,55 USD/thùng. Dầu thô Tây Texas của Mỹ tăng 1,48 USD lên 87,55 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 11/2022.

Dự trữ xăng của Mỹ đã giảm 2,7 triệu thùng trong tuần trước, trong khi tồn kho sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, giảm 1,7 triệu thùng. So với kỳ vọng của các nhà phân tích trong một cuộc thăm dò của Reuters là cả hai giữ ổn định.

Sự sụt giảm dự trữ nhiên liệu của Mỹ đã giúp bù đắp lại một số lo ngại về nhu cầu sau khi dữ liệu của Trung Quốc hôm thứ Ba cho thấy nhập khẩu dầu thô trong tháng 7 đã giảm 18,8% so với tháng trước xuống mức thấp nhất hàng ngày kể từ tháng 1/2023.

Lĩnh vực tiêu dùng của Trung Quốc cũng rơi vào tình trạng giảm phát và giá xuất xưởng hàng hóa kéo dài đà giảm trong tháng 7.

Tuy nhiên, giá dầu được hỗ trợ bởi kế hoạch của Saudi Arabia gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày thêm một tháng nữa, bao gồm cả tháng 9. Nga cũng cho biết sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày trong tháng 9.

Vàng tiếp tục giảm do thiếu mua đầu tư

Giá vàng tiếp tục giảm do các nhà đầu tư đứng ngoài cuộc trước dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ có thể cung cấp thêm tín hiệu về lập trường của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên quan tới chính sách tiền tệ. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi không sinh lời và đè nặng lên đồng đô la. Dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, sẽ đưa ra vào ngày hôm nay, dự kiến sẽ cho thấy lạm phát tăng nhẹ trong tháng 7 lên mức 3,3% hàng năm.

Tại Comex, giá vàng giao ngay giảm 0,5% còn 1.915,98USD/ounce, mức thấp nhất kể từ 10/7/2023. Giá vàng kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 0,5% còn 1.950,60 USD/ounce.

Đồng hồi phục khỏi mức thấp nhất gần một tháng

Giá đồng hồi phục khỏi mức thấp nhất 1 tháng sau khi dữ liệu cho thấy Trung Quốc rơi vào giảm phát làm dấy lên hy vọng về các biên pháp kích thích kinh tế nhiều hơn ở nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới.

Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London tăng 0,6% lên 8.401 USD/tấn. Giá đồng kỳ hạn tại Comex tăng 0,4% lên 3,78 USD/lb.

Chile, nước sản xuất đồng hàng đầu thế giới, cho biết xuất khẩu đồng của nước này đạt 3,36 tỷ USD trong tháng 7/2023, giảm 2,8% so với một năm trước đó. Trong khi đó, Bộ năng lượng và mỏ của Pêru cho biết sản lượng đồng trong tháng 6/2023 tăng 21,8% đạt 241.801 tấn so với cùng tháng năm ngoái. Sản lượng trong sáu tháng đầu năm tăng 17,6%.

Quặng sắt bật tăng, thép giảm

Giá quặng sắt Đại Liên tăng nhẹ do lo ngại về việc hạn chế sản lượng của Trung Quốc. Cụ thể, giá quặng sắt Đại Liên hợp đồng giao tháng 1/2024 chốt phiên tăng 0,1% lên 723 CNY/tấn. Trên Sàn giao dịch Singapore, quặng sắt tháng 9/2023 tăng tăng 1,1% lên 101,40 USD/tấn.

Chính sách giới hạn sản lượng năm 2023 ở mức của năm ngoái "sẽ khiến các nhà máy thép thận trọng hơn trong việc thu mua nguyên liệu thô", các nhà phân tích của Huatai Futures cho biết.

Tuy nhiên, các tiêu chuẩn thép của Trung Quốc hầu hết đều yếu hơn. Thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải  giảm 0,5%, trong khi thép cuộn cán nóng và thanh thép  đều mất 0,4%. Thép không gỉ tăng 0,1%.

Tồn kho của 5 sản phẩm thép chủ chốt tại 247 nhà máy thép Trung Quốc tiếp tục tăng, không chỉ do nhu cầu giảm khi điều kiện thời tiết bất lợi mà còn do sự suy yếu giá liên tục trên thị trường giao ngay.

Cao su Nhật Bản thấp nhất gần 2 năm

Giá cao su kỳ hạn của Nhật Bản giảm phiên thứ bẩy liên tiếp, chạm mức thấp nhất gần hai năm, do dấy lên lo ngại về nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc sau dữ liệu kinh tế ảm đảm. Giá cao su giao tháng 1/2024 trên Sàn giao dịch Osaka giảm 0,3 yên, tương đương 0,2%, xuống 195,9 yên (1,4 USD)/kg, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021 là 195,1 yên trong phiên.

Tuy nhiên, nguồn cung mới từ các nước sản xuất sang Nhật Bản hiện đã giảm do định giá thấp và hàng tồn kho địa phương đã giảm, vì vậy thị trường có thể sẽ đảo chiều trong thời gian tới.

Hợp đồng cao su giao tháng 1/2023 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 75 CNY lên 12.980 CNY (1.802 USD)/tấn.

Đường thô tăng nhẹ

Giá đường tăng lên do tâm lý lo ngại nguồn cung toàn cầu thiếu hụt trong mùa 2023-2024. Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,26 US cent hay 1,1% lên 23,71 US cent/lb. Đường trắng kỳ hạn tháng 10/2023 tăng 7,60 USD hay 1,1% lên 687,10 USD/tấn.

Các nhà phân tích thị trường đường dự kiến trong niên vụ tới thị trường sẽ thâm hụt toàn cầu lần thứ  hai liên tiếp do sản lượng gần kỷ lục từ nhà sản xuất hàng đầu Brazil sẽ không đủ để bù đắp sản lượng giảm ở những nơi khác.

Cà phê quay đầu giảm

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 đóng cửa giảm 0,6 US cent hay 0,4% còn 1,6075 USD/lb. Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 giảm 16 USD hay 0,6% còn 2.543 USD/tấn. Brazil đã xuất khẩu 2,69 triệu bao cà phê nhân ra nước ngoài trong tháng 7, cao hơn 22,3% so với cùng tháng một năm trước, tập đoàn công nghiệp Cecafe cho biết.

Các đại lý cho biết vụ thu hoạch arabica ở nhà sản xuất hàng đầu Brazil đang bước vào giai đoạn cuối cùng với điều kiện khí hậu thuận lợi và dự kiến nguồn cung sắp tới sẽ ồ ạt vào thị trường.

Nông dân Brazil dự kiến sẽ sản xuất 65,8 triệu bao cà phê loại 60 kg trong năm nay, nhà phân tích HedgePoint Global Markets cho biết hôm thứ Ba, tăng so với dự kiến trước đó là 63,8 triệu bao nhờ  năng suất nông nghiệp tốt hơn mong đợi ở một số khu vực sản xuất ở Brazil.

Đậu tương tăng, ngô và lúa mì giảm

Giá đậu tương kỳ hạn tại Chicago tăng do nhu cầu xuất khẩu của Mỹ cải thiện và khi thị trường phục hồi khỏi mức thấp nhất trong một tháng đạt được trong phiên trước đó. Trong khi đó, giá ngô và lúa mì kỳ hạn giảm. Các nhà xuất khẩu Mỹ đã bán 251.000 tấn đậu tương cho Trung Quốc, nước mua hạt có dầu lớn nhất, giao hàng năm 2023-24, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết.

Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 tại CBOT tăng 2-1/2 cent lên 13,08-1/2 USD/bushel. Giá ngô tháng 12/2023 của CBOT giảm 4-1/2 cent còn 4,94-1/4 USD/buhsel. Giá lúa mì mùa đông đỏ mềm tháng 9 của CBOT giảm 1-1/4 cent xuống 6,35 USD/bushel.

Nhập khẩu đậu tương của Liên minh châu Âu trong niên vụ 2023/24 đạt 1,09 triệu tấn vào ngày 6/8, so với 1,37 triệu tấn một năm trước đó, dữ liệu do Ủy ban châu Âu công bố hôm thứ Ba.

Vụ thu hoạch ngô của Mỹ có thể lớn thứ hai trong lịch sử do những cơn mưa trong tháng 7 đã giúp cây trồng vượt qua giai đoạn phát triển quan trọng, bù đắp cho điều kiện khô hạn vào đầu mùa và nhiệt độ nóng bức của mùa hè.

Vụ thu hoạch bội thu sẽ bổ sung vào các kho dự trữ trong nước dự kiến sẽ tăng lên do nhu cầu đối với ngô xuất khẩu của Mỹ giảm do vụ thu hoạch ồ ạt ở Brazil, quốc gia dự kiến sẽ vượt Mỹ trở thành nhà cung cấp ngô hàng đầu thế giới.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 10/8

Thị trường ngày 10/8: Dầu thô cao nhất 10 tháng, vàng thấp nhất 1 tháng - Ảnh 2.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật