Thị trường xe máy lao dốc năm thứ 3 liên tiếp – người Việt đang thực sự rời bỏ xe máy?
Trong năm 2021, thị trường xe máy Việt Nam đạt mức tiêu thụ 2.492.372 xe, giảm đến 8,12% so với năm 2020.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM - gồm các nhà sản xuất lớn là Honda, Yamaha, SYM, Suzuki, Piaggio), doanh số xe máy trong quý IV/2021 đạt 756.521 xe. Cộng dồn cả năm 2021, doanh số xe máy tại Việt Nam đạt 2.492.372 xe, giảm 8,12% so với năm 2020.
Như vậy, đây đã là năm thứ 3 liên tiếp thị trường xe máy trong nước chứng kiến đà sụt giảm. Năm 2020, doanh số xe máy tại Việt Nam cũng giảm mạnh 17%, xuống còn 2,7 triệu xe so với mức 3,25 triệu xe của năm 2019. Trước đó vào năm 2018, doanh số xe máy tại Việt Nam đạt 3,39 triệu xe – được xem là năm đạt đỉnh về doanh số trong nhiều năm trở lại đây.
Doanh số xe máy tại Việt Nam đã sụt giảm mạnh trong năm thứ 3 liên tiếp.
Có nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho tình trạng doanh số xe máy đi xuống tại Việt Nam. Điểm dễ thấy nhất là 2 năm doanh số xe máy sụt giảm mạnh nhất (2020-2021) cũng chính là thời điểm Việt Nam đối mặt với đại dịch Covid, người dân hạn chế đi lại cũng như cân nhắc các khoản chi tiêu không quá cần thiết.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng ngay cả khi không có đại dịch, doanh số xe máy tại Việt Nam cũng khó có cơ hội phục hồi về mức trước Covid. Tính ra từ năm 2018 đến năm 2021, doanh số xe máy tại Việt Nam đã giảm 900.000 chiếc, con số cực lớn.
Đời sống kinh tế phát triển, nhu cầu cao hơn khiến ngày càng nhiều người dùng tại Việt Nam để ý tới việc mua sắm ô tô, hơn là xe máy cho nhu cầu di chuyển hàng ngày. Cần nhớ rằng trong khi hầu hết các hãng xe máy chủ yếu tập trung cho việc nâng cấp các dòng xe quen thuộc thay vì ra mẫu mới thì các hãng sản xuất ô tô ngày càng biết cách "chiều" người dùng.
Họ liên tục cho ra mắt các mẫu xe đời mới, trong đó phổ biến nhất là các dòng sedan cỡ nhỏ, đặc biệt là SUV đô thị với mức giá xấp xỉ 500-700 triệu đồng, khuyến khích người dùng xuống tiền mua xe. Thực tế, đây cũng là phân khúc ô tô ghi nhận doanh số lớn nhất tại Việt Nam.
So với thị trường xe máy, doanh số ô tô tại Việt Nam trong năm 2021 vẫn tăng nhẹ so với 2020, cho thấy dù chịu ảnh hưởng của đại dịch, nhu cầu mua ô tô của người Việt là rất cao. Cụ thể, trong năm 2021, người Việt đã mua tổng cộng 410.390 xe, so với mức 407.655 xe của năm 2020. Doanh số này cũng cao hơn khoảng gần 1.000 xe so với năm 2019.
Dự kiến 2022 tiếp tục sẽ là một năm bùng nổ doanh số của các mẫu ô tô tại Việt Nam với doanh số có thể cán mốc 500.000 xe. Nghị định 103 được ban hành vào tháng 11/2021 quy định giảm 50% phí trước bạ dành cho các dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực từ tháng 12/2021 đến hết tháng 5/2022 là cú hích lớn cho thị trường ô tô.
Một lý do nữa khiến người dân không mặn mà với xe máy là các loại xe dịch vụ (xe ôm công nghệ, taxi công nghệ) hay phương tiện giao thông công cộng (tàu điện trên cao, bus điện) đang nở rộ tại các đô thị lớn giúp người dùng có nhiều lựa chọn hơn trong việc di chuyển hàng ngày. Đó là chưa kể các dòng xe máy điện cũng đang ngày càng phổ biến tại thị trường trong nước.
Trong khi doanh số xe máy tại thị trường Việt Nam tiếp tục sụt giảm, một thị trường xe 2 bánh lớn khác là Indonesia lại chứng kiến doanh số tăng mạnh. Theo trang Tempo, doanh số xe máy tại Indonesia trong năm 2021 đạt 5.057.516 xe, tăng 38% so với năm 2020 (3.660.616 xe). Theo Hiệp hội công nghiệp xe máy Indonesia, doanh số xe máy của nước này có thể tăng tiếp 2-8% trong năm 2022.