Xuất hiện dự báo giá dầu sắp trở lại mức 100 USD/thùng
Giá dầu có thể tiếp tục tăng vào năm 2023 do nhu cầu của Trung Quốc phục hồi sau khi các biện pháp kiềm chế chống COVID được dỡ bỏ và việc thiếu đầu tư làm hạn chế tăng trưởng nguồn cung dầu, với khả năng rất lớn là giá sẽ trở lại mức 100 USD/thùng, một số nguồn tin từ OPEC cho hay.
Năm 2022, giá dầu tăng vọt trên 100 USD lần đầu tiên kể từ năm 2014 khi nhu cầu phục hồi sau các đợt phong tỏa chống COVID-19 ở nhiều nơi trên thế giới và xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung. Nhưng giá sau đó đã hạ nhiệt, dầu thô Brent đã kết thúc năm ở mức gần 86 đô la do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Việc giá dầu quay trở lại mức trên 100 đô la trong một thời gian dài sẽ mang lại nhiều doanh thu hơn cho các thành viên OPEC (Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ), những nước có nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào thu nhập từ dầu mỏ, nhưng lại là một trở ngại đối với các nền kinh tế công nghiệp hóa - đang cố gắng kiểm soát lạm phát và lãi suất.
Để hỗ trợ giá dầu, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh bao gồm Nga, được gọi là OPEC+, hồi tháng 10 đã đồng ý cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 2% nhu cầu thế giới.
Sau sự biến động của năm 2022, khiến dầu thô Brent tiến gần đến mức cao nhất mọi thời đại, là 147 USD ngay sau khi chiến tranh ở Ukraine bắt đầu, song đến nay, đầu năm 2023, giá dầu Brent chỉ còn hơn 86 USD, mặc dù Nga có kế hoạch cắt giảm sản lượng vào tháng 3.
Cả OPEC và OPEC+ đều không công bố dự báo giá dầu và không có mục tiêu về giá. Các quan chức và bộ trưởng của OPEC và OPEC+ thường miễn cưỡng thảo luận về hướng giá.
Trong một bình luận công khai hiếm hoi vào ngày 8/2, đại diện của Iran tại OPEC, Afshin Javan, cho biết giá dầu có thể tăng trở lại khoảng 100 USD trong nửa cuối năm, đồng thời cho biết thêm rằng OPEC+ có thể sẽ giữ nguyên chính sách sản lượng hiện tại tại cuộc họp tiếp theo.
Reuters đã có cuộc phỏng vấn riêng với 5 quan chức khác của các nước OPEC về triển vọng giá dầu 100 USD. Trong số đó, ba người cho rằng dầu có nhiều khả năng tăng giá vào năm 2023 hơn là giảm, với hai người dự đoán giá sẽ quay trở lại mức 100 đô la.
Một trong những nguồn tin của OPEC cho biết: “Cần phải nói rằng bóng đen của cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ tiếp tục bao trùm thế giới và xu hướng chung của giá dầu toàn cầu sẽ tăng lên”.
"Theo tôi, việc dầu thô Brent trở lại trên 100 USD vào một thời điểm nào đó vào năm 2023 không phải là điều bất ngờ”, ông này cho biết.
Còn về phía các nhà phân tích và thị trường, cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết đều dự báo giá dầu sẽ giảm trong năm 2022. Kết quả một cuộc khảo sát của Reuters với 30 nhà kinh tế và nhà phân tích dự báo dầu Brent sẽ ở mức trung bình 89,37 USD/thùng vào năm 2023, giảm so với 99 USD của năm 2022. Goldman Sachs đã hạ dự báo giá dầu Brent năm 2023 xuống còn 92 USD.
Việc Trung Quốc đột ngột dỡ bỏ các hạn chế chống COVID có khả năng thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ vào năm 2023, sau khi giảm nhẹ trong năm 2022 – lần giảm đầu tiên trong lịch sử.
Các nguồn OPEC cũng đề cập đến việc thiếu đầu tư cho sản xuất để tăng nguồn cung sẽ hỗ trợ giá. Các thành viên OPEC đang bơm ít hơn gần 1 triệu thùng/ngày so với mục tiêu của họ, theo số liệu của chính nhóm này cũng như của các tổ chức đánh giá khác.
Trong khi các nhà sản xuất ngoài OPEC dự kiến vẫn sẽ bơm thêm dầu trong năm 2023, dự báo nguồn cung dầu tăng 1,5 triệu thùng/ngày sẽ thấp hơn mức tăng trưởng nhu cầu - dự kiến là 2,2 triệu thùng/ngày, theo dự báo của OPEC.
Một nguồn tin khác của OPEC cho biết: “Ngay cả khi nguồn cung bổ sung đến từ đâu đó đó, thị trường vẫn sẽ chứng kiến tình trạng thiếu cung so với cầu”, và cùng chung ý kiến như vị quan chức OPEC khác là "Có nhiều áp lực giá tăng hơn là giảm trên thị trường".
OPEC sẽ không hành động trái với Nga
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ từ tháng 10/2022 sẽ áp dụng cho cả năm 2023. Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Fatih Birol, vào ngày 5/2 đã kêu gọi các nhà sản xuất xem xét lại chính sách sản lượng của họ "nếu nhu cầu tăng rất mạnh."
Cho đến nay, OPEC không có kế hoạch thay đổi chủ trương. Các bộ trưởng chủ chốt của OPEC+ tại cuộc họp ngày 1/2 đã tán thành chính sách hiện tại. Sau cuộc họp này, một nguồn tin cho biết thông điệp chính là OPEC+ sẽ là duy trì lộ trình cho đến khi kết thúc thỏa thuận.
Hai đại biểu của OPEC+ hôm 10/2 đã nói với phóng viên Reuters rằng OPEC+ không có kế hoạch hành động sau khi Nga tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 5% sản lượng của họ.
Một nguồn tin khác của OPEC cũng đồng ý rằng giá dầu có thể quay trở lại mức 100 USD vào năm 2023, mặc dù triển vọng tăng trưởng kinh tế là rủi ro chính.
"Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế - tất nhiên nếu có sự cải thiện ở Trung Quốc, giá dầu có thể sẽ quay trở lại mức 100 USD," ông nói, và thêm rằng: “Giá dầu thô trong khoảng từ 85 đến 100 USD là “tốt cho tất cả mọi người”.
IEA, đại diện cho 31 quốc gia bao gồm cả nước tiêu dùng hàng đầu thế giới là Mỹ, hôm thứ Sáu vừa qua đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về việc giá dầu ở mức 100 USD sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với các thành viên của mình. Vào tháng 11, Birol cho biết giá dầu ở mức 100 USD là một rủi ro thực sự đối với nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, không phải mọi nguồn tin từ OPEC đều dự báo giá dầu sẽ tăng, mặc dù số người dự báo giá giảm ít hơn số người dự báo giá tăng. Theo nhóm dự báo giá giảm, cũng như rủi ro suy thoái kinh tế, giá dầu sẽ giảm vào năm 2023 vì không rõ nhu cầu từ Trung Quốc sẽ là bao nhiêu và liệu nước này có áp dụng các biện pháp phong tỏa một lần nữa để ngăn chặn sự bùng phát của dịch COVID hay không.
“Vẫn còn những điều không chắc chắn về tăng trưởng kinh tế, lạm phát và việc mở cửa trở lại của Trung Quốc”, một nguồn tin từ OPEC, người dự đoán giá dầu sẽ giảm trong năm nay, cho biết.