A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Yếu tố nào đang tác động lên thị trường chứng khoán?

Lạm phát toàn cầu diễn biến phức tạp, rủi ro suy thoái kinh tế thế giới ngày càng hiện hữu, lãi suất trong nước tăng chính là những nguyên nhân tác động lên thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán vẫn ở giai đoạn khó đoán định.

Thị trường chứng khoán vẫn ở giai đoạn khó đoán định.

Nhìn tổng thể thì phiên giao dịch này có nhiều điểm tích cực. Cơ hội tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi nhóm VN30 chịu sức ép từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Bên cạnh đó, độ rộng thị trường được cải thiện đáng kể nhờ sự dẫn dắt của các nhóm cổ phiếu được dòng tiền chú ý như dầu khí, hóa chất, sản xuất điện… dù dòng tiền đang co lại.

Nhìn ở góc độ tích cực, thanh khoản phiên này thấp một phần do lượng cổ phiếu đã về tài khoản có lãi, nhưng nhà đầu tư vẫn kỳ vọng giá còn tăng nên giữ lại. Ngoài ra cũng do thanh khoản thấp nên lực mua dù nhỏ trong phiên chiều cũng đủ để thị trường có nhịp hồi khá mạnh hơn 17 điểm kể từ đáy.

Có thể thấy, trong đợt giảm điểm mạnh của thị trường chứng khoán thời gian qua, nhiều nhà đầu tư rơi vào bull – trap khi thị trường 3 lần bật tăng rồi giảm mạnh sau đó. Nhiều nhà đầu tư đã tham lam “bắt đáy” và kết quả là cổ phiếu chưa về tài khoản đã liên tục giảm sàn. Không ít nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính quay cuồng trong vòng xoáy cổ phiếu bị bán giải chấp. Thậm chí, trong đợt sụt giảm vừa rồi, lãnh đạo doanh nghiệp như Công ty cổ phần Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HDC) cũng bị bán giải chấp cổ phiếu.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường chứng khoán vẫn đang trong giai đoạn khó đoán định, khi có nhiều thông tin cả tích cực và tiêu cực tác động. Hiện nay, lãi suất và tỷ giá vẫn trong xu hướng tăng khi đồng VND tiếp tục chịu sức ép mất giá do FED tăng lãi suất, thanh khoản sụt giảm trong khi lãi suất trong nước đang tăng để hỗ trợ cho tỷ giá và chống lạm phát, đặc biệt là thị trường chứng khoán giảm sâu.

Chính việc lãi suất tiền gửi tăng trong bối cảnh thị trường chứng khoán nhiều rủi ro, khiến cho không ít nhà đầu tư lâu năm lựa chọn kênh đầu tư qua ngân hàng thay vì cổ phiếu. Cùng với đó với những nhà đầu tư mới cũng không vội vàng tham gia thị trường mà đứng ngoài quan sát và để tiền ở kênh trú ẩn an toàn hơn. Điều này khiến thanh khoản trên thị trường chứng khoán thêm phần hạn hẹp. Việc dòng tiền đang rút dần khỏi thị trường chứng khoán, và những biến động tin tức xấu trên thị trường tài chính vừa qua đã kích hoạt động thái bán ra dẫn tới mức sụt giảm nhanh và mạnh trong thời gian ngắn.

Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, 1.000 điểm là mốc hỗ trợ khá vững của chỉ số VN-Index, và kỳ vọng tích lũy trở lại trong vùng 1.000 - 1.130 điểm. Trong trường hợp xấu không giữ được vùng 1.000 điểm, VN-Index có thể điều chỉnh về quanh ngưỡng 950 điểm.

Xét về mặt định giá, P/E của VN-Index kết thúc phiên 11/10 là 10,8 lần, thấp hơn giai đoạn cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020 khi Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam (là 10,2 lần) và là mức thấp nhất trong vòng 10 năm gần đây. Nếu nhìn vào triển vọng tăng trưởng GDP trong năm 2022 từ 7 - 7,5% như các tổ chức quốc tế đánh giá, và tăng trưởng lợi nhuận dự báo ở mức 2 con số thì mức định giá nói trên là hấp dẫn so với nhiều thị trường khác trong khu vực.

“Dòng tiền ở thời điểm hiện tại nhìn chung thận trọng, do tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định trở lại sau giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh vừa qua. Mặc dù giá cổ phiếu đã giảm mạnh so với trước nhưng trong bối cảnh lạm phát toàn cầu diễn biến phức tạp, rủi ro suy thoái kinh tế thế giới ngày càng hiện hữu, lãi suất trong nước tăng, sẽ cần thêm thời gian để thị trường tạo đáy vững chắc” - SHS nhận định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan