A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bầu Đức bán heo cho ai?

Câu chuyện nuôi heo của bầu Đức đang gặp nhiều nghi ngờ, nó có giống "bán phân bò thu 1 tỷ/ngày" như 7 năm trước?

Tính từ lúc bắt đầu đến nay, mảng heo của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã triển khai được 2 năm. Trong khi đó, thương hiệu Heo ăn chuối Bapi mới ra mắt gần đây.

Nhưng trước khi heo Bapi "kịp lớn" để phân phối đến tận tay người tiêu dùng thì bầu Đức đã và đang bán heo cho ai?

Bán heo hơi: Giá vốn 43.000 đồng/kg, bán ra 62.000 đồng/kg

Theo chia sẻ của công ty này, heo nuôi từ trang trại Hoàng Anh Gia Lai đang bán đại trà cho các thương lái, không để thương hiệu và giá theo mức giá thị trường. Công ty mục tiêu mở rộng công suất lên đến 1 triệu con sang năm 2023, trước mắt tiêu thụ chính vẫn là heo hơi.

Luỹ kế 8 tháng HAGL đã tiêu thụ được 136.075 con heo thịt, tương ứng doanh thu 779 tỷ đồng. Công ty cho biết giá vốn là 43.000 đồng/kg, trong khi giá bán heo hơi bình quân là 62.000 đồng/kg.

Riêng 3 tháng trở lại đây, mỗi tháng HAGL xuất chuồng khoảng 25.000 con/tháng, tăng dần đều với tốc độ 22%. So với những tháng cuối năm 2021, mức độ tiêu thụ tăng bằng lần (bầu Đức từng chia sẻ tháng 10/2021 xuất được 9.000 con, tháng 11/2021 xuất được 3.000 con).

 

Bầu Đức bán heo cho ai? - Ảnh 1.

Ảnh: TT.

 

Bán heo thương hiệu Bapi: Mục tiêu sang tháng 10/2022 sẽ đưa qua nhà máy 500-600 con/ngày

Với thương hiệu Bapi, HAGL đã lần đầu ra mắt thị trường hồi tháng 8/2022 tại Đà Nẵng sau 3 tháng chuẩn bị. Đến ngày 17/9 vừa qua, Bapi “tiến quân” vào Tp.HCM. Dự kiến, tháng 10 tới đây Bapi cũng sẽ có mặt ở Hà Nội.

Mức giá bán hiện nay phía HAGL đưa ra chiết khấu khoảng 10-15% so với mặt bằng chung. Đơn cử, sườn non có giá 215.000 đồng/kg, ba rọi gián 178.000 đồng/kg và thịt vai, thịt đùi giá 110.000 đồng/kg... Bên cạnh dòng "ready to cook", Bapi HAGL cũng cung cấp 10 dòng sản phẩm "ready to eat" với 4 dòng xúc xích, 3 dòng chả truyền thống, cùng thịt nguội, heo xông khói.

Theo kế hoạch, đến tháng 10, sản lượng qua nhà máy khoảng 500-600 con/ngày cho thịt thương hiệu Bapi.

Hiệu ứng "bầu Đức" ban đầu đang khiến thịt heo Bapi thu hút được nhiều chú ý. Tuy nhiên, thương hiệu có thành công hay không thì cần thời gian để trả lời, nhất là khi doanh nghiệp này vẫn đang bán phần lớn thịt heo hơi cho thương lái để phân phối vào các điểm bán không liên quan đến Hoàng Anh Gia Lai.

Về phân phối: HAGL cho biết đến nay đã cơ bản hoàn tất 3 kênh:

(i) bán tại cửa hàng,

(ii) bán qua App kết nối trực tiếp với người tiêu dùng,

(iii) bán qua App cộng tác viên bán hàng của Công ty.

Công ty này cho biết đang hoàn thiện App bán hàng cùng với xây dựng hệ thống logistics, nhằm đáp ứng hàng ngàn đơn/ngày.

Riêng kênh trực tiếp, mục tiêu hết năm 2022 HAGL mở được 200 điểm bán BapiFood, và tăng lên 1.000 điểm (bao gồm nhượng quyền) đến cuối năm 2023.

Về giết mổ, chế biến: HAGL đang liên kết tại 2 nhà máy là (i) nhà máy Mavin tại phía Bắc và (ii) nhà máy công ty có vốn Nhật (Chef Meat Việt Nam) tại Đà Nẵng.

Trong đó, khâu giết mổ Bapi đặt chính tại nhà máy Chef Meat. Bởi, nhà máy này có công suất thiết kế hơn 2.000 con/ngày, trong khi công suất hiện tại chỉ khoảng 1.000 con/ngày.

Tương lai, HAGL khẳng định sẽ mở nhà máy riêng, công suất mục tiêu là 100 tấn/ngày. Xa hơn nữa, mục tiêu HAGL là toàn bộ heo sản xuất sẽ đi qua nhà máy.

Về chuồng trại: Tính đến tháng 5/2022, HAGL đã hoàn thiện được 9 cụm chuồng trại để duy trì nuôi hơn 27.000 con heo nái sinh sản và 600.000 con heo thịt xuất chuồng mỗi năm.

Bầu Đức bán heo cho ai? - Ảnh 2.

Một trong số các cụm nuôi heo của HAGL. Ảnh: TT.

Bầu Đức bán heo cho ai? - Ảnh 3.

Bên trong cụm nuôi heo thịt HAGL. Ảnh: TT.

Bầu Đức nuôi heo: Ủng hộ nhiều mà nghi ngờ cũng không ít

Cuối năm 2021, tại ĐHĐCĐ, bầu Đức tuyên bố sẽ đẩy mạnh nuôi heo sau khi nghiên cứu thành công công thức thức ăn riêng (với 40% từ trái chuối) trộn với thảo mộc, bắp… Riêng chuối được lấy từ hàng trăm tấn chuối thải mỗi năm (chiếm 30-40% tổng chuối thu hoạch của HAGL nhưng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu).

Hành trình nuôi heo của bầu Đức bắt đầu thí điểm từ quý 3/2020, một năm sau đó mảng mới chính thức có đóng góp cho chỉ số kinh doanh của HAGL. Thực tế, giai đoạn 2019-2020, nhiều doanh nghiệp lớn đã manh nha làn sóng nuôi heo, đơn cử có Hoà Phát (HPG), Thaco, Masan (mở rộng với thương hiệu riêng MEATDeli).

Chăn nuôi heo được biết đến là ngành nhiều bấp bênh, từ biến động giá, dịch bệnh đến sự chi phối của nhiều thị trường lớn lân cận. Điều này lý giải cho việc đích đến cuối cùng của các tay chơi là thị trường thịt trị giá lên đến 10 tỷ USD, và đang nằm trong tay thương hiệu ngoại. Một số thương hiệu thịt và các sản phẩm từ thịt phổ biến trên thị trường Việt Nam kể tên có Le Gourmet (Philippine), Meat Master (CJ Vina Agri), G-Kitchen (GreenFeed), CP (CP Group), MEATDeli (Masan)…

Riêng sự gia nhập của Bapi HAGL, bên cạnh sự ủng hộ dành cho thương hiệu thịt chất lượng mới, vẫn còn nhiều nghi ngờ. Tương tự, về bài toán kinh doanh, thị trường còn đó bỏ ngỏ liệu "heo ăn chuối" của HAGL có tương tự câu chuyện “bỏ túi 1 tỷ từ phân bò" 7 năm trước hay không? Và liệu rằng HAGL có đang dùng một mạo hiểm mới hơn nữa để bù đắp lại mạo hiểm cũ (đã không thành công)?

Từng trả lời, bầu Đức cho biết dự án nuôi bò hiệu quả nhưng lúc đó nợ quá nhiều, ngân hàng “canh” có tiền là thu nợ nên không thể thành công. Theo ông Đức, nợ của HAGL hiện nay đã không còn áp lực lớn như quá khứ khi dư nợ giảm từ 28.000 tỷ xuống còn khoảng 8.000 tỷ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan