CEO ManpowerGroup Việt Nam: Sếp thức thời là người giúp nhân viên thấy hạnh phúc và làm việc hiệu quả, không quan trọng làm việc ở đâu
"Các nhà quản lý cũng như nhân viên đang nhận ra ngày nay chúng ta có thể hoàn thành tốt công việc dù ở bất kỳ nơi đâu. Những nhà lãnh đạo thức thời là người biết tạo nên những thay đổi cần thiết để giúp đội ngũ nhân viên của mình luôn cảm thấy hạnh phúc và làm việc hiệu quả, không quan trọng họ làm việc ở đâu", ông Andree Mangels – Tổng Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam chia sẻ.
Công ty cung cấp giải pháp nhân sự ManpowerGroup (Mã chứng khoán: MAN) hợp tác cùng Everest Group ra mắt bộ nghiên cứu về Tương lai Thế giới Việc làm , gồm ba phần: Địa điểm làm việc, Người lao động, và Cách thức làm việc trong tương lai.
Từ trước năm 2020, thế giới việc làm vốn đã chịu ảnh hưởng của các tiến bộ như vũ bão về công nghệ, những thay đổi về nhân khẩu học của người lao động, và những mong đợi ngày càng cao của khách hàng. Tuy nhiên, sự xuất hiện của COVID-19 đã thúc đẩy những xu hướng này diễn ra nhanh hơn, đồng thời tạo ra những thay đổi sâu sắc.
Theo ManpowerGroup, những thay đổi đó là sự xuất hiện và phổ biến của mô hình làm việc từ xa; tình trạng thiếu hụt nhân tài trên toàn cầu năm 2022 đạt mức cao kỷ lục trong vòng 16 năm qua; tầm quan trọng và sự tăng cường tính đa dạng, công bằng, hòa nhập lao động (DE&I) ở các tổ chức; hay sự tìm kiếm những giải pháp mới giúp giải quyết bài toán thiếu hụt nhân tài… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang tăng cường áp dụng kỹ thuật số vào phương thức làm việc, và giải quyết những thách thức ngày càng lớn về nâng cao kỹ năng cho người lao động.
Bạn chọn quán cafe hay góc văn phòng?
Với nội dung "Địa điểm làm việc trong tương lai", báo cáo bàn về cách thức tạo ra một lực lượng lao động toàn cầu, sẵn sàng làm việc bất kể địa điểm thông qua việc triển khai mô hình làm việc kết hợp (hybrid work) và chiến lược tuyển dụng xuyên quốc gia.
" Các nhà quản lý cũng như nhân viên của họ đang nhận ra ngày nay chúng ta có thể hoàn thành tốt công việc dù ở bất kỳ nơi đâu. Những nhà lãnh đạo thức thời là người biết tạo nên những thay đổi cần thiết để giúp đội ngũ nhân viên của mình luôn cảm thấy hạnh phúc và làm việc hiệu quả, không quan trọng họ làm việc ở đâu".
"Mô hình làm việc kết hợp (nhà và công sở) chỉ là một phần bức tranh việc làm trong tình hình mới. Những yếu tố khác liên quan đến người lao động, địa điểm làm việc và cách thức thực hiện công việc sẽ là những mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo nhằm xây dựng thành công chiến lược nhân tài trong bối cảnh thế giới việc làm không ngừng thay đổi ", ông Andree Mangels – Tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam chia sẻ.
Kết quả khảo sát cho thấy, có 92% các doanh nghiệp đang xem xét hoặc lên kế hoạch triển khai mô hình làm việc kết hợp, trong khi 56% công ty đã thực sự áp dụng mô hình làm việc này hoặc đang trong những bước cuối cùng thống nhất chiến lược thực hiện.
Trong khi đó, 64% nhà quản trị nhân sự cho biết việc áp dụng mô hình làm việc từ xa đã giúp tỷ lệ tuyển được người tài của doanh nghiệp cải thiện đáng kể.
Thiếu nhân tài, 73% tổ chức muốn tăng cường sử dụng lao động thời vụ trong 12-18 tháng tới
Báo cáo cũng cho biết trong bối cảnh thiếu hụt nhân tài sâu sắc, các mô hình kinh doanh liên tục thay đổi cùng nhiều yếu tố bất ổn về kinh tế đang diễn ra, lao động thời vụ/ngắn hạn đang đóng vai trò ngày càng quan trọng. Có tới 73% các tổ chức mong muốn tăng cường sử dụng lao động thời vụ/ngắn hạn trong 12-18 tháng tới.
Để tối đa hóa những lợi ích mà chiến lược nhân sự mang lại cho doanh nghiệp, đã đến lúc các nhà lãnh đạo tối ưu việc sử dụng lao động thời vụ/ngắn hạn, theo ManpowerGroup. Đã đến lúc các doanh nghiệp xây dựng một lực lượng lao động thời vụ/ngắn hạn linh hoạt và giúp họ cảm thấy là một phần của tổ chức. Để làm được điều đó, những người làm công tác nhân sự cần rà soát lại những chính sách nội bộ, xây dựng một văn hóa công ty phù hợp, và khuyến khích sự quản lý và chịu trách nhiệm về nhân viên giữa các bộ phận then chốt.
Về cách thức làm việc trong tương lai, báo cáo cho rằng các doanh nghiệp và người lao động đã và đang nhận ra những giá trị của việc nâng cao kỹ năng đem lại, với 83% công ty đã gia tăng nỗ lực trong việc đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho người lao động. Tuy nhiên, để tối ưu kết quả đạt được, vẫn còn một số rào cản nhất định mà các doanh nghiệp cần vượt qua.
Các tổ chức cần phân biệt rõ ràng giữa tăng cường ứng dụng kỹ thuật số ở lực lượng lao động với nguy cơ công nghệ thay thế con người. Với sự gia tăng và phát triển của công nghệ, vai trò của con người tại nơi làm việc sẽ không suy giảm, mà trái lại được "tiến hóa" theo thời gian.
Báo cáo của ManpowerGroup cho biết, cả doanh nghiệp và người lao động cần hiểu rằng: Mục đích cuối cùng của tăng cường số hóa là để hỗ trợ và gia tăng sự đóng góp của người lao động cho tổ chức, chứ không phải để thay thế con người.