CEO MBS: “Nâng hạng thị trường sẽ giúp quy mô chứng khoán Việt Nam ít nhất tăng gấp đôi hiện nay, lọt top đầu ASEAN”
Quy mô thị trường sẽ tăng ít nhất gấp đôi so với mức độ thanh khoản như hiện nay. Sau khi nâng hạng chúng ta sẽ đứng trong Top đầu, ít nhất là trong ba nước đứng đầu của ASEAN, CEO MBS cho biết.
Tại Talkshow Phố Tài Chính (The Finance Street) trên VTV8 mới đây, ông Trần Hải Hà, Tổng Giám đốc CTCK MB (MBS) đã có những chia sẻ về câu chuyện nâng hạng thị trường của chứng khoán Việt Nam.
BTV Mùi Khánh Ly: Khi nói về việc nâng hạng, nhiều ý kiến cho rằng thị trường Việt Nam "đã thay da đổi thịt" nhưng vẫn khoác trên mình chiếc áo chật chội, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc CTCK MB (MBS): Nói về việc nâng hạng tại thời điểm này có hai tiêu chí, nhóm tiêu chí định lượng và nhóm tiêu chí định tính. Thực tiễn là về mặt tiêu chí định lượng thì những chỉ tiêu về quy mô và chỉ tiêu về thanh khoản chúng ta đang nằm trong Top đầu của ASEAN. Thanh khoản trong bốn tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã vượt Singapore đứng vị trí thứ hai và chỉ sau Thái Lan.
Vấn đề thứ hai, phải có ít nhất ba công ty đáp ứng các chỉ tiêu về quy mô và thanh khoản như vốn hóa, giá trị cổ phiếu giao dịch, chỉ tiêu về tỷ lệ giao dịch bình quân, chúng ta đều đã đáp ứng.
Nhưng các nhóm chỉ tiêu về định tính, chúng ta đang gặp khó khăn về những chỉ tiêu này. Ví dụ như tỷ lệ các doanh nghiệp, số lượng các doanh nghiệp dùng báo cáo công bố thông tin bằng tiếng Anh hay vấn đề liên quan đến thao túng, vấn đề làm giá, minh bạch thị trường, xếp hạng tín nhiệm và cả vấn đề về ngoại hối và di chuyển dòng vốn trong nước. Đây là những chỉ tiêu mà tôi nghĩ rằng phải nhiều bộ ngành vào cuộc dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ sẽ giải quyết được.
Cũng có ý kiến đánh giá, hệ thống công nghệ thông tin tuy đã cải thiện nhưng vẫn chưa có một hệ thống mới, đồng bộ như kỳ vọng, và đó là một trong nguyên nhân chính dẫn đến việc nâng hạng bị chậm, ông có nghĩ vậy không?
Theo lộ trình mà tôi được nắm thông tin, hy vọng rằng cuối năm nay hệ thống KRX sẽ được đưa vào và với hệ thống đó những câu chuyện về sản phẩm như T+0, bán khống (short sell) và nhiều sản phẩm khác… có thể được giao dịch trên đó. Dĩ nhiên, họ hoàn toàn có thể kiểm soát được quá trình giao dịch và cũng là một cách thức để hỗ trợ cho thanh khoản thị trường và nâng quy mô thị trường lên.
Vấn đề thứ hai là những nỗ lực của cơ quan quản lý trong thời gian qua về việc cải thiện hệ thống như nâng cấp về số lượng lệnh giao dịch trong một phiên hay cải tiến về giao dịch lô lẻ. Năm ngoái chuyển từ lô 10 lên lô 100 để chống nghẽn lệnh, và bây giờ chúng ta đang tìm giải pháp để đưa từ lô 100 về lô thấp hơn. Đó là những nỗ lực rất lớn của những người làm công nghệ thông tin và các cơ quan quản lý.
Thực tế, chúng ta đều thấy là những hạn chế nói trên đã và đang có nhiều thay đổi, cũng như thị trường ngày càng minh bạch, doanh nghiệp gia tăng quy mô và chất lượng, hay mới đây nhất là cơ quan quản lý đã hợp tác với Sở Giao dịch Chứng khoán New York (Mỹ) để hỗ trợ nâng hạng…Vậy theo ông, quá trình nâng hạng có được rút ngắn không?
Chúng ta chưa nhìn thấy nội hàm, nội dung chính của văn bản thỏa thuận đó nhưng tôi tin rằng là với sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và đặc biệt là sự điều hành quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ chắc chắn sẽ có những tác động tích cực trong việc giải quyết những vấn đề đang tồn tại cho câu chuyện nâng hạng. Tôi nghĩ rằng những vấn đề liên quan về định tính như công bố thông tin, vấn đề về minh bạch dần dần sẽ đi vào khuôn khổ.
Còn về khía cạnh kỹ thuật chung của thị trường thì còn ba vấn đề lớn nữa mà chúng ta sẽ phải đối mặt. Đầu tiên là vấn đề về giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, và về vấn đề này thì sẽ có những sản phẩm khác mà có thể giải quyết được câu chuyện tỷ lệ nhà đầu tư ngoài như sản phẩm về cổ phiếu không có quyền biểu quyết hay chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết.
Vấn đề thứ hai, chúng ta có thể nhìn thấy câu chuyện liên quan giải pháp về Pre-Funding của nhà đầu tư nước ngoài, đó là có thể mua và bán chứng khoán khi mà không có tiền trong tài khoản. Thực tế, nhà đầu tư nước ngoài tại thời điểm hiện tại muốn giao dịch phải có 100% tiền trong tài khoản. Nếu trong thời gian tới Trung tâm lưu ký Chứng khoán có thể hạ tỷ lệ ký quỹ đang là 100% về từ 20% đến 30% tôi nghĩ có thể kích thích được vấn đề thanh khoản và giải quyết được vấn đề này.
Vấn đề thứ ba về tài khoản tổng cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch bằng các tài khoản ẩn danh khác nhau. Ba vấn đề đó Việt Nam cần phải đối mặt để giải quyết để câu chuyện nâng hạng diễn ra một cách nhanh hơn.
Chúng ta đang có khoảng hơn 1.500 doanh nghiệp đang niêm yết trên cả hai sàn và thêm cả UPCOM, nhà đầu tư nước ngoài sẽ quan tâm đến tất cả chứ không chỉ quan tâm đến vài nhóm.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải giải quyết thêm bài toán về chất lượng công bố thông tin, chất lượng hoạt động và kết quả kinh doanh và sự minh bạch. Tôi hy vọng rằng trong giai đoạn năm 2022 và 2023 này, với sự quan tâm của Chính phủ và nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tốt hơn và nhiều doanh nghiệp sẽ có cơ hội tăng vốn và kích thích thêm cả thị trường M&A ở Việt Nam thì câu chuyện sở hữu đầu tư nước ngoài sẽ được giải quyết một cách tổng thể.
Khi nói về chất lượng doanh nghiệp, tôi được biết là các quỹ họ cũng sẽ phải đặt ra những chỉ tiêu nhất định để đầu tư vào một thị trường hay một doanh nghiệp nào đó, ông chia sẻ thêm về việc đó không?
Khi muốn tham gia vào một sân chơi lớn hơn mình không thể tự nói tốt về mình. Rõ ràng doanh nghiệp sẽ tìm đến những công ty xếp hạng tín nhiệm để đánh giá khách quan, ví dụ như ở tầm vĩ mô thì gần đây S&P đã xếp hạng Việt Nam ở mức độ BB+ là một thông tin rất tích cực cho thị trường tài chính của Việt Nam.
Còn góc độ doanh nghiệp giống như công ty chúng tôi thì vấn đề về minh bạch được đặt lên hàng đầu. Khi công ty hướng tới phục vụ hàng triệu khách hàng thì câu chuyện minh bạch là câu chuyện quan trọng, cùng với chất lượng dịch vụ. Vừa rồi chúng tôi cũng đã tìm đến công ty xếp hạng tín nhiệm trong nước và đã được xếp hạng mức độ là A- và với triển vọng ổn định.
Thực tế hàng tỷ USD đã đổ vào các thị trường sau khi được nâng hạng. Còn theo ông, nếu thị trường Việt Nam được nâng hạng thì dòng vốn vào Việt Nam sẽ như thế nào?
Việc nâng hạng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của chúng ta. Đứng dưới quan điểm của người làm nghề chứng khoán tôi cho rằng chúng ta sẽ có thể nâng hạng được sau hơn hai năm nữa. Quy mô thị trường sẽ tăng ít nhất gấp đôi so với mức độ thanh khoản như hiện nay. Sau khi nâng hạng chúng ta sẽ đứng trong Top đầu, ít nhất là trong ba nước đứng đầu của ASEAN.
Theo tôi, câu chuyện nâng hạng thị trường là một câu chuyện tất yếu và sẽ xảy ra trong thì tương lai. Trong ngắn hạn, chúng ta nhìn thấy sức khỏe của nền kinh tế đã tốt hơn so với giai đoạn 10 năm và 5 năm trước đây. Về triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2022 này cao hơn ít nhất khoảng 18% so với năm 2021, do đó về mặt thị trường trong ngắn hạn, kể cả thời gian nâng hạng kéo dài, tôi cho rằng thị trường vẫn tốt và rất nhiều cơ hội đầu tư.