A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ tịch Trần Đình Long tuyên bố "kết quả kinh doanh thê thảm vì ngành thép không thuận lợi" nhưng tại sao Hòa Phát vẫn đầu tư dự án mới Dung Quất 2, thậm chí Dung Quất 3?

Có sự mâu thuẫn nào ở đây?

Là một doanh nghiệp thép đầu ngành, Hòa Phát thu hút sự chú ý lớn từ giới đầu tư - kinh doanh trong nhiều năm gần đây, khi ngành thép thăng hoa mạnh mẽ. Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của Tập đoàn này được tổ chức tại Hà Nội vào hôm qua 24/5 đã diễn ra cực kỳ sôi động, các cổ đông đến tham dự trực tiếp đông đảo dù thời tiết không thuận lợi và đặt rất nhiều câu hỏi dành cho ban quản trị công ty.

Nhà lãnh đạo Hòa Phát - Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long là người trực tiếp đứng ra trả lời các câu hỏi này. Đáng chú ý, khi được cổ đông hỏi về mục tiêu lợi nhuận 25.000 - 30.000 tỷ đồng trong năm 2022, giảm đáng kể so với 2021, ông Long giải thích: "Chúng ta chỉ là tế bào trong nền kinh tế, mọi người đợi kết quả kinh doanh quý II, quý III và quý IV, tôi nghĩ kế hoạch kinh doanh năm nay sẽ khó. Mọi người sẽ thấy kết quả kinh doanh thê thảm như thế nào vì ngành thép không thuận lợi. Tất nhiên trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào Hoà Phát sẽ cố gắng làm tốt nhất.

Trong bất cứ khó khăn nào thì Hoà Phát cũng phải là công ty tốt nhất trong ngành thép, nhưng đề nghị cổ đông rất thông cảm. Trong nền kinh tế chung này, mình không thể khác được".

Hãy cùng chúng tôi làm rõ lí do tại sao "vua thép Đông Nam Á" lại tuyên bố ngành thép diễn biến không thuận lợi và kế hoạch kinh doanh năm nay sẽ khó?

Giá thép thế giới đã đạt đỉnh và đang giảm? 

Nếu là hay thị trường hàng hóa và vĩ mô trong nhiều năm, bạn sẽ hiểu Thép là một ngành có TÍNH CHU KỲ cao. Quan sát trong giai đoạn từ năm 1996 đến nay, từng có lúc giá thép thế giới leo lên mốc hơn 1.100 USD/tấn, nhưng cũng có khi lùi về 200 - 300 USD/tấn. 

Biểu đồ dưới đây thể hiện giá của 2 loại thép điển hình là thép thanh và thép cuộn cán nóng HRC.

Chủ tịch Trần Đình Long tuyên bố kết quả kinh doanh thê thảm vì ngành thép không thuận lợi nhưng tại sao Hòa Phát vẫn đầu tư dự án mới Dung Quất 2, thậm chí Dung Quất 3? - Ảnh 1.

Biểu đồ diễn biến giá thép thanh (Rebar) và thép cuộn cán nóng (HRC) (đv: USD/tấn) - Nguồn: www.steelonthenet.com

Như có thể thấy trong biểu đồ trên, giá thép dao động lên xuống có tính chu kỳ, tức là cứ vài năm một lần nó sẽ dịch chuyển từ đỉnh sang đáy, rồi lại từ đáy lên đỉnh. Các đỉnh nổi bật gần nhất xảy ra vào các tháng 8/2011, tháng 4/2018 và tháng 9/2021; cùng với các đáy giá xảy ra vào tháng 5/2009, tháng 2/2016 và tháng 6/2020. 

Biểu đồ trên cũng cho thấy tính chu kỳ dao động của giá thép trong 25 năm qua, ước lượng tần số vào khoảng từ 3-4 năm. Theo quan điểm của các chuyên gia, đáy giá tiếp theo sẽ xảy ra vào giữa năm 2023 và đỉnh giá tiếp theo được dự kiến vào khoảng quý 3 hoặc quý 4 năm 2025.

Theo quan điểm của MCI (Metals Consulting International Limited) vào tháng 1/2022, giá thép quốc tế dường như đang giảm, từ mức cao nhất vào tháng 9/2021. Quan trọng hơn, MCI nhận định, giá thép sẽ giảm dần trong năm 2022, giảm xuống đáy vào giữa năm 2023.

Còn theo đánh giá từ Fitch, giá thép thế giới được dự báo sẽ thoái trào vào năm 2022 khi đà tăng giá toàn cầu kết thúc. Cụ thể: Giá thép thế giới năm 2021 ~ 920 USD/tấn sẽ giảm xuống ~ 750 USD/ tấn vào năm 2022.

Cùng pha với diễn biến giá thép thế giới, giá thép trong nước đã bắt đầu giảm từ tháng 4/2022

Về tình hình thép trong nước, nhiều doanh nghiệp thép xây dựng tiếp tục giảm giá sản phẩm từ ngày 17/5 và là đợt điều chỉnh thứ hai liên tiếp trong vòng một tuần. 

Hòa Phát, doanh nghiệp chiếm 32,6% thị phần thép xây dựng toàn quốc trong năm 2021, đã giảm 800 nghìn đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 tại thị trường miền Bắc, xuống còn 17,83 triệu đồng/tấn. Cũng tại khu vực này, thép D10 CB300 hạ 460.000 đồng/tấn xuống còn 18,28 triệu đồng/tấn.

Thép Việt Nhật giảm mạnh nhất với 1,01 triệu đồng/tấn cho loại CB240 và D10 CB300. Sau khi giảm, giá hai loại thép trên còn lần lượt là 17,81 triệu đồng/tấn và 17,91 triệu đồng/tấn.

Cũng trong đại hội cổ đông thường niên 2022 của Hòa Phát, Chủ tịch Trần Đình Long dẫn chứng nhiều nguyên nhân khiến giá thép giảm. Ban đầu, chiến tranh Nga - Ukranie dẫn tới thiếu thép, nhưng thực tế không như kỳ vọng.

Quan trọng hơn, chính sách "Zero - Covid" của Trung Quốc góp phần khiến nhu cầu thép của thị trường này giảm. Trung Quốc chiếm đến hơn 60% sản lượng tiêu thụ nên khi thực hiện chính sách phong tỏa nghiêm ngặt khiến cầu giảm. 

Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ suy thoái, lạm phát cao cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thép.

Trong khi giá đầu ra giảm, giá nguyên liệu đầu vào lại tăng mạnh

Nguyên liệu thô trong sản xuất thép quan trọng nhất là quặng sắt và than cốc. Trong vòng mấy tháng qua, giá của 2 loại nguyên - nhiên liệu này tăng cao, đặc biệt là than.

Từ cuối năm 2021, nhu cầu tiêu thụ than của nền kinh tế thế giới tăng dần; đặc biệt từ tháng 3/2022, căng thẳng Nga-Ukraine bùng phát dẫn đến nguồn cung than không đủ đáp ứng nhu cầu, giá than liên tục tăng đạt các mốc kỷ lục.

Chủ tịch Trần Đình Long tuyên bố kết quả kinh doanh thê thảm vì ngành thép không thuận lợi nhưng tại sao Hòa Phát vẫn đầu tư dự án mới Dung Quất 2, thậm chí Dung Quất 3? - Ảnh 2.

Biểu đồ giá than cốc trong 1 năm trở lại đây

Tại sao tình hình chung của ngành thép "thê thảm", Hòa Phát vẫn triển khai dự án mới, thậm chí là siêu dự án?

Trong Đại hội cổ đông 2022, Chủ tịch Trần Đình Long nhấn mạnh quyết tâm của tập đoàn đó chính là "Hòa Phát sẽ không ngừng tiến lên".

Theo chia sẻ của tỷ phú thép, hiện doanh nghiệp có thể sản xuất 8,5 triệu tấn thép, đứng đầu Việt Nam cũng như Đông Nam Á, nhưng các nhà máy đã đạt đến giới hạn, sản lượng chỉ có thể tăng trưởng khoảng 3%.

Vì vậy, Hòa Phát đã triển khai xây dựng nhà máy Dung Quất 2 với công suất 6,5 triệu tấn HRC (thép cuộn cán nóng), nâng tổng sản lượng lên khoảng 14 -15 triệu tấn các sản phẩm thép. Hiện tại, dự án đang đi đúng với lộ trình, khi Hòa Phát đã ký được toàn bộ những hợp đồng thầu lớn trong tháng 5. Tổng vốn đầu tư cho dự án là khoảng 80.000 tỷ đồng.

Sau Dung Quất 2, công ty đang nghiên cứu xây dựng nhà máy thép Dung Quất 3 với công suất 6 triệu tấn/năm, có thể không đặt ở Dung Quất. Như vậy, tổng công suất của Hòa Phát sẽ nâng lên 21 triệu tấn, ngang với nhu cầu tiêu thụ thép hiện tại của Việt Nam. Hòa Phát sẽ sản xuất một phần HRC tại đây, ngoài ra còn thép U, thép Y. Dự án sẽ triển khai sau năm 2025.

Vấn đề đặt ra là liên tục thực hiện dự án lớn, tăng công suất khủng nhưng bản thân thừa nhận ngành thép gặp khó khăn, ban lãnh đạo Hòa Phát tính toán ra sao?

Tuy ngành thép đứng trước nhiều khó khăn trong ngắn hạn nhưng như dự báo của các chuyên gia quốc tế, sau khi chạm đáy, giá thép thế giới có thể lại lập đỉnh mới vào khoảng thời gian từ giữa đến cuối năm 2025. 

Mặt khác, Việt Nam hiện nay vẫn trong giai đoạn phát triển mạnh hạ tầng, cơ sở. Theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, giai đoạn 2022-2025 Việt Nam cần 3,15 triệu tỷ đồng/năm vốn đầu tư toàn xã hội. Như vậy, có thể nhìn thấy đầu tư công và xây dựng dân dụng, nhà xưởng... trong những năm tới sẽ là con số không nhỏ.

Vì vậy, việc đầu tư mới của Hòa Phát với nhà máy Dung Quất 2 và thậm chí Dung Quất 3 được nhiều người nhận định là để đón đầu làn sóng tăng giá thép trong chu kỳ mới cũng như đón đầu sóng "đầu tư công". 

Một góc độ khác, tỷ phú Trần Đình Long có tham vọng rất lớn với "đứa con" Hòa Phát, không chỉ quy mô đứng đầu ở Việt Nam mà còn muốn vươn xa hơn. Trên góc độ kinh doanh, khi một doanh nghiệp đứng đầu với thị phần đủ lớn, họ không chỉ chủ động trong giá bán mà còn "ép" được giá nguyên liệu đầu vào tốt nhất có thể.

Chủ tịch Trần Đình Long tuyên bố kết quả kinh doanh thê thảm vì ngành thép không thuận lợi nhưng tại sao Hòa Phát vẫn đầu tư dự án mới Dung Quất 2, thậm chí Dung Quất 3? - Ảnh 3.
 

Hiện nay, mức tiêu thụ thép ở Việt Nam vẫn còn tương đối thấp, khoảng 240 kg/đầu người. Lãnh đạo Hòa Phát dự báo con số này có thể tăng lên 350 - 400kg/đầu người, nên việc tăng sản lượng sẽ không gây dư cung, vấn đề là Hòa Phát có cạnh tranh tốt hay không.

Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc Hòa Phát, nhu cầu HRC của Việt Nam vào khoảng 12 triệu tấn/năm, sản xuất trong nước đạt 11 triệu tấn. Vì vậy, thị trường chủ yếu của Hòa Phát vẫn là nội địa, sản xuất đến đâu bán hết đến đó.

Ngoài chiếm lĩnh thị trường nội địa, ông Long chia sẻ tầm nhìn Hòa Phát hướng tới mục tiêu quốc tế hóa hơn nữa, mong muốn mở nhà máy ở nước ngoài. Công ty đã đầu tư mua mỏ quặng mua ở Nam Australia, đang làm thủ tục với chính quyền, kỳ vọng tới cuối năm sẽ có chuyến quặng đầu tiên.

https://cafebiz.vn/chu-tich-tran-dinh-long-tuyen-bo-ket-qua-kinh-doanh-the-tham-vi-nganh-thep-khong-thuan-loi-nhung-tai-sao-hoa-phat-van-dau-tu-du-an-moi-dung-quat-2-tham-chi-dung-quat-3-2022052510421953.chn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật