Đại gia Trung Đông Saudi Aramco hoãn mở rộng khai thác dầu, công ty ngành dầu khí Việt Nam ảnh hưởng ra sao?
Theo Vietcap, kế hoạch mở rộng bị trì hoãn của Saudi Aramco là do công suất dự phòng hiện tại, vì hiện tại chỉ sản xuất 9 triệu thùng/ngày, do đó không cần đầu tư mới trong ngắn hạn.
Theo Vietcap, kế hoạch mở rộng bị trì hoãn của Saudi Aramco là do công suất dự phòng hiện tại, vì hiện tại chỉ sản xuất 9 triệu thùng/ngày, do đó không cần đầu tư mới trong ngắn hạn. Vietcap cũng lưu ý rằng nếu không tiếp tục đầu tư, công suất sản xuất dầu hiện tại là 12 triệu thùng/ngày sẽ giảm xuống còn khoảng 10,5 triệu thùng/ngày trong năm 2027, qua đó cho thấy tầm quan trọng của các dự án mở rộng. Vì vậy, Vietcap cho rằng việc đầu tư này vẫn cần thiết trong dài hạn và có thể được Saudi Aramco xem xét lại.
Bên cạnh đó, Saudi Aramco cho biết chi phí vốn ban đầu được phân bổ để tăng năng lực sản xuất sẽ được chuyển sang lĩnh vực khí, chất lỏng và hóa chất. Saudi Aramco cho biết công ty sẽ cập nhật hướng dẫn về vốn đầu tư vào tháng 3 năm 2024.
Trong 1 báo cáo của SSI Research, các chuyên gia chứng khoán lưu ý rằng chu kỳ tăng trưởng hiện tại của ngành khoan chủ yếu được thúc đẩy nhờ công suất sản xuất dầu tăng mạnh từ Trung Đông, do đó, bất kỳ sự thay đổi nào trong chiến lược này đều có thể dẫn đến sự thay đổi chu kỳ tăng trưởng hiện tại của ngành khoan.
Trong khi chờ đợi chiến lược mới của Saudi Aramco, Vietcap vẫn giữ đánh giá tích cực về chi tiêu thượng nguồn toàn cầu do Trung Đông và Saudi Aramco dẫn đầu và đánh giá khả quan cho cổ phiếu của 2 doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) và Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD).
Theo S&P Global, chi tiêu cho các hoạt động thăm dò và sản xuất toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 4% trong giai đoạn 2023-2027.
Ngoài dầu mỏ, Saudi Aramco đang theo đuổi các cơ hội trong tất cả các ngành năng lượng, bao gồm cả hydro và năng lượng mặt trời. Aramco tuyên bố vào tháng 1 rằng công ty đã tăng hơn gấp đôi mức chi cho các quỹ đầu tư mạo hiểm lên 7,5 tỷ USD như một phần trong khoản đầu tư vào năng lượng mới.
Thị trường chứng khoán phiên 28/2 bất ngờ chứng kiến giao dịch bùng nổ trên nhóm cổ phiếu dầu khí. Các cổ phiếu như BSR, PVS, PVB, PVT, PVC, PLX, OIL,… đồng loạt tăng mạnh với mức tăng phổ biến trên 2%. Đáng chú ý nhất là PVD khi cổ phiếu này nhanh chóng tăng kịch trần "trắng bên bán" chỉ ít phút sau khi mở phiên qua đó leo lên mức cao nhất trong vòng 9 năm.