A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đánh thức tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa của quận Hoàng Mai

Tiềm năng và thực trạng

Trên địa bàn quận Hoàng Mai có chùa cổ Nga My, được tạo dựng từ thế kỷ XI, ngay sau khi vua Lý Công Uẩn định đô ở Thăng Long; chùa Sét được xây dựng từ đầu thế kỷ XVII; UBND TP Hà Nội đã công nhận làng nghề bánh cuốn Thanh Trì là “Làng nghề truyền thống Hà Nội”; “Nghề kim hoàn - đậu bạc Định Công" được công nhận nghề truyền thống Hà Nội... nhiều sản phẩm, địa chỉ được du khách trong nước và quốc tế tìm đến.

Di tích đình, đền Đông Thiên (phường Vĩnh Hưng) vừa được quận Hoàng Mai đầu tư 39 tỷ đồng tu bổ. Ảnh AT

Di tích đình, đền Đông Thiên (phường Vĩnh Hưng) vừa được quận Hoàng Mai đầu tư 39 tỷ đồng tu bổ. Ảnh AT

Cùng với đó, quận Hoàng Mai còn có công viên Yên Sở rộng 323ha, hồ Linh Đàm diện tích 70ha hiện có nhiều dịch vụ giải trí như: nhà thuyền, nhà triển lãm nghệ thuật, vườn mê cung, rạp hát ngoài trời, làng văn hóa… nhưng cũng chỉ mới khai thác tốt vào dịp các ngày lễ. Các địa điểm này cũng như nhiều địa điểm công cộng khác trên địa bàn quận Hoàng Mai chưa có nhiều hoạt động văn hóa - du lịch đúng tầm, nhất là trong những ngày nghỉ cuối tuần, khiến người dân Hoàng Mai phải tìm đến các quận, huyện khác.

Quận Hoàng Mai đất rộng, người đông, có tới 105 di tích, trong đó có 37 di tích xếp hạng cấp Quốc gia nhưng đến nay chưa xây dựng được sản phẩm du lịch có thương hiệu. Chất lượng dịch vụ du lịch tại một số điểm đến du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, làng nghề truyền thống chưa cao, quận đang thiếu các sản phẩm du lịch trải nghiệm phục vụ du khách.

Hàng năm tốc độ tăng trưởng kinh tế quận Hoàng Mai duy trì ổn định, bền vững. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng: tăng dần tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, thủy sản. Đến nay, tỷ trọng thương mại - dịch vụ đạt 54,1%; ngành công nghiệp - xây dựng đạt 45,72%; ngành nông nghiệp, thủy sản đạt 0,18%.

Hồ Yên Sở, địa điểm du lịch hút khách vào dịp lễ, Tết. Ảnh HM

Hồ Yên Sở, địa điểm du lịch hút khách vào dịp lễ, Tết. Ảnh HM

Định hướng phát triển công nghiệp văn hóa

Với nhiều lợi thế địa lý, di tích lịch sử, làng nghề, phong cảnh đẹp quận Hoàng Mai hoàn toàn cho thể phát triển kinh tế theo đúng tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 22/2/2022) của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. 

Nhất là sau khi quận Hoàng Mai tập trung đầu tư cải tạo, xây mới các trường học, hoàn chỉnh hệ thống trường công thì quận đang dành nguồn vốn ngân sách rất lớn đầu tư cho các công trình văn hóa, giao thông. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn quận Hoàng Mai có 14 dự án tu bổ, tôn tạo di tích từ nguồn ngân sách quận, tổng mức đầu tư hơn 529 tỷ đồng, trong đó 6 dự án đã hoàn thành: đình Linh Đàm, đình đền Đông Thiên, đình miếu Định Công Thượng, đình Kim Giang, đình Nam Dư Thượng, chùa Đồng… đang triển khai thi công đình Hoàng Mai và đình Giáp Nhị.

Rõ ràng, sau đầu tư, các nhà quản lý, cụ thể là UBND quận Hoàng Mai, phòng Kinh tế, phòng Văn hóa, các phường cần phải tính đến việc khai thác hiệu quả đầu tư. Quận Hoàng Mai phải tập trung phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn, cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao.

"Để phát triển công nghiệp văn hóa, điều kiện bắt buộc là chính quyền quận Hoàng Mai cần có “nhạc trưởng” đúng nghĩa" - ông Phạm Thành Trí - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam. Ảnh TA

Góc nhìn chuyên gia

Ông Phạm Thành Trí - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam cho rằng, để phát triển triển công nghiệp văn hóa điều kiện bắt buộc là chính quyền quận Hoàng Mai cần có “nhạc trưởng” am hiểu về lĩnh vực này để lựa chọn được mô hình phát triển phù hợp, bao gồm địa điểm, sản phẩm, phương án đầu tư và đào tạo nhân sự.

“Nhạc trưởng” của đề án phát triển công nghiệp văn hóa sẽ tư vấn, xây dựng chính sách và danh mục cần kêu gọi đầu tư, thiết kế sản phẩm đặc thù và phương án truyền thông. Sự có mặt của các nhà đầu tư, các hãng du lịch lớn trong nước, quốc tế sẽ chung tay với chính quyền khai thác những tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương.

Quận Hoàng Mai có nhiều lễ hội truyền thống thu hút người xem. Ảnh TA

Quận Hoàng Mai có nhiều lễ hội truyền thống thu hút người xem. Ảnh TA

Ông Phạm Thành Trí khẳng định, quận Hoàng Mai hoàn toàn đủ điều kiện tham gia tour du lịch “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long” do Thành phố đang xây dựng. Muốn thế, quận Hoàng Mai cần xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch khai thác giá trị các di tích, di sản, làng nghề truyền thống; xây dựng sản phẩm du lịch đêm. Nhưng trước mắt, một trong những việc UBND quận Hoàng Mai có thể làm ngay là nghiên cứu phát triển kinh tế đêm, các khu vực hồ đền Lừ, hồ Linh Đàm….

Trong 105 di tích đã được thống kê, UBND quận Hoàng Mai cần đánh giá, phân tích khả năng các địa điểm có thể tham gia kinh doanh du lịch tâm linh, du lịch văn hóa. Ngoài việc hoàn thành công tác kiểm kê 18 di tích trên địa bàn 8 phường, quận cũng phải sớm có giải pháp di dời các hộ dân đang sinh sống tại 5 di tích.

Cụ thể, tại đình Hoàng Mai (phường Hoàng Văn Thụ) có 3 hộ, chùa Nam Dư Hạ (phường Trần Phú) 10 hộ, chùa Sét (phường Tân Mai) có 26 hộ dân và 3 tổ chức, đình Pháp Vân, (phường Hoàng Liệt) có 2 hộ dân, nhà thờ Nguyễn Văn Siêu (phường Đại Kim) 11 hộ.

Trong quy hoạch gần 1.000ha đất bãi ngoài đê sông Hồng sắp tới, ngoài 2ha công viên các làng nghề tại phường Thanh Trì, quận cũng cần ưu tiên đáng kể quỹ đất phát triển công nghiệp văn hóa. Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, quận Hoàng Mai cần nghiên cứu, xem xét giữ lại khu vực Ao Áp diện tích khoảng 14ha gồm mặt hồ thuộc phường Yên Sở làm khu cây xanh mặt nước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật