Doanh nghiệp đầu tiên sản xuất bao cao su nội ở Việt Nam, từng được 2 ngân hàng nắm hơn 12% vốn hiện đang kinh doanh ra sao?
Trong 10 năm từ 2011-2020, tổng nhu cầu bao cao su phục vụ cho thị trường Việt Nam là hơn 2 tỷ sản phẩm. Là mặt hàng thiết yếu và được đánh giá tiềm năng nhưng "miếng bánh" này nằm chủ yếu trong tay các thương hiệu nước ngoài. Thương hiệu nội khá lép vế mặc dù doanh nghiệp Việt Nam đã tự sản xuất được bao cao su từ năm 1987.
Đơn vị tiên phong sản xuất Bao cao su tại Việt Nam từ năm 1987
Xí nghiệp Cao su y tế (Merufa) được thành lập với sự hợp tác giữa Tổ chức Dân số Thế giới - UNFPA (Liên Hợp Quốc) và Chính phủ Việt Nam vào tháng 11/1987. Từ ngày thành lập, Merufa đã được tổ chức UNFPA theo dõi chặt chẽ và trợ giúp kỹ thuật, với mục đích cải tiến chất lượng condom nhằm đạt các tiêu chuẩn Quốc tế mới ban hành.
Năm 2002, xí nghiệp Cao su y tế đã chuyển thành công ty CP Merufa với vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng. Ngày 12/12/2017, công ty đã đăng ký giao dịch UPCOM trên sàn HNX với mã chứng khoán là MRF.
Theo giới thiệu, Merufa cho biết, họ chính là đơn vị tiên phong tại Việt Nam nghiên cứu, sản xuất, cung cấp cho thị trường các mặt hàng Y tế quan trọng sản xuất từ cao su như: Bao cao su tránh thai (sản xuất từ cao su tự nhiên Việt Nam năm 1987), găng phẫu thuật (từ 1994), các loại nút chai kháng sinh, chai truyền dịch (từ năm 2000), ống thông và ống penrose (từ năm 1992), gel bôi trơn (từ 2015) và gel siêu âm (từ 2019).
Sản phẩm của MRF đều đạt các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành và có thị phần khá lớn tại Việt Nam. Thị trường của công ty có cả trong nước và xuất khẩu.
Trước khi giao dịch UPCOM trên sàn HNX, ngoài cổ đông tổ chức lớn là TCTy Thiết bị Y tế Việt Nam - CTCP nắm giữ 16,16% vốn thì 2 ngân hàng là MBBank và Sacombank nắm tổng cộng 12,65 % cổ phần của Merufa với tỷ lệ lần lượt là 6,06% và 6,59%.
Tuy nhiên sau đó, MBBank đã không còn xuất hiện trong danh sách cổ đông lớn của MRF trong báo cáo thường niên năm 2017. Còn Sacombank, vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu cho đến năm 2021, nhà băng này mới thoái vốn toàn bộ tại Merufa.
Cụ thể, Sacombank đã bán sạch hơn 242.000 cổ phiếu MRF tương đương 6,59% vốn điều lệ tại Merufa thông qua phương thức thỏa thuận, qua đó Sacombank chấm dứt tư cách cổ đông tại công ty. Giao dịch được thực hiện vào ngày 01/6/2021 qua phương thức thỏa thuận với mức giá 47.000 đồng/cp, tương ứng giá trị hơn 10 tỷ đồng.
Đạt doanh số lịch sử 12,5 triệu USD vào năm 2021 trước khi giảm 40% vào 2022
Hiện nay, MRF có nhà máy sản xuất tại địa chỉ C64/II, đường số 8, KCN Vĩnh Lộc, H.Bình Chánh, TP.HCM. Đến cuối 2022, số lượng người lao động ở công ty là 170 người, giảm 20 người so với năm trước.
Năm 2021, Merufa đã có một năm "thăng hoa" trong Covid khi đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử, lên đến 285 tỷ đồng (tương đương khoảng 12,5 triệu USD), tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Sau khi giảm mạnh vào năm 2017, lợi nhuận trước thuế của Merufa đã liên tục tăng trưởng trong vòng 4 năm từ 2018 - 2021. Năm 2021, LNTT là 30 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước.
Năm 2022, MRF chỉ hoàn thành hơn 68% kế hoạch doanh thu khi cán đích 203 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 40% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế đạt 12,6 tỷ đồng, hoàn thành hơn 70% kế hoạch lợi nhuận năm và chỉ còn chưa đầy 60% so với năm 2021.
Nói về khó khăn trong năm 2022, phía công ty cho biết, thị trường găng phẫu thuật, condom... vẫn có sự cạnh tranh gay gắt, nhiều đơn vị tư nhân tham gia, giá giảm mạnh; thủ tục đầu thầu và thanh toán vào các bệnh viện khó khăn hơn, giá nguyên vật liệu, nhiên liệu... đầu vào tăng và biến động thất thường.
Về mặt hàng bao cao su, năm 2010 và 2013, MRF trang bị 2 dây chuyền nhúng tự động sản phẩm bao cao su hiện đại với sản lượng khoảng 60 triệu chiếc/máy/năm và một số thiết bị đồng bộ tiên tiến khác nên có điều kiện thuận lợi để đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định. Sản phẩm của MRF sản xuất đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn ISO 4074:2015, TCVN 6342-2019... Mặc dù vậy, với chi phí marketing dành cho bán hàng, quảng cáo không lớn, bao cao su Happy của công ty không có độ nhận diện thương hiệu mạnh.
Theo số liệu của Tổng cục Dân số, tổng nhu cầu bao cao su phục vụ giai đoạn 2011-2020 là khoảng 2,147 tỷ sản phẩm. Trong đó, khoảng 1,751 tỷ bao cao su được cung cấp từ thị trường. Tỷ lệ bỏ tiền túi để mua bao cao su đã tăng lên đáng kể, khoảng 70%-80%, ước lượng khoảng 1.029 tỷ đồng.
Dù chưa có thống kê cụ thể doanh nghiệp nào đang chiếm lĩnh thị trường, nhưng theo một số hệ thống phân phối và bán bao cao su tại Việt Nam, các thương hiệu đến từ Anh và Nhật là được ưa chuộng hơn cả.