Doanh nghiệp gặp khó thế nào khi xuất hàng sang Nga?
Không ít doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam gặp khó khi đơn hàng ngừng trệ, gặp khó khăn trong thanh toán, hàng hóa ùn ứ… do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Vạ lây
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty cà phê nông sản Meet More- một doanh nghiệp xuất cà phê sang Nga cho biết, xung đột Nga- Ukraine đang gây rất nhiều khó khăn cho nhà phân phối của doanh nghiệp tại Nga. “Dịp Tết Nguyên đán 2022, Meet More đã xuất 2 container cà phê sang thị trường Nga, đồng thời tham gia hội chợ tại đây và đang có nhiều tín hiệu tốt thì đùng một cái, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đã ảnh hưởng không nhỏ cho doanh nghiệp”. Đầu tiên là tỷ giá USD. Trước đây, 70 rúp đổi được 1 USD, hiện tại 97 rúp/1 USD (tăng gần 40%), do đó việc thanh toán, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài lại càng khó khăn. Tất cả các hãng tàu lớn trên thế giới đều không đi đến Nga do lệnh cấm vận của các nước. “Nhà phân phối của chúng tôi đang cung ứng hàng hóa tại 3 vùng của Nga, dù đã nhận đặt hàng của công ty nhưng không thể đưa hàng từ Việt Nam sang, do đó phải san sẻ hàng hóa từ vùng này đến vùng khác, phí vận tải tăng đến 70% . Trước đây, cước vận chuyển một container chỉ 120.000 rúp nhưng giờ đã tăng 220.000 rúp. Đây là những khó khăn của DN Việt xuất khẩu hàng sang Nga” - ông Luận nói.
Tập đoàn Phúc Sinh vốn xuất khẩu 30 triệu USD nông sản (hạt tiêu, cà phê, điều, dừa) sang Nga mỗi năm. Hiện có khoảng 50% đơn hàng của DN này đưa sang Nga đang bị kẹt lại do các ngân hàng Việt Nam không dám nhận chứng từ xuất khẩu sang Nga sau khi Mỹ và EU loại một số ngân hàng Nga khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT. Với những đơn hàng đã giao thành công nhưng chưa thanh toán được, hai phía đang tìm cách giải quyết. Còn với những đơn hàng đang trên đường đi nhưng chứng từ chưa gửi được thì DN này thông báo hãng tàu cập các cảng trên đường sang Nga như Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore để tìm đối tác mua hàng khác. “DN có thị trường xuất khẩu rộng như chúng tôi có thể xoay xở tìm đối tác khác được, còn những DN nhỏ, nhất là DN xuất khẩu rau quả, hải sản đông lạnh đang trên đường đi mà phải quay đầu hoặc cập cảng khác sẽ thiệt hại không ít do hàng hư hỏng, chịu chi phí lưu kho bãi vì không dễ gì tìm được đối tác ngay” - ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh nói.
Doanh nghiệp được tạo điều kiện khi xuất khẩu hàng hóa ảnh: Ngô Bình
Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm - chuyên xuất khẩu hàng may mặc sang Nga cũng đang bị ảnh hưởng nặng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Do Nga bất ngờ bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT nên đơn hàng đã xuất trị giá 4 triệu USD của doanh nghiệp này sang thị trường Nga vẫn chưa được thanh toán. Một số đơn hàng khác bị giam lại trên đường sang Nga. Đó là chưa kể, công ty này đã mua 40 container nguyên phụ liệu (khi chuyển sang thành phẩm, trị giá gần 5 triệu USD), phải chờ đàm phán lại với đối tác bên Nga. “Đơn hàng đang lưu kho ở nước ngoài, kéo dài ngày nào thì DN phải mất tiền ngày đó. Chúng tôi đang tìm cách giải quyết” - đại diện DN nói .
DN nhập khẩu cũng chật vật
Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất từ thị trường Nga nhập (lúa mì, bắp, thép, nhựa đường... cũng chật vật). Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới nên ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung bột mì cho DN. Hiện nay, nhiều DN nhập khẩu bột mì của TPHCM đã chuyển sang nhập khẩu từ Mỹ, Úc. Cụ thể như Công ty Liên doanh Bột Quốc tế (Intermix), trước đây mỗi năm đều nhập khẩu khoảng 30.000 tấn bột mì từ Nga và Ukraine. Vừa qua, công ty đang chuẩn bị nhập nguyên liệu sản xuất cho năm nay thì chiến sự xảy ra. Công ty phải chuyển hướng sang nhập khẩu bột mì ở Mỹ và Úc nhưng đến nay chưa nhập được dù giá đã tăng hơn 20% và giá đang tiếp tục tăng cao. “Bây giờ, thị trường giá bột mì đang tăng cao, chúng tôi đang tìm thị trường nhập khẩu nhiều nước khác. Hiện tại, ở Mỹ và Úc giá lúa mì khá hợp lý. Tuy nhiên, công ty chưa nhập được” - bà Huỳnh Kim Chi, Tổng Giám đốc Công ty Intermix cho hay.
Tương tự, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đang gặp khó với các lô hàng may mặc đã thực hiện cho đối tác Nga với giá trị hợp đồng lên đến 12,5 triệu USD. Nguyên nhân là các nước phương Tây áp dụng lệnh trừng phạt và siết chặt việc làm ăn với thị trường Nga khiến các hãng vận chuyển quốc tế đều từ chối nhận đơn hàng giao cho Nga. Do đó, đến nay TNG vẫn chưa giao được các lô hàng cho khách hàng tại Nga mặc dù đã đến hạn.
Tạo thuận lợi cho DN
Cục Hải quan TPHCM cho biết, đã có hướng dẫn gửi đến các DN xuất nhập khẩu của Việt Nam, theo đó, đối với hàng hoá đã làm thủ tục xuất khẩu ra nước ngoài, nếu DN có nhu cầu đưa hàng trở lại Việt Nam thì thực hiện thủ tục tái nhập theo quy định. Đồng thời, lực lượng hải quan các chi cục sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các lô hàng xuất khẩu hàng sang Ukraine và Nga nhưng không đưa vào được 2 quốc gia này để làm thủ tục tái nhập hoặc xuất sang thị trường khác.
Trong trường hợp hàng hoá đã hoàn thành thủ tục xuất khẩu nhưng phải tái nhập trở lại Việt Nam thì DN thực hiện thủ tục hải quan tái nhập theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Trường hợp này, không yêu cầu người khai hải quan phải nộp giấy phép hoặc văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành; giải quyết thủ tục không thu thuế nếu tại thời điểm làm thủ tục tái nhập, người khai hải quan nộp đủ bộ hồ sơ không thu thuế theo quy định.
Nhiều doanh nghiệp Việt đang gặp khó khăn khi xuất hoặc nhập khẩu hàng hoá sang thị trường Nga do chiến sự Nga – Ukraine ảnh: U.P |
|
Trường hợp đối tác nước ngoài từ chối nhận hàng và DN Việt Nam đề nghị được thay đổi đối tác nhập khẩu thì DN thực hiện thủ tục khai sửa đổi, bổ sung thông tin tờ khai hải quan và nộp, xuất trình các chứng từ chứng minh việc sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 20 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Trường hợp hàng hoá đã đăng ký tờ khai hải quan nhưng không thể thực hiện tiếp thủ tục xuất khẩu, DN đề nghị huỷ tờ khai hải quan xuất khẩu để đưa hàng hoá trở lại nội địa thì thực hiện huỷ tờ khai hải quan theo quy định.