A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp sản xuất lên kế hoạch lợi nhuận 2022 giảm do lo ngại diễn biến giá nguyên liệu

Hoa Sen lên kế hoạch lợi nhuận 2022 giảm từ 42% đến 65% phụ thuộc vào diễn biến giá nguyên liệu. Diễn biến giá nhiều loại hàng hóa có dấu hiệu tăng mạnh gần đây, đặc biệt là dầu khí, thép, than. Việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm của doanh nghiệp.

Câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất trong năm nay có lẽ là lạm phát với đà tăng giá của hầu hết các loại hàng hóa kéo dài từ năm trước. Xung đột Nga – Ukraine càng làm trầm trọng hơn khả năng của lạm phát. Giá dầu hiện đã vượt qua mốc 100 USD/thùng, mức giá cao nhất tính từ năm 2014. Giá các sản phẩm kim loại, nhiên liệu khác như sắt, thép, nhôm hay than trên thế giới đều đã tăng mạnh trở lại. Điều này khiến cho giá xăng dầu trong nước cũng liên tục được điều chỉnh tăng thêm. Trong kỳ điều hành ngày 1/3, giá xăng lập đỉnh mới lên gần 27.000 đồng/lít đối với xăng RON 95. Giá gas bán lẻ cũng được điều chỉnh tăng lên trên 500.000 đồng/bình 12 kg…

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy CPI tháng 2 tăng 1% so với tháng trước và tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 2 tháng đầu năm, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,67%. Chỉ số giá tiêu dùng trong 2 tháng đầu năm tăng do giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịch Tết Nguyên Đán.

Năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ghi nhận tăng 1,84%, thấp nhất kể từ 2016. Năm nay, Quốc hội đặt ra chỉ tiêu kiểm soát tốc độ tăng CPI bình quân ở mức 4%, hơn gấp đôi năm trước. Theo Tổng cục Thống kê, nếu dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng lên, lạm phát sẽ chịu tác động của vấn đề tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới như xăng dầu, than và giá cước vận chuyển. Việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực cho lạm phát.

Doanh nghiệp sản xuất lên kế hoạch lợi nhuận 2022 giảm do lo ngại diễn biến giá nguyên liệu - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch lợi nhuận 2022 giảm do diễn biến giá nguyên liệu không thuận lợi.

Theo đó, doanh nghiệp sản xuất lạc quan về triển vọng nhu cầu phục hồi sau dịch bệnh, nền kinh tế mở cửa trở lại nhưng biến động giá nguyên liệu là yếu tố khó lường, đặc biệt là đơn vị chuyên nhập khẩu nguyên vật liệu.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên niên độ 2021-2022, HĐQT Tập đoàn Hoa Sen ( HoSE: HSG ) trình 3 phương án kinh doanh. Trong đó, kế hoạch về sản lượng được đề ra là 2 triệu tấn và doanh thu 46.399 tỷ đồng cho cả 3 phương án, lần lượt giảm 11% và 5% so với niên độ trước. Riêng với chỉ tiêu lợi nhuận sẽ thay đổi từ 1.500 tỷ đến 2.000 tỷ và 2.500 tỷ đồng, tức giảm từ 42% đến 65%.

Doanh nghiệp sản xuất lên kế hoạch lợi nhuận 2022 giảm do lo ngại diễn biến giá nguyên liệu - Ảnh 2.

Nguồn: HSG

 

Ban lãnh đạo lý giải đà giảm của lợi nhuận năm nay phụ thuộc vào diễn biến giá nguyên liệu. Giá HRC dự đoán giảm 11,5%, các công ty thép có thể không được hưởng lợi đáng kể từ hàng tồn kho giá rẻ trong năm 2022, biên lợi nhuận từ kênh xuất khẩu có thể giảm từ mức cao.

Trong năm 2021, kênh xuất khẩu đạt mức tăng trưởng mạnh thông qua 2 thị trường lớn là Mỹ và châu Âu, nơi có tỷ suất lợi nhuận cao hơn các thị trường khác. Song, sản lượng xuất khẩu thép được dự đoán chững lại do chuỗi cung ứng toàn cầu hồi phục, các quốc gia sẽ gia tăng chính sách bảo hộ đối với thép nhập khẩu, giá thép được điều chỉnh ổn định dần từ nửa cuối năm khi tình trạng đứt gãy nguồn cung được giải quyết, tình trạng dư cung có thể xảy ra khi các nhà máy thép gia tăng sản lượng sản xuất để giải quyết bài toán thiếu hụt sản phẩm. Phần sụt giảm của thị trường xuất khẩu sẽ được bù đắp bởi sản lượng tiêu thụ trong nước khi nhu cầu phục hồi, nhiều dự án bất động sản được nhanh chóng triển khai sau khoảng thời gian dài bị hoãn trong năm 2021 vì dịch bệnh.

Công ty Bia Sài Gòn – Quảng Ngãi ( UPCoM: BSQ ) đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2022 gồm doanh thu thuần 1.857 tỷ đồng, tăng 56% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm 37% xuống 100 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cho biết mục tiêu kinh doanh năm nay phụ thuộc vào tình hình kiểm soát đại dịch Covid-19 trong nước và thế giới; sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế Việt Nam, thị trường bia và khả năng tiêu thụ thực tế. Mặt khác, ảnh hưởng của lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, hầu hết giá nguyên liệu vật liệu năm 2022, đặc biệt là nguyên vật liệu ngoại tăng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Theo bản cáo bạch chào bán cổ phiếu ra công chúng mới đây, An Tiến Industries ( HoSE: HII ) lên kế hoạch doanh thu tăng 9% đạt 9.000 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế giảm 6% xuống 97 tỷ đồng.

Doanh nghiệp sản xuất lên kế hoạch lợi nhuận 2022 giảm do lo ngại diễn biến giá nguyên liệu - Ảnh 3.

Nguồn: An Tiến Industries

 

Theo An Tiến Industries, ngành nhựa Việt Nam phải nhập khẩu 80% - 90% nguyên liệu đầu vào để phục vụ sản xuất, nguyên liệu chiếm khoảng 75%-80% giá thành sản phẩm. Giá nhập khẩu nguyên liệu nhựa phụ thuộc vào giá dầu, khí thiên nhiên, than đá trên thế giới. Công ty liên tục cập nhập thông tin và sử dụng các sản phẩm hedging hàng hóa để kiểm soát giá thành.

Đồng thời, sản phẩm chính của đơn vị là hạt phụ gia ngành nhựa sử dụng 75% - 85% nguyên liệt đầu vào là bột đá CaCO3 nên biến động nguyên vật liệu đầu vào ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh không lớn như các doanh nghiệp khác trong ngành, song tác động chủ yếu nằm ở giá bán nguyên vật liệu trên thị trường biến động, ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm.

Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào giữa tháng 2, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh ( HoSE: BMP ) tiết lộ kế hoạch doanh thu tăng 25% lên 5.680 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 109% lên 560 tỷ đồng.

Kế hoạch kinh doanh năm 2022 tăng trưởng do nền thấp của 2021. Trong năm trước, Nhựa Bình Minh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở TP HCM và các tỉnh phía Nam khiến quý III thua lỗ, quý IV phục hồi nhưng không đáng kể kéo giảm kết quả cả năm.

Lãnh đạo Nhựa Bình Minh cũng bày tỏ kế hoạch năm nay chủ yếu dựa trên nhu cầu phục hồi khi nền kinh tế mở cửa trở lại, song vẫn thấp hơn mức kế hoạch 2021.

Bình luận về giá nguyên liệu nhựa, ông Ngân nói có tín hiệu tốt vào tháng cuối năm 2021 và đầu năm nay nhưng đang dần mờ đi. Doanh nghiệp đã tận dụng thời điểm giá giảm để tăng tích trữ hàng tồn kho.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật