A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải ngân vốn đầu tư công tháng 4 tăng khá nhưng vẫn "hụt hơi" so với cùng kỳ, Bộ Tài chính nói gì?

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong tháng 4/2025, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 48.206,1 tỷ đồng, lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng vốn giải ngân ước đạt 128.512,9 tỷ đồng, tương ứng 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. So với 3 tháng đầu năm, tiến độ giải ngân đã bắt đầu có sự tăng tốc, tuy nhiên, về tỷ lệ tương đối thì thấp hơn (16,64%) so với cùng kỳ năm 2024. Do vậy, Bộ Tài chính đã đưa ra giải pháp để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 là 100%.

dau-tu-cong.jpg

4 tháng, giải ngân hơn 128.500 tỷ đồng vốn đầu tư công

Theo báo cáo cập nhật của Bộ Tài chính, trong tháng 4/2025, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 48.206,1 tỷ đồng, tăng khá mạnh từ mức 80.306,8 tỷ đồng của quý I/2025.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng vốn giải ngân đạt 128.512,9 tỷ đồng, tương đương 14,32% kế hoạch năm và 15,56% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2024, khi lần lượt đạt 15,64% và 16,64%.

So với tỷ lệ giải ngân cả nước trong 3 tháng đầu năm, tiến độ giải ngân đã bắt đầu có sự tăng tốc, bắt kịp tiến độ so với cùng kỳ năm ngoái (lũy kế giải ngân đến hết tháng 2 đạt 5,43%, hết tháng 3 đạt 9,72% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Xét theo nguồn vốn, giải ngân từ ngân sách địa phương đạt 17,2% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn mức 16,56% cùng kỳ năm trước. Ngược lại, vốn ngân sách trung ương chỉ đạt 13,33%, thấp hơn nhiều so với mức 16,79% vào cùng kỳ 2024. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia, tổng vốn giải ngân ước tính đạt 4.707,3 tỷ đồng, tương ứng 21,43% kế hoạch được giao.

Tính đến hết tháng 4/2025, có 10 trong số 47 bộ, cơ quan trung ương và 35 trong 63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vượt mức bình quân chung cả nước. Một số Bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân trên 20% như: Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (86,43%); Đài Tiếng nói Việt Nam (73,82%); Ngân hàng Chính sách xã hội (41,16%); Bộ Công an (27,24%); Hội Liên hiệp phụ nữ (20,66%) và các địa phương giải ngân trên 30% như: Phú Thọ (44,39%); Lào Cai (43,45%); Thanh Hóa (39,147%); Hà Nam (38,44%); Bắc Kạn (32,61%); Hà Tĩnh (31,88%); Tuyên Quang (31,08%), Hà Giang (30,64%), Lâm Đồng (30,08%).

Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm, nhiều các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa giải ngân (9 bộ, cơ quan trung ương, bao gồm: Văn phòng Chủ tịch nước, Thanh tra Chính phủ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Kiểm toán nhà nước,…) hoặc giải ngân rất thấp (15 bộ, cơ quan trung ương giải ngân dưới 5% như: Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Ngoại giao; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đại học quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh,… và 12 địa phương giải ngân dưới 10% như: Khánh Hòa; Cao Bằng; Bình Dương; Đồng Nai; An Giang; Sóc Trăng; Quảng Trị…).

8 giải pháp trọng tâm để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025

Để triển khai đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt mục tiêu trên 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đề xuất triển khai một số kiến nghị và giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, đối với số vốn đã phân bổ, tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 quy định tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 10/4/2025, Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 18/02/2025, Công điện số 32/CĐ-TTg ngày 05/4/2025, Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 22/4/2025; Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 06/3/2025 về thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hằng năm tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đồng thời, triển khai công văn số 423/BTC-ĐT ngày 14/01/2025 của Bộ Tài chính về đôn đốc phân bổ, nhập dự toán Tabmis và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn NSNN năm 2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Thứ hai, đối với số vốn ngân sách trung ương (NSTW) chưa phân bổ chi tiết sau ngày 15/3/2025, thực hiện chỉ đạo tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 10/4/2025 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có văn bản số 4924/BTC-TH ngày 16/4/2025 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn NSTW của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ về đề xuất phương án xử lý đối với số vốn chưa phân bổ chi tiết sau ngày 15/3/2025; đồng thời, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2025 theo quy định.

Thứ ba, đối với các dự án ODA, đề nghị các cơ quan chủ quản, chủ dự án bám sát tiến độ thực hiện dự án và tiến độ điều chỉnh dự án, kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân, chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, ký kết hợp đồng; phối hợp với Bộ Tài chính để kịp thời trao đổi với nhà tài trợ trong trường hợp có vướng mắc phát sinh.

Thứ tư, đối với vốn ngân sách địa phương, đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách địa phương, đặc biệt là thu sử dụng đất để đảm bảo tiến độ phân bổ vốn.

Thứ năm, đối với khó khăn liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia: Các chủ Chương trình/dự án/tiểu dự án thành phần và UBND tỉnh kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai của địa phương (đặc biệt là các đơn vị cấp xã) để chỉ đạo, tháo gỡ, hướng dẫn, thậm chí cử cán bộ chuyên trách hỗ trợ các đơn vị cấp xã.

Thứ sáu, rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai, đặc biệt đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, thiếu thốn nguyên vật liệu..., cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành đảm bảo khoa học, hiệu quả công việc....

Thứ bảy, chỉ đạo chủ đầu tư ngay sau khi ký hợp đồng, phối hợp với nhà thầu để triển khai các thủ tục tạm ứng theo quy định để các nhà thầu có vốn chuẩn bị ngay các điều kiện cần thiết, vật tư, vật liệu phục vụ công tác thi công thực hiện dự án; đẩy nhanh quá trình nghiệm thu và hoàn thiện hồ sơ thanh toán ngay sau khi có khối lượng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo đến hết thời hạn thanh toán theo quy định.

Thứ tám, xây dựng kế hoạch giải ngân và yêu cầu chủ đầu tư báo cáo tiến độ giải ngân theo từng tháng, quý, làm cơ sở để rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án giải ngân chậm để bổ sung cho các dự án khác có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hạ tầng chiến lược


Nguồn:thitruongtaichinhtiente.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật