A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững

Diễn đàn “Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp - phục hồi và phát triển bền vững” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức đã diễn ra chiều ngày 19/08/2022 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Mục đích của diễn đàn nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tiếp sức cho nền kinh tế phục hồi, thực hiện mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững.

https://file1.dangcongsan.vn/data/0/images/2022/08/19/kimdung/ab8b8824a8046d5a3415.jpg?dpi=150&quality=100&w=780

Diễn đàn: "Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững". 

Chương trình có sự tham gia đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho hay, nền kinh tế Việt Nam đang trong quý 3 năm 2022, chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, GDP tăng 7,72% trong quý 2, các cân đối lớn được đảm bảo, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh.

Theo bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD); Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD); Chuyên gia tư vấn Quản trị Công ty cao cấp – Deloitte Việt Nam cho biết, trong bối cảnh thế kỷ 21 là thế kỷ của quản trị công ty và phát triển bền vững, với những nguyên tắc cốt lõi là liêm chính, bình đẳng, minh bạch, hài hòa và trách nhiệm, doanh nghiệp rất cần xây dựng được một khung quản trị tốt để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nền tảng để phát triển bền vững.

“Khi sở hữu hệ thống quản trị tốt, doanh nghiệp có thể có được nhiều lợi ích về mặt tài chính như nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng tiếp cận thị trường vốn, giảm chi phí; nâng cao uy tín của công ty, hội đồng quản trị và ban điều hành và hướng tới mục đích cuối cùng là phát triển bền vững”, bà Thanh nhấn mạnh. Theo Chủ tịch VIOD, một khung quản trị công ty tốt cần có ba trụ cột cơ bản gồm: Thiết kế hệ thống; Xây dựng tổ chức để thực thi hệ thống đó; và Có nhân lực để thực hiện – nói đi đôi với làm. Khi ba trụ cột được xây dựng một cách vững vàng, doanh nghiệp sẽ phát triển được bền vững. Tuy nhiên, để tối ưu hóa lợi ích từ quản trị công ty, hệ thống quản trị công ty không chỉ nên dừng lại ở cấp độ sơ khởi nhất là tuân thủ pháp luật và các quy định hiện hành, đặc biệt trong một thời kỳ doanh nghiệp chuyển từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững.

Tìm hướng đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sau phục hồi

Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD); Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) chia sẻ tại Diễn đàn

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch VCCI, cùng với những tác động tiêu cực do dịch COVID-19, khảo sát VCCI cũng cho thấy các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Những khó khăn trong kinh doanh cùng với tác động của dịch COVID-19 đã khiến cho các doanh nghiệp dè dặt hơn khi xây dựng kế hoạch kinh doanh và điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 nhằm xây dựng doanh nghiệp Việt Nam mạnh cả về số lượng và chất lượng, trở thành lực lượng quan trọng đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế.

Cùng với đó, khai thác cơ hội ở các thị trường Việt Nam đã có FTA đặc biệt là EU, Hoa kỳ... Đặc biệt, doanh nghiệp cần chú ý đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của sản phẩm và để tận dụng tối đa ưu đãi của 15 FTA, doanh nghiệp cần liên kết chặt trẽ với các ngành, cơ quan chức năng. Cần tìm hiểu rõ chuỗi cung ứng của mình để cố gắng lấp hoặc tham gia lấp đầy các chỗ đứt, gãy của các chuỗi cung ứng này.

Chia sẻ tại Diễn đàn về chiến lược chuyển đối số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Trọng Đường - Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, nhận thức rõ được tầm quan trọng của xu thế phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh hiện nay, chiến lược chuyển đổi số quốc gia đã được Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ ban ngành thúc đẩy mạnh mẽ. Mới đây, tháng 3/2022, của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411 về chiến lược quốc gia phát triển với điểm nhấn đặc biệt là lần đầu tiên cùng với Nghị định 80 của Chính phủ, khẳng định một cách rõ ràng hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước cho các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số, phục hồi sau đại dịch mạnh mẽ hơn.

Tìm hướng đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sau phục hồi

Ông Nguyễn Trọng Đường - Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ trực tuyến về vấn đề chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại Diễn đàn

Để triển khai chiến lược này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có các giải pháp cụ thể thúc đẩy việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp, trong đó tập trung thúc đẩy mô hình chuyển đổi số trong doanh nghiệp bao gồm: Công nghệ mới để tối ưu hóa quy trình, phân tích dữ liệu để đưa ra các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm dịch vụ mới, tạo ra các giá trị tiên tiến. Bên cạnh đó, Bộ này cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đánh giá, trong đó có bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp.

PGS. Trần Phương Trà, Chuyên ngành Quản trị chiến lược, Giám đốc chương trình thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Trường Kinh doanh IPAG (Paris, Pháp) cũng chỉ ra rằng, những doanh nghiệp tìm ra “kim chỉ nam” trong việc tạo ra giá trị cho khách hàng, cho nhân viên và cho những nhà cung cấp sẽ tạo ra hiệu suất cao ngoại lệ hơn so với các doanh nghiệp khác.

Từ những kinh nghiệm quốc tế, PGS. Trần Phương Trà đề xuất, các doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng tư duy luôn luôn tạo ra giá trị; xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể, xác định ưu tiên các chương trình tạo ra giá trị cho doanh nghiệp như với tăng trưởng xanh, cần đánh giá tính bền vững,…Với khía cạnh tổ chức, đổi mới sáng tạo cần gắn liền với tổ chức, gắn với chiến lược để vận hành có tính hệ thống. Trong đó, văn hóa sáng tạo, khởi nghiệp là môi trường tạo tiền đề cho những đổi mới sáng tạo về quy trình, sản phẩm và công nghệ.

Ngoài ra, trong bối cảnh, Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập trong lĩnh vực kinh tế trên nhiều góc độ doanh nghiệp cần tăng sức cạnh tranh để mở rộng và khai thác thị trường quốc tế.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan