A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huy động học sinh, sinh viên đến doanh nghiệp thực tập, lao động sản xuất

Nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của DN đang rất lớn. Đây là cơ hội để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) bứt phá, đưa học sinh, sinh viên (HS, SV), nhất là các em năm cuối đến DN thực tập, lao động sản xuất để phục hồi thị trường lao động.

Đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2021 khiến cho nguồn nhân lực bị giãn đoạn, đứt gãy cung cầu lao động. Theo khảo sát của Bộ LĐTB&XH, dự kiến trong năm 2022, cả nước thiếu khoảng 700.000 lao động. Thực tế, nhiều DN vẫn đang huy động lực lượng lao động. Nhất là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhiều DN thiếu lao động trầm trọng phải treo biển thông báo tuyển người làm.

Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội hợp tác với doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề cho học sinh.

Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội hợp tác với doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề cho học sinh.

Do nhu cầu bức bách và cấp thiết về nhân lực các trình độ của khối DN, Tổng cục GDNN – Bộ LĐTB&XH kêu gọi các cơ sở GDNN và hệ thống DN cùng vào cuộc đưa HS, SV, đặc biệt là những em năm cuối đã được trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản phù hợp với thị trường lao động đến công ty, nhà máy vừa thực tập vừa lao động sản xuất. Đây là một trong nhiều giải pháp trong Chương trình Hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, được Bộ LĐTB&XH ban hành cuối tháng 12/2021.

“Việc thực tập, thực hành tại DN đã trở thành thường xuyên, không phải là mới, bởi quy định cho phép tối thiểu thời lượng đào tạo thực hành là 70%. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới là vừa đào tạo vừa thực tập sản xuất để phục vụ cho phát triển kinh tế ngay. Trước mắt, chúng ta bàn xem cách thức phối hợp với DN đưa HS, SV đi thực tập, sản xuất như thế nào để đảm bảo được 2 mục tiêu này. Từ đó các đơn vị sẽ có đề xuất với Tổng cục GDNN, với Bộ LĐTB&XH để giải quyết”- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Phạm Vũ Quốc Bình nêu vấn đề tại tọa đàm Đưa HS, SV năm cuối đi thực hành, thực tập tại DN, ngày 15/2.

Sinh viên trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội thực tập tại doanh nghiệp.

Sinh viên trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội thực tập tại doanh nghiệp.

Đại diện các cơ sở GDNN đã chia sẻ về hoạt động hợp tác với DN đưa HS, SV đến DN thực tập và thực hành, trong đó nêu một vài khó khăn. Hiệu trưởng trường Cao đẳng (CĐ) Thương mại và Du lịch Hà Nội TS. Trịnh Thị Thu Hà cho biết: Đối với ngành Khách sạn, chúng tôi hợp tác với DN đưa SV đến thực tập khá thuận tiện. Thế nhưng với ngành Lữ hành, nhà trường phải gửi SV đến nhiều đơn vị mới đảm bảo thực hành, thực tập tại DN. Bởi vì, trường thực hiện chương trình đào tạo CĐ 3 năm tương đối toàn diện các ngành nghề khác nhau.

Ở một số ngành như Tiếng Anh, nhà trường không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía DN khi SV đến thực tập. Ngoài ra, trong khi, một số DN hợp tác sâu và toàn diện với nhà trường về tiếp nhận SV đến thực tập; lại có những DN không trả phụ cấp, hỗ trợ, dù các em phải làm nhiều việc.

Quan trọng là tìm được doanh nghiệp có nhu cầu

Nhà trường hợp tác với DN nhiều và càng sâu thì càng hiệu quả, là nhận định của Phó Hiệu trưởng, phụ trách trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội TS. Trần Xuân Ngọc. Đồng thời ông Xuân Ngọc chia sẻ: Hiện nay nhà trường đang đào tạo chất lượng cao, hướng tới hình thức kết hợp hiệu quả hơn là đưa HS, SV đi thực tập nhưng định hướng tới các đơn vị có nhu cầu sử dụng những lao động ấy trở thành lâu dài của mình. Để làm được điều này, đầu tiên nhà trường phải sàng lọc DN có nhu cầu. Thứ hai, DN có hiểu và quyết tâm đầu tư cho lực lượng lao động lâu dài hay không. Bởi, khi DN hiểu và có quyết tâm, nhà trường bàn thì họ mới sẵn sàng thay đổi quy trình quản lý và bố trí một số nguồn lực để giúp HS, SV thực tập đạt hiệu quả tốt nhất.

Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội tổ chức cho sinh viên đi thực tập nhưng định hướng tới các đơn vị có nhu cầu sử dụng những lao động ấy trở thành lâu dài của mình.

Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội tổ chức cho sinh viên đi thực tập nhưng định hướng tới các đơn vị có nhu cầu sử dụng những lao động ấy trở thành lâu dài của mình.

Việc phối hợp với DN, điều quan trọng nhất là chương trình đào tạo. Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội thực hiện mô hình trong 2 năm đầu đào tạo tất cả kiến thức, kỹ năng cơ bản cần thiết để người học đảm bảo 70 – 80% những năng lực cơ bản. Nhà trường dành toàn bộ thời gian năm học cuối đưa SV đi thực tập nâng cao và rèn luyện kỹ năng tại DN. “Khi lực lượng lao động của chúng tôi có đầu vào kiến thức đạt được 70 – 80% so với yêu cầu DN cần khi tuyển dụng lao động, họ sẵn sàng đầu tư và hỗ trợ thêm 15 – 20% kiến thức còn lại.... Với cách làm này, sau 1 tháng thử nghiệm, HS, SV đã được DN ký hợp đồng lao động trực tiếp 3 bên (nhà trường – DN – SV) với trách nhiệm, quyền lợi được khoảng 70 – 80% so với lao động đang làm việc tại DN. Và sau 1 năm, các em HS, SV có tiến bộ rất tốt.

Hiệu trưởng trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội TS. Trịnh Thị Thu Hà cho biết: Sau quá trình thực tập, sinh viên tự tin, trình độ tay nghề được khẳng định và phần lớn được doanh nghiệp tuyển dụng sau khi tốt nghiệp ra trường. 

Hiệu trưởng trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội TS. Trịnh Thị Thu Hà cho biết: Sau quá trình thực tập, sinh viên tự tin, trình độ tay nghề được khẳng định và phần lớn được doanh nghiệp tuyển dụng sau khi tốt nghiệp ra trường. 

Hiệu trưởng trường CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội TS. Trịnh Thị Thu Hà cũng cho rằng, trong việc hợp tác đào tạo, khi DN ở tâm thế sẵn sàng có tiếng nói chung với khối GDNN và đầu tư về nguồn lực, chi phí và sự chuẩn bị tiếp nhận SV đến thực tập thì có kết quả rất tốt. Khi SV thực tập tại DN, sau một thời gian ngắn các em đã thích ứng với văn hóa và môi trường làm việc ở đây. Và sau quá trình thực tập, SV tự tin, trình độ tay nghề được khẳng định và phần lớn được DN tuyển dụng sau khi tốt nghiệp ra trường.

Đại diện một số DN đã hợp tác với cơ sở GDNN cho biết, có nhu cầu tuyển dụng lao động được đào tạo bởi các trường nghề. “Chúng tôi sử dụng SV trường nghề các tỉnh từ khu vực miền Bắc và miền Trung. Các bạn thực hiện đúng nội quy và quy chuẩn của nhà máy, chăm chỉ, cần cù, đạt được năng suất cao. DN rất hài lòng khi phối hợp với nhà trường ở cách quản lý SV học tập và làm việc tại nhà máy” – đại diện Công ty Mạnh Toàn Phát cho biết. Từ thực tiễn phối hợp với cơ sở GDNN, các DN đề nghị nhà trường không chỉ cho HS, SV năm cuối, mà cả các em học năm nhất, năm hai; có thời gian trải nghiệm lâu hơn, không phải 1, 2, 3 tháng mà có thể 6 tháng, thậm chí 1 năm; thực tập giờ hành chính và các khung giờ khác...Như vậy mới hỗ trợ được DN có thêm nguồn lao động để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, chống đứt gãy cung cầu lao động.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan