A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không trúng hồng tâm lạm phát 2% cũng không suy thoái, nền kinh tế số một thế giới đang rẽ ngoặt sang một kịch bản hoàn toàn khác: Không hạ cánh?

Ngày càng nhiều nhà đầu tư tin rằng nền kinh tế Mỹ đang hướng đến kịch bản “không hạ cánh”. Trong đó, lạm phát không đạt mục tiêu 2% của FED nhưng nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng.

 

Không trúng hồng tâm lạm phát 2% cũng không suy thoái, nền kinh tế số một thế giới đang rẽ ngoặt sang một kịch bản hoàn toàn khác: Không hạ cánh?- Ảnh 1.

 

 

Theo khảo sát do Bank of America (BofA) thực hiện và công bố ngày 16/4, 36% số người trả lời khảo sát tin rằng kịch bản có khả năng cao nhất đối với nền kinh tế trong 12 tháng tới là “không hạ cánh” (no landing). Đây là tỷ lệ tăng đáng chú ý so với con số 23% của một tháng trước và là mức cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 6/2023.

Trong khi đó, 54% số người được hỏi tin rằng nền kinh tế sẽ “hạ cánh mềm” (soft landing). Trường hợp này có nghĩa là lạm phát trở về mức mục tiêu và tăng trưởng kinh tế chậm lại nhưng không đến mức rơi vào suy thoái.

Điều này cho thấy quan điểm ở Phố Wall đang thay đổi. Chỉ có 7% người được hỏi tin rằng nền kinh tế sẽ “hạ cánh cứng” (hard landing), tức là chính sách thắt chặt buộc nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Năm ngoái, phần lớn các cuộc tranh luận ở Phố Wall xoay quanh việc nền kinh tế có thể hạ cánh cứng hay mềm. Giờ đây, cuộc tranh luận chuyển sang vấn đề khác. Đó là liệu dữ liệu kinh tế tốt hơn mong đợi gần đây sẽ tác động như thế nào đến lạm phát.

Nhà kinh tế Tom Simons của Jefferies cho biết: “Suy thoái sẽ không tác động đến nền kinh tế Mỹ nếu không có chất xúc tác. Và chúng tôi thấy rằng không có điều gì sẽ ngăn cản việc chi tiêu của người tiêu dùng. Với nhu cầu ổn định, thật khó để biết được lạm phát sẽ chậm lại như thế nào. Và do đó cũng thật khó để biết được FED có thể cắt giảm lãi suất ra sao”.

Đầu tuần này, dữ liệu doanh số bán lẻ trong tháng 3 đã phản ánh nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ. Doanh số bán hàng của nhóm kiểm soát đã tăng 1.1% trong tháng, mức cao nhất kể từ đầu năm ngoái. Thước đo này không bao gồm các dịch vụ dễ biến động như đại lý ô tô, cửa hàng vật liệu xây dựng, trạm xăng và được sử dụng để tính GDP.

 
 

Thước đo này, kết hợp với số liệu tháng 2 được điều chỉnh cao hơn, đã khiến các nhà kinh tế tăng dự báo về GDP quý đầu tiên. Goldman Sachs hiện tin rằng tốc độ tăng trưởng hàng quý của nền kinh tế Mỹ đạt 3,1%, tăng so với dự báo trước đó là 2,5%. Trong khi đó, công cụ GDP Now của Atlanta Fed hiện dự đoán GDP Mỹ đạt 2,8% trong quý đầu tiên, tăng so với dự báo trước đó là 2,4%.

Không trúng hồng tâm lạm phát 2% cũng không suy thoái, nền kinh tế số một thế giới đang rẽ ngoặt sang một kịch bản hoàn toàn khác: Không hạ cánh?- Ảnh 2.

Hình minh họa

Dự báo về GDP Mỹ được điều chỉnh tăng cùng với lúc dự báo về lạm phát cũng tăng lên. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã nóng hơn dự kiến trong cả ba tháng đầu năm. Điều này khiến nhiều nhà kinh tế cho rằng FED có thể không cắt giảm lãi suất trong năm nay, dẫn đến tình trạng “không hạ cánh” của năm 2024.

Nhà kinh tế trưởng Kathy Bostjancic của Nationwide lưu ý rằng dữ liệu lạm phát sẽ làm suy yếu niềm tin của các quan chức FED rằng lạm phát đang trên đà giảm bền vững về mức 2%. Dữ liệu gần đây có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất ít nhất là cho đến tháng 9 và có thể đẩy việc cắt giảm lãi suất sang năm sau.

Theo giám đốc đầu tư Mike Wilson của Morgan Stanley, thị trường đang định giá theo kịch bản “không hạ cánh” trong những tuần gần đây. Ông chỉ ra lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm gia tăng và các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất như Russell 2000 sụt giảm. Ông Wilson lưu ý rằng kịch bản như vậy không phải là xấu đối với tất cả các lĩnh vực của thị trường chứng khoán và có thể dẫn đến một bối cảnh lành mạnh hơn cho tăng trưởng lợi nhuận.

Theo Yahoo Finance


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật