A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương triển khai các giải pháp nhằm gắn kết sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa.

Người tiêu dùng đang mua sắm tại siêu thị Aeon Maxvalu Xuân La. Ảnh: Nguyễn Đăng  

Người tiêu dùng đang mua sắm tại siêu thị Aeon Maxvalu Xuân La. Ảnh: Nguyễn Đăng  

Phát động phong trào tiêu dùng hàng Việt

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024 về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu, khơi thông thị trường trong nước, có chính sách khuyến khích tiêu dùng, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực mà sản xuất trong nước có thế mạnh, còn năng lực sản xuất và thị trường trong nước có nhu cầu. Rà soát và có chính sách hỗ trợ các DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các DN sản xuất, xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại thị trường trong nước, kết nối cung cầu, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, tư vấn pháp lý cho các DN nhỏ và vừa. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới và Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, hình thành các chuỗi liên kết hàng thuần Việt. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại.

Tổ chức các chương trình khuyến mại trên phạm vi vùng và toàn quốc, phối hợp với các địa phương tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, phân phối các sản phẩm OCOP, đưa hàng hóa đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp để kích cầu tiêu dùng trong nước. Khuyến khích các sàn thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam triển khai các chương trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước.

Ảnh 2 Hàng hóa trong nước đang được phân phối tại Siêu thị Big C Thăng Long, Hà Nội. Ảnh Nguyễn Đăng.  

Ảnh 2 Hàng hóa trong nước đang được phân phối tại Siêu thị Big C Thăng Long, Hà Nội. Ảnh Nguyễn Đăng.  

Thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức các chương trình, sự kiện hỗ trợ người dân, DN ứng dụng công nghệ số, phát triển các mô hình mới trong mua bán hàng hóa trên môi trường trực tuyến, hỗ trợ DN Việt kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước. Tổ chức kết nối các DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và DN lớn toàn cầu nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.

Rà soát, xử lý các tồn đọng ở các dự án sản xuất các mặt hàng công nghiệp, công nghiệp chế biến có vai trò quan trọng; kịp thời tháo gỡ khó khăn để các dự án này sớm đi vào hoạt động, góp phần tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, cân đối cung cầu các hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng dịp cuối năm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản cho các vùng nuôi, trồng tập trung. Phối hợp với Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, TP triển khai có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kết nối hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản tại các vùng sản xuất tập trung; đẩy mạnh sản xuất xanh, sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Hiệp hội ngành hàng chủ động nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường, các khó khăn, vướng mắc của DN thành viên trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa để kịp thời đề xuất các cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ. Các Tập đoàn, Tổng công ty tập trung đổi mới quản trị, tăng cường nghiên cứu phát triển, tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động; tăng cường sử dụng nguyên liệu, sản phẩm của các DN sản xuất trong nước…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật