A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Manulife Việt Nam 25 năm hiện diện và khoản lỗ hơn 5.500 tỷ đồng

Sau gần 25 năm hiện diện tại thị trường Việt Nam, Công ty TNHH Manulife Việt Nam (Manulife Việt Nam) đang gánh khoản lỗ hơn 5.500 tỷ đồng.

 

Manulife Việt Nam 25 năm hiện diện và khoản lỗ hơn 5.500 tỷ đồng - Ảnh 1.

Đội ngũ lãnh đạo Manulife Việt Nam tại 1 sự kiện. Ảnh: MVN

Là một trong những thương hiệu tài chính bảo hiểm quốc tế đầu tiên vào Việt Nam, Manulife Việt Nam là công ty có 100% vốn nước ngoài, thuộc sở hữu của Manulife Financial Asia (Hongkong), công ty con của Tập đoàn Tài chính Manulife có trụ sở tại Toronto (Canada). Công ty này có trụ sở tại 75 Hoàng Văn Thái, phường Tân Phú (Quận 7, TP.HCM), người đại diện pháp luật là ông Lee Sang Hui. Theo Giấy phép Điều chỉnh số 13/GPĐC27/KDBH cấp ngày 6/9/2021, công ty này có vốn điều lệ là 22.220 tỷ đồng.

Về hoạt động kinh doanh, trong báo cáo tài chính năm 2022, Manulife ghi nhận doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 26.322, tăng 8,3% so với 2021 (24.145) tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là khoản doanh thu lớn nhất của công ty này kể từ 2015.

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của công ty này đạt 2.562 tỷ đồng, trái ngược với khoản lỗ 4.741 tỷ đồng hồi năm 2021. Điều này giúp khoản lỗ lũy kế sau thuế của Manulife giảm còn 5.527 tỷ đồng, thay vì 7.960 tỷ đồng của khoản lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2021.

Hồi đầu năm nay, Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có phiếu chuyển đơn tố cáo gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) về đơn thư tố giác của một số công dân liên quan đến việc giới thiệu, tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) - đại lý của Công ty TNHH Manulife Việt Nam.

Các đơn thư cùng tố giác việc đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo; buộc ngân hàng SCB và Manulife giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm. Nội dung đơn thư tố cáo nêu rõ tình trạng người dân đi gửi tiết kiệm bị biến thành bảo hiểm nhân thọ.

Do đó, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã chuyển đơn tới Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) để được xem xét, giải quyết, điều tra theo đúng thẩm quyền.

Trả lời báo chí, đại diện Manulife Việt Nam cho biết đã tiếp nhận thông tin từ khách hàng về trải nghiệm khi tham gia sản phẩm bảo hiểm liên kết có tên "Tâm an đầu tư", được phân phối thông qua SCB nên đã yêu cầu hủy hợp đồng trước hạn.

"Chúng tôi sẽ không khoan nhượng cho bất cứ hành vi sai trái hoặc gian lận nào, và nếu phát hiện các hành vi này, chúng tôi sẽ ngay lập tức chuyển đến cơ quan chức năng liên quan để xử lý. Manulife luôn cam kết cung cấp đến khách hàng các dịch vụ và hoạt động tư vấn bảo hiểm có chất lượng, với trải nghiệm tối ưu thông qua đội ngũ đại lý dày dạn kinh nghiệm và các ngân hàng đối tác", Manulife Việt Nam cho biết.

Theo thống kê từ ông Nguyễn Xuân Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, năm 2022, thị trường bảo hiểm đã có 78 doanh nghiệp bao gồm 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 19 doanh nghiệp nhân thọ, 26 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm đa số đều là hội viên chính thức của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam có 23 hội viên liên kết.

"Tính đến hết 12/12/2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 251.306 tỷ đồng (tăng 15,09% so với cùng kỳ năm 2021). Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 68.201 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 183.105 tỷ đồng", ông Việt thống kê và cho biết thêm, chi trả quyền lợi bảo hiểm tính đến ngày 12/12/2022 ước đạt 64.018 tỷ đồng (tăng 23,29% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 23.418 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 40.600 tỷ đồng.

Trong một nghiên cứu mới về thị trường bảo hiểm Việt Nam, TS. Vũ Hồng Thanh, Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV cho biết, tính đến hết 2021, thị phần doanh thu phí bảo hiểm cụ thể như sau: Bảo Việt nhân thọ (19,8%), Manulife (19,1%), Prudential (16,8%), Dai-ichi (11,7%), AIA (10,6%), MB Ageas (3,7%), Chubb (2,7%), Generali (2,7%), FWD (2,5%), Hanwha (2,5%), Aviva (2,1%), Sun Life (2,1%), Cathay (1,5%), BIDV MetLife (1%), các doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần nhỏ dưới 1%.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật