Một doanh nghiệp vận tải biển lần đầu chia cổ tức sau 12 năm, cổ phiếu "bốc đầu" tăng 135% từ đầu năm
Cổ đông SSG vừa nhận thêm thông báo công ty sẽ đem gần hết phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để chia cổ tức dù không không nằm trong kế hoạch.
Với gần 5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp vận tải biển này sẽ phải chi ra khoảng 18,5 tỷ đồng để hoàn tất chi trả cổ tức cho cổ đông. Thời gian thực hiện vào ngày 10/5 sau đó.
Như vậy, sau 12 năm SSG mới lại chia cổ tức bằng tiền. Lần gần nhất là vào giữa năm 2011, công ty thực hiện trả cổ tức năm 2010 cho cổ đông bằng tiền mặt theo tỷ lệ 8%. Tuy nhiên cũng từ đây, lợi nhuận của doanh nghiệp liên tục ghi nhận âm, đỉnh điểm tới cuối năm 2017, khoản lỗ lũy kế của Vận tải biển Hải Âu xấp xỉ 81 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 31 tỷ đồng.
Sau hơn 1 thập kỷ chật vật, tới cuối năm 2022, nhờ khoản lãi lớn trong bối cảnh giá thuê tàu ủng hộ, SSG thành công xóa lỗ lũy kế, phần lợi nhuận chưa phân phối chuyển từ âm sang dương 19 tỷ đồng.
Liên tiếp tin vui, cổ đông SSG nhận thêm thông báo công ty sẽ đem gần hết phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để chia cổ tức dù không không nằm trong kế hoạch. Hoàn tất đợt chi trả này, SSG sẽ chỉ còn giữ lại gần 370 triệu đồng lợi nhuận.
Vận tải biển Hải Âu tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực vận tải biển. Doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa vào năm 2000 và giao dịch lần đầu trên UPCoM vào giữa năm 2015, vốn điều lệ hiện đạt 50 tỷ đồng.
Theo chia sẻ từ Ban lãnh đạo SSG đầu năm nay, thị trường vận tải biển ghi nhận nhiều biến động khó đoán và vượt ngoài các kênh dự báo. Với năm 2022, từ cuối quý 1, thị trường vận tải biển tàu hàng khô rời (là loại tàu công ty đang khai thác) bắt đầu đi xuống và sang quý 4/2022, thị trường lao dốc. Dù vậy, Công ty vẫn được hưởng lợi từ giá thuê tàu cao trong nửa cuối năm 2022 do đã ký hợp đồng cho thuê tàu đến hết năm 2022. Đây là những yếu tố tác động mạnh mẽ đến kết quả kinh doanh 2022 của SSG. Kết quả, doanh thu năm 2022 của SSG đạt 101 tỷ đồng, tăng 240% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng gấp 14 lần cùng kỳ lên hơn 58 tỷ đồng.
Sang năm 2023, SSG lên kế hoạch tương đối thận trọng với tổng doanh thu hơn 49 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 16 tỷ đồng, lần lượt giảm 49% và 73% so với thực hiện năm 2022.
Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 được công ty xây dựng dựa trên dự báo thị trường cho cả năm. Năm 2023, dự kiến tàu Sea Dream tiếp tục được cho thuê định hạn và giá thuê tàu bình quân cả năm dự kiến là 5.500 USD/ngày. Về cổ tức năm tới, SSG cho biết sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận sau thuế còn lại sẽ được đem để chia hết cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SSG bất ngờ có nhịp tăng mạnh từ đầu tháng 4 tới nay, trong đó có chuỗi tăng trần 4 phiên liên tục. Thanh khoản cổ phiếu cũng được cải thiện dần từ đầu năm sau khoảng thời gian dài trước đó ít giao dịch. Hiện kết phiên 17/4, thị giá SSG đạt 16.000 đồng/cp, tương ứng tăng 135% từ đầu năm, vượt trội hoàn toàn so với thị trường chung dù đang diện bị kiểm soát
Tuy nhiên, lưu ý rằng cơ cấu cổ đông của SSG tương đối cô đặc khi khoảng 76% cổ phần nằm trong tay các cổ đông lớn, trong đó hơn 13 triệu đơn vị thuộc Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam – CTTNHH MTV (26,46% vốn), 12 triệu đơn vị thuộc bà Nguyễn Thị Mai Phương (23,19% vốn), 4,4 triệu đơn vị thuộc Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ (8,82% vốn)…