A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỹ áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa Việt Nam: Khó khăn và cơ hội

Sắc lệnh áp thuế đối ứng đối với hàng nhập khẩu của Mỹ đã được ký và ban hành, trong đó, Việt Nam bị áp mức thuế gần cao nhất, lên tới 46%. Giới chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cho rằng, thực tế này đã vượt cao hơn mọi dự đoán trước đó và có tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong ngắn hạn, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam tạo ra thay đổi tích cực trong dài hạn.

 
thue-doi-ung(1).png

Tác động tiêu cực trong ngắn hạn

Rạng sáng 3/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan nhập khẩu mới với các đối tác thương mại là 160 nền kinh tế trên thế giới.

Theo đó, từ ngày 5/4/2025, mức thuế cơ bản 10% sẽ áp dụng cho mọi hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại. Từ ngày 9/4, mức thuế nhập khẩu cao hơn sẽ áp lên hơn 60 quốc gia đang có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ như Trung Quốc (34%) và Việt Nam (46%).

Theo các chuyên gia, mức thuế này sẽ tác động mạnh vào hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ.

Theo các số liệu từ Cục Thống kê và Cục Hải quan của Việt Nam, Việt Nam hiện là đối tác thương mại hàng hóa thứ 8 của Mỹ với tổng kim ngạch hai chiều năm 2024 là 149,7 tỷ USD và chiếm 2,8% tổng giá trị thương mại hàng hóa của Mỹ. Việt Nam cũng đứng thứ 6 về xuất khẩu sang Mỹ với 136,6 tỷ USD, chiếm 4,2% tổng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 3 về xuất siêu sang Mỹ với 123,5 tỷ USD.

Số liệu từ Cục Thống kê và Cục Hải quan của Việt Nam cũng cho thấy, những ngành hàng của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ lớn nhất là đồ điện tử (chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của sang Mỹ); dệt may, giày dép (chiếm 21,9%); đồ gỗ (7,6%); nông-thủy-hải sản (chiếm 3,5%); thép và nhôm (chiếm 2,7%). Nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành này có tỷ lệ doanh thu xuất khẩu phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ. Do đó, 5 nhóm ngành này sẽ bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất khi Mỹ áp mức thuế đối ứng mới công bố.

Ông Bùi Quý Thuấn, Phó Trưởng Ban nghiên cứu, Liên chi hội tài chính Khu Công nghiệp Việt Nam (VIPFA) cho rằng, mức thuế này sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu và kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn.

Cùng quan điểm, trên Blog cá nhân của mình, ông Phan Đức Trung - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, mức thuế này sẽ tác động mạnh vào xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.

Theo ông Phan Đức Trung, giày dép và đồ nội thất, đồ chơi là những ngành có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Nike đang sản xuất 50% giày dép tại Việt Nam, có thể phải tăng giá; American Eagle, Wayfair cũng chịu tác động, với nguy cơ tăng giá cho người tiêu dùng Mỹ.

Về phía doanh nghiệp, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, hiện tại giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ khoảng 3,4 USD/kg, nếu áp thuế 46% thì giá có thể tăng lên 150%.

"Trước đây, cá tra Việt Nam đã nhiều lần đối mặt với những lần áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu sang Mỹ nhưng chưa lần nào cao như lần này. Nếu với mức này thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng tới công ăn việc làm của rất nhiều người", ông Dương Nghĩa Quốc nói.

Cùng bị ảnh hưởng trực tiếp, ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean tính toán, nếu Mỹ áp thuế đối ứng, tức là cộng thêm thuế nhập khẩu mà Mỹ đang áp dụng, hàng dệt may sẽ bị đánh từ 58% trở lên do hiện tại hàng dệt may xuất sang Mỹ đang có mức bình quân 12% (riêng mặt hàng jean, kaki của công ty còn chịu mức thuế nhập khẩu 16%).

Về tác động đối với thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó Giám đốc Chiến lược đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Thiên Việt (TVS) cho hay, với mức thuế quan cao hơn kỳ vọng ban đầu của giới phân tích, VN Index nhiều khả năng mở Gap-down giảm ngay đầu phiên, vùng hỗ trợ gần hiện vẫn là khu vực 1.300 - 1.310; nhóm cổ phiếu Xuất khẩu (đặc biệt liên quan tới Mỹ) dự kiến biến động mạnh; kỳ vọng neo giữ điểm số và dòng tiền sẽ phụ thuộc nhiều vào các nhóm cổ phiếu có hoạt động kinh doanh tập trung chính trong nước.

Trong khi đó, giới phân tích cũng lo ngại chính sách thuế quan này sẽ dẫn đến khả năng các công ty đa quốc gia sản xuất điện tử và thiết bị máy móc tại Việt Nam chuyển một phần hoạt động sản xuất hoặc hàng hóa hoàn thiện sang các quốc gia khác nhằm thích ứng với thuế quan tốt hơn. Điều này không chỉ khiến dòng vốn ngoại có khả năng rút khỏi Việt Nam mà còn tác động đến tình hình thu hút FDI vào Việt Nam.

Trước đó, KBSV Research cũng đã đưa ra dự báo, nếu bị Mỹ áp thuế đối ứng khoảng 11%, tăng trưởng GDP Việt Nam có thể giảm đến 1,3%. Một báo cáo khác của Goldman Sachs cũng dự báo GDP Việt Nam sẽ giảm khoảng 1,5% nếu hàng hoá Việt Nam bị tăng thuế đối ứng khoảng 13%. Từ những con số này có thể thấy, việc bị áp thuế đối ứng 46% sẽ dẫn đến việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm nay thêm nhiều khó khăn.

Cơ hội và giải pháp

Khó khăn là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây cũng là cơ hội để Việt Nam có thể tạo nên những thay đổi tích cực về lâu dài trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện các cải cách về thể chế và các chính sách kinh tế và khoa học công nghệ.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam nhận định, các chính sách thương mại đặc thù của Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Bùi Quý Thuấn thì cho rằng, việc phải chịu thuế cao từ Mỹ có thể buộc Việt Nam đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, như EVFTA, CPTPP, RCEP,… hoặc hướng tới các thị trường mới như Trung Đông với thị trường Halal (2,2 tỷ người), Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, châu Phi,… Điều này giúp giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ trong dài hạn. Khi xuất khẩu gặp khó, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể chuyển hướng sang thị trường nội địa với hơn 100 triệu dân.

Để giảm thiểu tác động, đồng thời xây dựng nền tảng bền vững hơn cho tương lai, các chuyên gia đều cho rằng, Việt Nam cần hành động nhanh chóng. Trong ngắn hạn, Chính phủ Việt Nam cần đàm phán với Mỹ, đề xuất miễn giảm hoặc hoãn thuế, nhấn mạnh tác động kinh tế cho cả hai bên. Đồng thời, siết chặt quy tắc xuất xứ, chứng minh hàng hóa không phải là trung chuyển, để giảm nghi ngờ từ Mỹ.

Trong dài hạn, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng Việt Nam cần đầu tư vào sản xuất nội địa, giảm phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, như EU, ASEAN, để giảm rủi ro từ thuế Mỹ.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, cần đẩy mạnh tìm kiếm và phát triển các thị trường xuất khẩu mới ngoài Mỹ, đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và xây dựng thương hiệu để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Đối với cộng đồng các doanh nghiệp, Tiến sỹ Cấn Văn Lực và Nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, cần chủ động và phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các nhà nhập khẩu để nắm bắt tình hình và thông tin, diễn biến của thị trường, từ đó có các biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, tận dụng tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại (FTA) đã ký kết, trong đó hướng tới các thị trường lớn, nhiều tiềm năng (như thị trường Halal với quy mô 2,2 tỷ người), thị trường châu Phi, Nam Mỹ... Các doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kinh doanh tuần hoàn nhằm tận dụng nguyên liệu phế thải, giảm chi phí, giảm giá thành để có thể chia sẻ một phần chi phí thuế bị tăng lên cùng với đối tác.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật