A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành logistics: không xanh hóa sẽ sớm bị đào thải

 Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, giảm phát thải khí metan 30% vào năm 2030, vì vậy, xanh hóa ngành logistic không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các DN.

Không còn là câu chuyện của tương lai

Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược và là xu thế chung toàn cầu trong giai đoạn hiện nay. Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bền vững về môi trường và công bằng xã hội. Trong đó giao nhiệm vụ cho các bộ ngành liên quan trong phát triển logistics xanh, gồm các trung tâm logistics xanh, cảng xanh…

Để thực hiện chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, trong đó, dịch vụ logistics là 1 trong 18 chủ đề trọng tâm của kế hoạch.

Xanh hóa là xu hướng tất yếu của ngành logistics.

Xanh hóa là xu hướng tất yếu của ngành logistics.

Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) Đào Trọng Khoa chia sẻ, vấn đề chuyển đổi xanh rất quan trọng đối với các hoạt động logistics nói riêng và các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu nói chung. Trước khi hợp tác về logistics, đối tác sẽ hỏi các chứng chỉ về kho bãi, dịch vụ vận tải, giao nhận… đều phải đáp ứng được. Như vậy, việc xanh hóa logistics không phải xa xôi mà hiện hữu ngay trước mắt. “Phát triển chuỗi cung ứng xanh không còn là câu chuyện của tương lai, mà phải là ngay bây giờ, không còn là lựa chọn mà là bắt buộc. Phát triển chuỗi cung ứng xanh cũng chính là sự thay đổi cần thiết, gắn liền với mục tiêu giảm phát thải ròng về 0%” – Chủ tịch VAL Đào Trọng Khoa nhấn mạnh.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải cho biết, hiện ngành vận tải nói chung đóng góp 24% lượng khí thải toàn cầu. Hành trình tiến tới logistics xanh và thích ứng nhanh sẽ đóng góp vào quá trình giảm cacbon của ngành logistics Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung; qua đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn cam kết của Chính phủ Việt Nam về hành trình tiến tới Net Zero.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu không thực hiện nhanh và ngay các tiêu chí để xanh hóa ngành logistics thì trong tương lai DN sẽ gặp nhiều khó khăn, dần bị “đào thải” ra khỏi các hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu trong nước và toàn cầu. “Việc xanh hóa ngành logistics đương nhiên sẽ tiêu tốn chi phí của DN, tuy nhiên, DN không nên nhìn nhận đó là chi phí mà nên coi đó như khoản đầu tư cần phải có để đảm bảo cho tương lai cạnh tranh được trong chuỗi ngành logistics toàn cầu” – ôn Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Cần chính sách khuyến khích

Thực tế cho thấy, tại Việt Nam logistics xanh vẫn đang là một khái niệm tương đối mới. Mặc dù các DN đã có chiến lược phát triển logistics nhưng thực tế triển khai hệ thống logistics xanh tại DN còn nhiều hạn chế.

Qua khảo sát, có tới 66,2% DN logistics chưa có hệ thống quản lý môi trường đạt tiêu chuẩn ISO.14001. Về hành lang pháp lý, nhiều quy định liên quan đã được Chính phủ ban hành, song quá trình thực hiện trong thực tế vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, các quy định và chính sách hiện tại mới chỉ tập trung vào vận tải đường bộ. Việc hạn chế các quy định liên quan đến các loại cơ sở hạ tầng logistics khác như kho bãi hay hệ thống công nghệ thông tin dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ trong việc áp dụng và thực hiện logistics xanh. Ngoài ra, những chính sách về quy trình sản xuất để đảm bảo phát triển logistics xanh còn rất hạn chế, đặc biệt là những quy định về việc tái chế, sửa chữa va phục hồi chất thải; tái chế và phát triển bao bì thân thiện môi trường và quảng bá sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo.

Chia sẻ khó khăn thực tế, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinafco Phạm Thị Lan Hương cho biết, có rất nhiều trở ngại đối với DN trong quá trình thực hiện chuyển đổi xanh, trong đó có 3 khó khăn lớn nhất đó là nguồn vốn để thực hiện giảm phát thải, chuyển đổi xanh; nhân sự có chuyên môn về giảm phát thải; các giải pháp kỹ thuật cụ thể phù hợp.

Theo bà Phạm Thị Lan Hương, giải pháp với DN đó là chuyển đổi phương thức vận tải đường bộ sang đường thủy, đường biển, đường sắt; tự động hóa giải pháp kho bãi, chẳng hạn thay xe dầu trong kho bằng xe điện; giảm thủ tục hành chính bằng việc liên kết thông tin với cơ quan quản lý, giảm đi lại, tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất lao động, góp phần xanh hóa, giảm tác động tới môi trường tối ưu mạng lưới vận chuyển.

Đại diện Vinafco kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy năng lượng tái tạo, nhìn nhận vai trò khác của năng lượng tái tạo với logistics xanh. Cùng với đó, có giải pháp vĩ mô về vấn đề quy hoạch. Theo đó, cần sự quy hoạch đồng bộ hạ tầng giữa nhà sản xuất và các trung tâm logistics. Bởi, hạ tầng đồng bộ giúp tối ưu hóa chặng đường, tiết giảm chi phí vận tải và giảm phát thải.

Còn theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh, Chính phủ cần xem xét có nhiều chính sách hơn nữa nhằm khuyến khích, thúc đẩy DN hướng đến phát triển logistics xanh, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Cụ thể, có cơ chế ưu đãi về thuế, tạo động lực và giảm chi phí cho DN, khuyến khích sử dụng các nguồn lăng lượng thay thế trong vận tải đường bộ, khuyến khích thay đổi phương thức vận tải theo mô hình vận tải đa phương thức.

Đối với các DN, cần trao đổi thông tin nhiều hơn nữa, cần có nhiều hỗ trợ cho DN xây dựng năng lực, xây dựng kỹ năng quản trị xanh… để các DN có thể triển khai tốt hơn. DN logistics cần tận dụng lợi thế, đưa xanh hóa thành động lực, yêu cầu bức thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn trong hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu toàn cầu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan