A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ông Phạm Nhật Vượng và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhận lương 0 đồng

Trong bối cảnh kinh doanh kém thuận lợi, lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp lớn nhận lương 0 đồng, trong đó có các tỷ phú USD trên sàn chứng khoán như Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hoà Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang...

Báo cáo tài chính quý III vừa công bố cho thấy, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) - không nhận lương trong quý III. Tuy nhiên, báo cáo ghi nhận thu nhập 9 tháng đầu năm của ông Tài là 226,3 triệu đồng, đi ngang so với báo cáo 6 tháng.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em - thành viên HĐQT MWG và ông Trần Huy Thanh Tùng, CEO MWG - cũng làm việc không lương.

Riêng ông Rober Willett - thành viên HĐQT - nhận gần 1 tỷ đồng thù lao trong quý 3 và nhận hơn 2,1 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Một thành viên HĐQT khác là ông Đặng Minh Lượm nhận gần 100 triệu đồng trong quý III và qua 9 tháng là 532 triệu đồng.

Ông Phạm Nhật Vượng và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhận lương 0 đồng - Ảnh 1.

Thu nhập của lãnh đạo MWG trong 9 tháng.

Sau 9 tháng, MWG chỉ lãi ròng 77 tỷ đồng và phần lớn nhờ vào khoản lãi từ 20.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Với kết quả trên, hãng bán lẻ này mới chỉ hoàn thành 2% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Theo MWG, nguyên nhân lợi nhuận “bốc hơi” tới 98% so với cùng kỳ do sức mua điện thoại và điện máy yếu, chưa có dấu hiệu hồi phục đáng kể (ngoại trừ một số sản phẩm do yếu tố mùa vụ). Khách hàng vẫn có nhu cầu mua sắm, thay thế sản phẩm hư hỏng nhưng dè dặt, cẩn trọng hơn trong các quyết định chi tiêu.

HĐQT và ban kiểm soát của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (mã NVT) cũng nhận lương 0 đồng. Nội dung này được cổ đông nhắc tới, bày tỏ thắc mắc tại đại hội cổ đông năm 2023: Liệu thù lao 0 đồng có ảnh hưởng đến lòng nhiệt huyết của lãnh đạo?

Ông Vũ Hoàng Linh - Chủ tịch HĐQT NVT - lý giải, do tình hình kinh doanh sau đại dịch COVID-19 vẫn hết sức khó khăn, HĐQT đã đề xuất mức thù lao trong năm 2023 là 0 đồng. Trường hợp năm 2023 đạt được các chỉ tiêu được đại hội đồng cổ đông đề ra, năm sau, HĐQT sẽ đề xuất mức thù lao hợp lý.

Ông Linh cũng khẳng định, việc không nhận thù lao không làm ảnh hưởng đến nhiệt huyết, cống hiến của các thành viên đối với công ty. Bởi dưới sự điều hành, quản lý của HĐQT, các kế hoạch kinh doanh của công ty trong các năm vừa qua đều cơ bản được hoàn thành.

 

NVT sở hữu khu nghỉ dưỡng Six Sense Ninh Vân Bay. Doanh thu quý III của doanh nghiệp đạt hơn 106 tỷ đồng, tăng 7% nhưng vẫn lỗ ròng gần 600 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi 10 tỷ đồng. Nguyên nhân do công ty mẹ không thu cổ tức từ công ty con về trong kỳ, đồng thời phải chi trả lãi trái phiếu, dẫn đến lỗ so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp từng nhận mức lương 0 đồng trong nhiều năm liền, như ông Trương Gia Bình (Chủ tịch FPT), bà Nguyễn Thị Thanh Phượng (Chứng khoán Bản Việt).

Ông Phạm Nhật Vượng và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhận lương 0 đồng - Ảnh 2.

3/6 tỷ phú Việt (theo xếp hạng Forbes) nhận thù lao 0 đồng.

Các tỷ phú USD trên sàn chứng khoán, như Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hoà Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang... cũng không nhận thù lao. Kể từ năm 2021, khi Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực, con số thù lao của các tỷ phú được công bố. Các báo cáo đều cho thấy ông Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Đăng Quang thu nhập 0 đồng. Tại Masan, các thành viên HĐQT đều không nhận thù lao.

Tại Hoà phát, 2022 là năm đầu tiên ông Trần Đình Long và các thành viên HĐQT không nhận thù lao, dù Nghị quyết đại hội đồng cổ đông đã thông qua quỹ thù lao cho HĐQT là 1% lợi nhuận sau thuế. Trước đó năm 2021, thù lao của HĐQT gần 118 tỷ đồng. Các năm 2019-2020, thù lao của HĐQT lần lượt là 25-27 tỷ đồng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật