Sắp xếp đơn vị hành chính: Phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả hơn
PGS.TS Ngô Thành Can nhận định, việc sắp xếp đơn vị hành chính lần này là một “thời khắc lịch sử” lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Ngày 1/7/2025 đánh dấu thời điểm các đơn vị hành chính mới chính thức đi vào vận hành sau quá trình sắp xếp. Đây không chỉ là một cột mốc mang tính hành chính pháp lý, còn là bước chuyển lớn trong nỗ lực cải cách bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả và hiện đại hơn.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, PGS.TS Ngô Thành Can, Giảng viên cao cấp, Học viện Hành chính Quốc gia nhận định: “Việc sắp xếp các đơn vị hành chính lần này là cơ hội lịch sử để tái cấu trúc lại "giang sơn". Các địa phương sau sáp nhập không chỉ mở rộng về không gian địa lý mà còn có điều kiện để tích hợp nguồn lực, phát huy thế mạnh tổng hợp, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội bền vững”.
Ông cũng nhấn mạnh rằng tinh gọn bộ máy đi đôi với nâng cao chất lượng đội ngũ và năng lực quản trị. “Không gian được mở rộng, chức năng, nhiệm vụ được tăng cường, đội ngũ cán bộ được tinh lọc đó là điều kiện để hình thành một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, lấy phục vụ người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”, ông Can nói.
Cơ hội cho phát triển đồng bộ
PGS.TS Ngô Thành Can cho rằng, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cũng tạo ra cơ hội thuận lợi để các địa phương quy hoạch lại hệ thống hạ tầng, giao thông, logistics và cụm công nghiệp một cách bài bản, hướng tới kết nối vùng hiệu quả hơn.
Cán bộ làm việc tại phường Phú Diễn, Hà Nội sáng 1/7. Ảnh: Minh Khánh
“Đây là cơ hội để tái thiết lại bản đồ kinh tế, đô thị, giao thông, nông nghiệp và các lĩnh vực khác một cách chiến lược, nhất quán, phục vụ cho mục tiêu thu hút đầu tư dài hạn đặc biệt là trong khu vực kinh tế tư nhân”, ông Can chia sẻ.
Đồng thời, PGS.TS Ngô Thành Can cũng nhấn mạnh rằng trong bối cảnh đất nước đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, thì mỗi địa phương phải trở thành một mắt xích chủ động, năng động và có sức bật trong hệ sinh thái phát triển quốc gia.
Tiêu chí cốt lõi để thu hút đầu tư
Cũng theo chuyên gia này, để vừa tinh gọn bộ máy vừa phục vụ hiệu quả khu vực kinh tế tư nhân và hộ kinh doanh, các địa phương cần tập trung vào ba tiêu chí cốt lõi:
Thứ nhất, đảm bảo tính công khai, minh bạch và dễ tiếp cận trong mọi thủ tục hành chính. Người dân và doanh nghiệp cần tiếp cận thông tin rõ ràng, đồng nhất và dễ hiểu từ quy hoạch, đầu tư, thuế, đất đai đến cấp phép kinh doanh. Bởi lẽ, minh bạch là điều kiện tiên quyết để tạo dựng niềm tin.
Thứ hai, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, lấy phục vụ làm trung tâm. Việc sắp xếp bộ máy cần gắn với việc chuẩn hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và nâng cao trách nhiệm phục vụ của cán bộ, công chức.
Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Một nền hành chính điện tử hiệu quả sẽ giảm tiếp xúc trực tiếp, hạn chế phiền hà và giúp doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh tiếp cận dịch vụ công thuận tiện hơn, nhất là ở cấp cơ sở.
PGS.TS Ngô Thành Can nhấn mạnh: “Chúng ta cần không chỉ tinh gọn bộ máy, mà còn phải tinh lọc tư duy, cải cách phong cách làm việc, khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, hách dịch hướng tới một nền hành chính thực chất, phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp”.
Trả lời câu hỏi về khả năng thu hút đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, PGS.TS Ngô Thành Can cho rằng cần chú trọng vào ba yếu tố then chốt để biến thách thức thành cơ hội:
Thứ nhất, đảm bảo sự thông suốt, nhất quán và minh bạch trong hành lang pháp lý và thủ tục đầu tư. Các đơn vị hành chính mới cần nhanh chóng rà soát, chuẩn hóa quy trình xử lý hồ sơ đầu tư kinh doanh, hạn chế tối đa tình trạng “đứt gãy thông tin” do thay đổi địa giới hoặc bộ máy.
Thứ hai, phát huy vai trò chính quyền địa phương trong việc đồng hành cùng nhà đầu tư. Các địa phương tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư, đi kèm cơ chế phản hồi nhanh và giải quyết vướng mắc hiệu quả. “Một môi trường thân thiện, chuyên nghiệp sẽ tạo ấn tượng tích cực cho nhà đầu tư”, ông Can nói.
Thứ ba, tận dụng cơ hội sắp xếp đơn vị hành chính để quy hoạch lại hạ tầng và không gian phát triển một cách đồng bộ. Đây là thời điểm thích hợp để tái cấu trúc các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng hiện đại, kết nối tốt với vùng kinh tế trọng điểm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút vốn FDI và khu vực tư nhân.
Ông Can cũng đồng tình với quan điểm cần có cơ chế phản hồi nhanh và giải quyết vướng mắc kịp thời cho nhà đầu tư:“Chúng ta cần đặt mình vào vị trí của nhà đầu tư, của người dân để thiết kế chính sách hợp lý. Lợi ích phải hài hòa, rủi ro phải chia sẻ đó là nguyên tắc để xây dựng một môi trường đầu tư bền vững”.
PGS.TS Ngô Thành Can nhấn mạnh: “Trong bối cảnh đất nước đang hướng tới các mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, việc các đơn vị hành chính mới vận hành hiệu quả, tạo ra giá trị thực tiễn và giữ được sự ổn định xã hội sẽ là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững, đóng góp vào sự chuyển mình mạnh mẽ của quốc gia trong giai đoạn mới”.