A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế Việt Nam trong năm 2021: Màu hồng hay màu xám?

Việt Nam bước vào năm 2021 với nhiều khó khăn, tăng trưởng GDP cả năm chỉ đạt 2,58%. Tuy nhiên, nhìn lại một năm qua, bức tranh kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là ổn định và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Chương trình “2021 một năm nhìn lại” được Truyền hình Quốc hội phối hợp với các đơn vị liên quan sản xuất và phát sóng vào tối 30/01/2022 (tức ngày 28 Tết âm lịch) đã mang lại cho khán giả truyền hình những đánh giá chi tiết, nhìn nhận tổng thể về bức tranh kinh tế của Việt Nam trong một năm đầy biến động và sóng gió. Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Gần 120 nghìn doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, cao nhất từ trước đến nay. Ảnh hưởng của dịch Covid - 19 đã “bào mòn” sức lực của các doanh nghiệp. Cũng trong quý 3 cả nước có tới hơn 1,8 triệu người thiếu việc làm. Quay trở lại nhịp sống bình thường mới, nhiều lao động vẫn trăn trở với câu hỏi: Làm gì để sống?

Trải qua rất nhiều khó khăn nhưng chúng ta đã đạt mức tăng trưởng GDP 2,58%. Và theo kinh tế học thì GDP gồm có 4 yếu tố cấu thành. Nếu như tăng trưởng GDP được ví như nóc nhà, thì 4 trụ của ngôi nhà bao gồm Đầu tư công; đầu tư tư nhân; tiêu dùng và xuất nhập khẩu. Và để “nóc nhà” GDP tăng trưởng đạt mục tiêu, thì nhất định cần đến sự đóng góp mạnh mẽ của cả 4 trụ cột kể trên.

Tăng trưởng không chỉ đơn thuần là những con số. Đôi khi chúng ta chạy theo những mục tiêu tăng trưởng theo chiều rộng mà bỏ quên đi những yếu tố tăng trưởng theo chiều sâu như: tăng trưởng xanh, cải cách thể chế, chuyển đổi số… Đó mới là những yếu tố bền vững của tăng trưởng, được rất nhiều quốc gia trên thế giới hướng tới. Và dịch bệnh, nhìn ở một góc cạnh khả quan, thì có lẽ nó đã trở thành một nguồn động lực vô hình cho rất nhiều doanh nghiệp chớp lấy thời cơ, để tăng trưởng theo chiều sâu, đóng góp cho nền kinh tế.

Năm cũ đã nỗ lực, năm mới càng phấn đấu. Mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 được Quốc hội thông qua, trong đó: GDP tăng từ 6-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Đứng trước bối cảnh và yêu cầu phát triển mới, tất cả các lĩnh vực cấu thành của nền kinh tế cần tiếp tục dốc sức phát huy nội lực để đưa kinh tế Việt Nam đến với những gam màu hồng và tươi sáng trong năm 2022 và tương lai.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan