Sữa Quốc Tế (IDP) muốn trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 90%, bất ngờ đặt kế hoạch kinh doanh "đi lùi" trong năm 2022
Đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2022, IDP đặt mục tiêu doanh thu tăng 14% lên 5.500 tỷ đồng, tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế lại giảm 45% về 452 tỷ đồng.
Ngày 7/4 tới đây, CTCP Sữa Quốc tế (mã chứng khoán IDP) sẽ tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. Công ty đã công bố tài liệu họp.
Điểm lại tình hình kinh doanh trong năm 2021, doanh thu Sữa Quốc tế đạt 4.827 tỷ đồng, tăng 25,8% so với năm trước đó. Lợi nhuận gộp đạt 2.083 tỷ đồng.
Trong quý doanh thu tài chính đạt 74,6 tỷ đồng, tăng 28,7% so với năm trước trong khi chi phí tài chính lại giảm 29,3% xuống còn 27,5 tỷ đồng. BCTC ghi nhận đến 31/12/2021 Sữa Quốc tế còn khoản tiền 1.207 tỷ đồng gửi ngắn hạn tại ngân hàng (tăng 327 tỷ đồng so với hồi đầu năm). Dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 66,5 tỷ đồng so với đầu năm, lên 541,6 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế đạt gần 823 tỷ đồng, vượt hơn 55% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Căn cứ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trên, HĐQT IDP sẽ trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 90%, trong đó công ty đã tạm ứng cổ tức tỷ lệ 50% vào tháng 8/2021.
Kế hoạch kinh doanh 2022 "đi lùi" tới 45%
Đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2022, IDP đặt mục tiêu doanh thu tăng 14% lên 5.500 tỷ đồng, tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế lại giảm 45% về 452 tỷ đồng, thấp hơn kế hoạch của năm 2021 và mức thực hiện trong năm 2020.
Theo IDP, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mọi quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến thu nhập của đại bộ phận người dân. Sữa mặc dù là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhưng cũng bị giảm nhu cầu, mức tiêu thụ ngành sữa trong năm 2021 giảm 7%.
Người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn về môi trường, sức khỏe và chế độ ăn uống đòi hỏi ngành sữa phải đa dạng hóa sản phẩm, ví dụ như chuyển sang đồ uống có nguồn gốc thực vật, mở rộng quy mô trong trung và dài hạn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sữa cần đổi mới chiến lược marketing về sản phẩm để phù hợp với nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, IDP cũng trình lên phương án đầu tư sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng vốn 2.800 tỷ đồng gồm 2 giai đoạn. Trong đó, vốn góp giai đoạn 1 là 800 tỷ đồng, vốn vay là 1.000 tỷ đồng; vốn góp trong giai đoạn 2 là 300 tỷ đồng và vốn vay là 700 tỷ đồng.
https://cafef.vn/sua-quoc-te-idp-muon-tra-co-tuc-bang-tien-mat-ty-le-90-bat-ngo-dat-ke-hoach-kinh-doanh-di-lui-trong-nam-2022-20220318105818302.chn