A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đạt mức doanh thu kỷ lục trong năm 2021, 4/12 dự án yếu kém ngành Công Thương vượt 36% kế hoạch

Doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 51.200 tỷ đồng năm 2021, bằng 116% kế hoạch năm, tăng 24% so với năm 2020. Trong đó, riêng 4 đơn vị trong nhóm 12 dự án yếu kém ngành Công Thương ước đạt 10.589 tỷ đồng, bằng 136% so với kế hoạch, tăng 74% so với thực hiện 2020.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) cho biết năm qua, các đơn vị thuộc Vinachem tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đó là khó khăn từ đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt công tác. Các yếu tố như giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu, Luật số 71/2014/QH13 vẫn ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn Tập đoàn. Bên cạnh đó, việc cân đối nguyên liệu đầu vào, vốn và điều kiện sản xuất, cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng là khó khăn lớn đối với Vinachem.

Mặc dù vậy, kết quả của Vinachem năm 2021 rất khả quan, với doanh thu cao nhất từ trước tới nay.

Cụ thể, doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 51.200 tỷ đồng năm 2021, bằng 116% kế hoạch năm, tăng 24% so với năm 2020. Trong đó, các đơn vị không thuộc 12 dự án yếu kém ngành Công Thương ước đạt 40.610 tỷ đồng, bằng 111,8% so với kế hoạch, tăng 15,7%; riêng 4 đơn vị trong nhóm 12 dự án yếu kém ngành Công Thương ước đạt 10.589 tỷ đồng, bằng 136% so với kế hoạch, tăng 74% so với thực hiện 2020. 

Các đơn vị có doanh thu tăng mạnh, gồm: Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tăng 110,9%; Công ty CP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ tăng 52,3%; Công ty CP DAP số 2 - Vinachem tăng 69,1%; Công ty CP Phân đạm và HC Hà Bắc tăng 53,1%; Công ty CP DAP - Vinachem tăng 55,1%; Công ty CP Phân bón Bình Điền tăng 44% so với năm 2020.

Về giá trị sản xuất công nghiệp của toàn Tập đoàn, tính theo giá thực, ước đạt 48.980 tỷ đồng, bằng 116,2% kế hoạch năm, tăng 30,3 so với năm 2020. Trong đó, các đơn vị không nằm trong danh sách 12 dự án yếu kém ngành Công Thương ước đạt 38.282 tỷ đồng, bằng 111% so với kế hoạch, tăng 21% so với thực hiện 2020; 4 đơn vị thuộc 12 dự án yếu kém ngành Công Thương ước đạt 10.698 tỷ đồng, bằng 139% so với kế hoạch, tăng 79% so với thực hiện 2020.

 Một số đơn vị có giá trị sản xuất công nghiệp tăng mạnh, gồm: Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tăng 136,7%; Công ty CP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ tăng 87,7%; Công ty CP DAP- Vinachem tăng 74,9%; Công ty CP DAP số 2- Vinachem tăng 61,5%; Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc tăng 53,8%; Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam tăng 24,2% so với năm 2020.

Năm 2021, Vinachem đã thực hiện nộp ngân sách nhà nước đạt 1.668 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 12,02 triệu đồng/ người/ tháng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn đạt 1.726 tỷ đồng. Một số đơn vị có lợi nhuận tăng cao, gồm: Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tăng gấp 2 lần; Công ty CP Phân bón Miền Nam tăng 12 lần; Công ty CP DAP-Vinachem tăng 6,7 lần; Công ty CP Hóa chất Việt Trì tăng 2 lần so với thực hiện năm 2020.

Trong năm, Tập đoàn đã sản xuất và cung ứng cho thị trường 3,534 triệu tấn phân bón các loại; 3,6 triệu chiếc lốp ô tô; 2,16 triệu kWh ắc quy; gần 253 nghìn tấn chất giặt rửa và nhiều sản phẩm hoá chất phục vụ cho nhu cầu sản xuất và đời sống xã hội. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 716,8 triệu USD, đạt 147% so với kế hoạch năm. Trong đó tổng giá trị xuất khẩu đạt 404,2 triệu USD, tăng 34% so với năm 2020; nhập khẩu đạt 312,6 triệu USD, tăng 71% so với năm 2020.

Trong công tác phòng chống dịch Covid, Vinachem cho biết Tập đoàn đã có hơn 15.000 người lao động của các đơn vị thuộc Tập đoàn được tiêm vaccine mũi 2. Trong thời gian qua, Tập đoàn có 13 doanh nghiệp bố trí làm việc "ba tại chỗ", ước tổng chi phí để thực hiện là hơn 1,5 tỷ đồng/ngày tuy đã làm tăng chi phí nhưng đã giúp doanh nghiệp vừa đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động; vừa bảo đảm duy trì sản xuất liên tục, an toàn, duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa. Ước chi phí các đơn vị chi để thực hiện "ba tại chỗ" là khoảng 120 tỷ đồng.

Vinachem cho biết, do sự chỉ đạo quyết liệt của Tập đoàn trong công tác phòng chống dịch Covid-19 nên đến nay, toàn Tập đoàn duy trì việc làm cũng như thu nhập ổn định cho toàn thể cán bộ công nhân viên Tập đoàn.

Năm mới, nhiệm vụ mới

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem khẳng định,  2021 là một năm đặc biệt khó khăn với tất cả các ngành sản xuất kinh doanh, nhưng Vinachem đã lập được thành tích, xác lập được kỷ lục mới về doanh thu và lợi nhuận.

Năm 2022, Vinachem đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá thực tế) là 49.058 tỷ đồng; doanh thu 51.200 tỷ đồng.

Ngoài ra, Vinachem cũng đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất đạt 1.075 tỷ đồng; trong đó, 4 đơn vị thuộc thuộc 12 dự án yếu kém ngành Công Thương lỗ cộng hợp 996 tỷ đồng, các đơn vị không thuộc thuộc 12 dự án yếu kém ngành Công Thương lãi cộng hợp ước đạt 2.071 tỷ đồng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật