Thế khó của doanh nghiệp dệt may
Đối mặt với việc thiếu hụt đơn hàng cả về số lượng và đơn giá do cầu thấp, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều báo lãi ròng quý II/2023 giảm so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu mới nhất được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) công bố, kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 18,6 tỷ USD, tương đương giảm 17,6%. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD, giảm 20%. Với kết quả này, ngành dệt may trong nửa đầu năm 2023 xuất siêu 7,9 tỷ USD, giảm 10,23% so với cùng kỳ năm 2022 là xuất siêu 8,8 tỷ USD.
Vitas nhìn nhận sự sụt giảm của ngành dệt may không chỉ đến từ tác động của nền kinh tế, mà còn từ áp lực “xanh hóa” ngành, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD, EU và Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức (có hiệu lực từ 01/01/2023).
Ngoài ra, đó còn là các yếu tố như xu hướng chuyển dịch đơn hàng sang các nước có lợi thế về mặt địa lý, tác động về mặt tỷ giá, lãi suất cho vay cao, chi phí logistics bình quân trên tổng doanh thu của doanh nghiệp Việt Nam hiện là gần 17%, cao hơn so với các quốc gia khác….
Trong bối cảnh đó, dữ liệu Nhadautu.vn cho thấy loạt doanh nghiệp báo lãi quý II/2023 suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HoSE: GIL) là doanh nghiệp dệt may duy nhất lỗ ròng quý II/2023, theo khảo sát của Nhadautu.vn. Cụ thể, BCTC hợp nhất quý II/2023 ghi nhận doanh thu GIL giảm gần 79% còn hơn 269 tỷ đồng, trừ đi các chi phí thì công ty lỗ đến 5,4 tỷ đồng. Tính trong nửa đầu năm 2023, công ty lỗ 44 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 223,3 tỷ đồng.
GIL cho biết KQDK suy giảm mạnh là do tình hình kinh tế quý II/2023 khó khăn nên đơn hàng sụt giảm mạnh, từ đó dẫn đến doanh thu xuất bán giảm theo. Bên cạnh đó, công ty đang trong quá trình đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng để kịp bàn giao đất cho nhà đầu tư thứ cấp đã ký hợp đồng thuê đất vào quý III do đó chi phí vận hành chung của mảng bất động sản khu công nghiệp tăng mạnh.
Tương tự, việc giảm đơn hàng cũng khiến Tập đoàn Dệt may (UPCOM: VGT) và CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) trong quý II/2023 đồng loạt báo lãi giảm sâu.
Với VGT, doanh thu thuần quý II/2023 của công ty đạt gần 3.910 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng cùng kỳ năm trước. Lãi ròng 22,3 tỷ đồng, giảm hơn 96%. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, VGT đạt 8.119 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 15,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lãi ròng 115 tỷ đồng, giảm hơn 87%.
VGT cho biết các doanh nghiệp của Tập đoàn tiếp tục phải đối mặt với việc thiếu hụt đơn hàng cả về số lượng và đơn giá do cầu thấp. Đơn hàng thiếu hụt, người lao động thiếu việc làm song doanh nghiệp vẫn cố gắng đảm bảo mức lương cho người lao động. Điều này làm ảnh hưởng trọng yếu đến lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn đặc biệt đối với ngành Dệt may là ngành có số lượng lao động rất lớn.
Bên cạnh đó trong 6 tháng đầu năm công ty mẹ phải trích lập dự phòng 75 tỷ đồng khiến lợi nhuận giảm mạnh.
Trong khi đó, TCM báo doanh thu quý II/2023 giảm 32% so với cùng kỳ năm trước xuống 714,5 tỷ đồng. Lãi ròng 2,3 tỷ đồng, tương đương giảm gần 96%. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất mà TCM ghi nhận kể từ quý III/2021.
Thiếu đơn hàng cũng là nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận của CTCP Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) sụt giảm trong quý II/2023. Cụ thể, doanh thu STK giảm 23% so với cùng kỳ xuống 407 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, STK ghi nhận lãi sau thuế đạt 37.5 tỷ đồng, giảm 47% so với quý II năm ngoái.
Ngoài ra, đồng loạt các đơn vị như CTCP Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK), Tổng CTCP Phong Phú (UPCOM: PPH), CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) đều đồng loạt báo lãi ròng quý II/2023 suy giảm.
Chiều ngược lại, CTCP Damsan (HoSE: ADS) gây ấn tượng với doanh thu thuần quý II/2023 đạt 676 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty cho biết, doanh thu tăng mạnh do nhà máy sợi An Ninh đi vào hoạt động và doanh thu bất động sản từ Khu đô thị Phú Xuân tăng 30% so với cùng kỳ. Khấu trừ các chi phí, ADS báo lãi sau thuế 25 tỷ đồng, tăng 39% so với quý 2/2022.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, ADS ghi nhận doanh thu thuần đạt 970 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 38 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp đã thực hiện gần 33% kế hoạch doanh thu và 43% mục tiêu lợi nhuận sau nửa đầu năm.
Triển vọng ngành dệt may trong năm 2023
Vitas dự báo tình hình sản xuất, xuất khẩu sẽ cải thiện dần nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài hết năm 2023, do nhiều doanh nghiệp đến nay chưa đủ đơn hàng cho quý III và quý IV. Bên cạnh việc thiếu đơn hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh của mình, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50% so với bình thường.
Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu chính vẫn chưa phục hồi trong khi đó cạnh tranh gay gắt vẫn diễn ra ở thị trường nội địa với sự tham gia của nhiều thương hiệu, doanh nghiệp nước ngoài.
Không những thế, với chính sách “thúc đẩy” hoạt động sản xuất sau đại dịch, Trung Quốc đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành dệt may trong nước. Các doanh nghiệp dệt may của quốc gia này cũng có quy mô sản xuất đứng top 1 thế giới, do đó khi cầu suy giảm, nguồn cung dồi dào hơn thì Việt Nam khó có thể cạnh tranh.
Còn phải kể đến những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế…
Đầu năm 2023, ngành dệt may Việt Nam đã đề ra hai kịch bản tăng trưởng gồm kịch bản tích cực có thể đạt giá trị xuất khẩu là 47- 48 tỷ USD và kịch bản kém tích cực hơn là 45 - 46 tỷ USD. Cả hai kịch bản đều vượt mức kỷ lục 44 tỷ USD của năm 2022.
Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, Vitas cho biết, ngành dệt may đã đặt lại mục tiêu xuất khẩu ở mức 39 - 40 tỷ USD, giảm khoảng 17% so với kịch bản tích cực được xây dựng hồi đầu năm và giảm khoảng 10% so với năm 2022. Dù vậy, đây vẫn được coi là mục tiêu rất thách thức khi 6 tháng đầu năm mới đạt 18,6 tỷ USD.
Để hoàn thành mục tiêu này, Vitas cho rằng các doanh nghiệp dệt may cần chú trọng 3 vấn đề cốt lõi. Thứ nhất, tìm giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt. Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Thứ hai, giữ chân khách hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động và để khách hàng không chuyển đi nơi khác. Xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài. Khai thác thị trường mới, quan tâm thị trường nội địa.
Thứ ba, giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết của doanh nghiệp.