A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hư chuyện nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã 'dịch chuyển sản xuất từ Việt Nam sang nước khác' trong năm 2021 và 2022?

Trong khảo sát của JETRO vào tháng 8/2021, khác 2,2% doanh nghiệp tham gia tiết lộ là họ đã và đang có ý định "thu nhỏ', "dịch chuyển sản xuất từ Việt Nam sang nước khác"; nhưng sang đến tháng 11/2021, tỷ lệ 'dịch chuyển' đã tăng lên 9%. Tuy nhiên, hiện tại, với chiến lược sống chung với dịch và độ phủ vaccine tại Việt Nam đã tương đối lớn, tỷ lệ này hẳn đã giảm bớt đáng kể.

Đến hẹn lại lên, vào giữa mỗi năm, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản - JETRO lại bắt đầu tiến khảo sát tình trạng của các doanh nghiệp của mình đang kinh doanh ở nước ngoài – trong đó có Việt Nam. Năm 2021 cũng thế.

Tuy nhiên, có một điều đặc biệt là, vì trong thời gian họ khảo sát năm 2021 với sự tham gia của 702/1883 doanh nghiệp trúng vào giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch tại Việt Nam (25/8/2021 – 24/9/2021); thế nên, vào tháng 11 sau khi hết lock-down tại 2 thị trường quan trọng là Hà Nội và TP.HCM, họ phải tiến hành một cuộc khảo sát với quy mô nhỏ hơn để cập nhật tình hình.

Vậy nên, trong bài viết ở dưới, chúng tôi sẽ sử dụng cả số liệu trong bảng khảo sát bắt đầu từ tháng 8/2021 và cả bảng khảo sát vào tháng 11/2021 (đối tượng khảo sát 1.041 doanh nghiệp, 344 doanh nghiệp trả lời).

Theo đó, đã có một sự khác biệt đáng quan tâm trong hạng mục ‘ngừng đầu tư/thu nhỏ sản xuất’ và ‘dịch chuyển sản xuất từ Việt Nam sang nước’ giữa 2 lần khảo sát.

Thực hư về chuyện nhiều doanh nghiệp nước ngoài – cụ thể là Nhật Bản, đã dịch chuyển sản xuất từ Việt Nam sang nước khác trong năm 2021 và 2022 - Ảnh 1.

 

Trong khảo sát đầu tiên, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trả lời sẽ "thu nhỏ" hoặc "chuyển/rút sang quốc gia (khu vực) thứ ba" chỉ là 2.2% (giảm 3.9 điểm so với năm trước). So với các quốc gia, khu vực khác thì tỷ lệ này thấp, chỉ sau Pakistan.

Nhưng, mọi chuyện đã có một chút thay đổi vào khảo sát giữa tháng 11/2021: Nhiều doanh nghiệp trả lời "tạm ngừng, hoãn đầu tư mới, đầu tư mở rộng" (9,3%) và "dịch chuyển sản xuất từ Việt Nam sang nước khác" (9,0%). 24 doanh nghiệp ngành sản xuất đã và đang có ý định dịch chuyển sang các nước khác.

Khi khảo sát các doanh nghiệp trả lời đã thực hiện giải pháp "dịch chuyển sản xuất từ Việt Nam sang nước khác", các quốc gia dịch chuyển chính (được nhiều doanh nghiệp lựa chọn) là Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia và Philippines... Nội dung trả lời (trả lời tự do) như sau:

Dịch chuyển sản xuất dự kiến đầu tư mới tại Việt Nam sang Trung Quốc.

Dịch chuyển một phần sản xuất trong nước Việt Nam sang Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc và Nhật Bản.

Dịch chuyển sản xuất linh kiện động cơ tư Việt Nam sang Trung Quốc, Brazil và Nhật Bản.

Theo quan điểm của BCP (kế hoạch đảm bảo kinh doanh liên tục), thực hiện sản xuất 20% sản lượng một số sản phẩm tại Nhật Bản.

Vì phải tạm ngừng hoạt động nhà máy trong khoảng 2 tháng, nên chúng tôi buộc phải tiến hành sản xuất một số sản phẩm tại Nhật Bản.

Còn về khả năng quay trở lại sản xuất tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trả lời rằng: "nếu hoạt động sản xuất tại Việt Nam quay lại bình thường, sẽ quay lại Việt Nam sản xuất".

Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp nói rằng "chưa có ý định", "trên quan điểm kế hoạch đảm bảo kinh doanh liên tục - BCP, khả năng quay trở lại Việt Nam là thấp", "tạm thời ngừng sản xuất tại Việt Nam, chưa có ý định quay trở lại Việt Nam".

Thực hư về chuyện nhiều doanh nghiệp nước ngoài – cụ thể là Nhật Bản, đã dịch chuyển sản xuất từ Việt Nam sang nước khác trong năm 2021 và 2022 - Ảnh 2.

 

Về lý do không quay trở lại Việt Nam, có doanh nghiệp trả lời rằng: "Tại thời điểm hiện tại, khi có F0 xuất hiện trong nhà máy, rất nhiều lao động là F1 buộc phải vào cơ sở cách ly, nên không biết lúc nào số lượng lao động sẽ giảm". Cũng có doanh nghiệp trả lời rằng: "Nếu bãi bỏ các quy định hạn chế hoạt động và đảm bảo nguồn lực lao động ổn định thì sẽ quay lại Việt Nam".

Bên cạnh đó, cũng có doanh nghiệp trả lời rằng: "Về cơ bản chúng tôi sẽ quay trở lại Việt Nam, nhưng trong trường hợp khó xảy ra, chúng tôi sẽ duy trì một hệ thống có thể sản xuất tại Nhật Bản".

Theo ông Hirai Shinji - Trưởng đại diện văn phòng JETRO HCM: qua đó, có thể thấy rằng: các hạn chế đối với hoạt động sản xuất như giải pháp trong trường hợp có F0 ảnh hưởng tới quyết định dịch chuyển sản xuất của doanh nghiệp. Rủi ro trong hoạt động sản xuất tại Việt Nam bị ảnh hưởng bởi các quy định về hạn chế hoạt động của nhà máy trong đợt dịch này là rất rõ ràng, nên các doanh nghiệp đang có xu hướng xây dựng cơ chế dự phòng tại Nhật.

Còn theo quan điểm của chúng tôi, nhìn chung, quyết định ‘dịch chuyển sản xuất từ Việt Nam sang nước khác’ là quyết định không doanh chủ người Nhật nào muốn, vì nước khác không hẳn có thể ứng phó với dịch bệnh tốt hơn Việt Nam. Trong thời dịch bệnh, rất khó để nói trước điều gì.

Hơn nữa, bây giờ Việt Nam chúng ta cũng đã chuyển sang chiến lược sống chung với dịch bệnh, nên việc công nhân dính F0 cũng không quá ảnh hưởng đến sản xuất như trước. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp sản xuất muốn đa dạng hóa nguồn cung từ nhiều nước khác nhau, để tránh rủi ro trong thời VUCA.

Thế nên, việc dịch chuyển của một phận nhỏ doanh nghiệp FDI Nhật có thể xem như là 1 trong những phương cách đối phó với Covid-19 của họ.

Các biện pháp đối phó với Covid-19 khác đang được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam xem xét là: "giảm lương và thưởng" (16,0%), "tuyển mới lao động địa phương" (9,9%), "thay đổi nguồn cung ứng" (9,9%), và "tạm ngừng, hoãn đầu tư mới, đầu tư mở rộng" (9,6%).

https://cafebiz.vn/thuc-hu-chuyen-nhieu-doanh-nghiep-nhat-ban-da-dich-chuyen-san-xuat-tu-viet-nam-sang-nuoc-khac-trong-nam-2021-va-2022-20220120231327386.chn

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật