Tỉ phú Phạm Nhật Vượng không nhận thù lao, nhưng có thể đạt thu nhập ngàn tỉ từ cổ tức?
Mặc dù giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị Vingroup, thành viên hội đồng quản trị Vinhomes, nhưng tỉ phú Phạm Nhật Vượng lại nhận thù lao 0 đồng. Là lãnh đạo của tập đoàn tư nhân lớn hàng đầu cả nước, vị tỉ phú này không sống nhờ lương.
Trải qua nửa đầu năm kinh doanh, bức tranh tài chính của Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán VIC) cũng được hé lộ thông qua báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2022, với khoản doanh thu thuần hợp nhất hơn 31.600 tỉ đồng và lãi ròng sau thuế 1.065 tỉ đồng.
Dù hợp sức giúp tập đoàn lãi cả ngàn tỉ đồng, nhưng ông Phạm Nhật Vượng (54 tuổi) - chủ tịch hội đồng quản trị Vingroup - lại không nhận bất kỳ đồng thù lao nào trong nửa đầu năm 2022, điều tương tự cũng xảy ra trong nửa đầu năm 2021. Đồng thời, trong thời gian trên, vị tỉ phú này cũng không nhận lương thưởng từ chức danh thành viên hội đồng quản trị của Công ty CP Vinhomes (mã chứng khoán VHM).
Lọc thông tin báo cáo tài chính của Vingroup trong một thập kỷ qua, đơn vị này chỉ ghi chung chung về tổng số tiền chi cho hơn chục thành viên thuộc hội đồng quản trị và ban tổng giám đốc, chứ không ghi cụ thể tên lãnh đạo nhận thù lao như trong báo cáo tài chính bán niên 2022. Theo đó, năm 2012 doanh nghiệp chi tổng thù lao thấp nhất với 18,3 tỉ đồng, trong khi 2014 là năm chia thù lao cao nhất với 67,4 tỉ đồng.
Trường hợp giả định tỉ phú Phạm Nhật Vượng có nhận thù lao từ việc lãnh đạo Vingroup và Vinhomes, thì số tiền cũng chỉ quanh mức vài tỉ đồng mỗi năm, mang tính tượng trưng, có thể xem như "bạc lẻ" so với khối tài sản khổng lồ mà ông đang nắm giữ.
Thu nhập của vị tỉ phú đô la thực chất được đóng góp lớn từ nguồn cổ phiếu VIC. Theo báo cáo tình hình quản trị nửa đầu năm nay, ông Vượng hiện đang là cổ đông cá nhân lớn nhất tại Vingroup khi trực tiếp nắm trong tay hơn 985,5 triệu cổ phiếu (25,47% vốn điều lệ). Như vậy trong vòng 5 năm qua vị tỉ phú này đã lãnh thêm hơn 16.600 tỉ đồng cổ tức, cổ phiếu thưởng (tính theo thị giá mã VIC hiện đang ở mức 63.700 đồng/cổ phiếu).
Bên cạnh đó, một pháp nhân khác liên quan là Công ty CP Tập đoàn đầu tư Việt Nam cũng sở hữu tới hơn 1,26 tỉ cổ phiếu VIC (32,58%), riêng ông Vượng gián tiếp giữ hơn 1,17 tỉ cổ phiếu VIC.
Tính chung tổng số cổ phiếu VIC do vị tỉ phú gốc Hà Tĩnh trực tiếp và gián tiếp sở hữu lên gần 2,16 triệu, tương đương khối tài sản hơn 137.330 tỉ đồng (xấp xỉ 5,9 tỉ USD).
Dựa vào bảng xếp hạng tỉ phú thế giới năm 2022 do tạp chí Forbes (bản Việt Nam) công bố, ông Phạm Nhật Vượng sở hữu khối tài sản lên tới 6,2 tỉ USD, xếp hạng 411 thế giới. Mặc dù tổng giá trị tài sản năm nay bị "bốc hơi" 1,1 tỉ USD so với năm trước, nhưng lại tăng vọt gấp bốn lần so với năm 2013 - khi ông Vượng trở thành người Việt đầu tiên lọt vào "câu lạc bộ" những người giàu bậc nhất hành tinh.
Nếu xét theo dữ liệu từ Forbes (bản quốc tế), dựa vào thời gian thực 3-9-2022, khối tài sản của tỉ phú Vượng hiện nằm mức 4,9 tỉ USD. Số liệu này tiếp tục biến động theo diễn biến giá cổ phiếu VIC trong những phiên tiếp theo, sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ Quốc khánh.
Trong lần chia sẻ với giới truyền thông, đại diện Forbes cho biết ngoài định giá tài sản của các tỉ phú dựa trên số cổ phiếu đang sở hữu tại các doanh nghiệp, còn tính cả các khoản tiền mặt, bất động sản... và trừ đi nợ.
Bên cạnh đó, Forbes còn phỏng vấn nhân viên kế toán, cố vấn, luật sư... của các tỉ phú để ước tính tài sản, đồng thời nhận được sự hỗ trợ của ngân hàng, công ty tài chính, hãng tư vấn... ở các nước.