Tiki tụt dốc: Founder Trần Ngọc Thái Sơn đệ đơn từ chức, lỗ trăm triệu USD, doanh số quý 1/2023 chưa bằng 15% TikTok Shop
Tiki lép vế trong cuộc đua thương mại điện tử ở Việt Nam so với các đối thủ nước ngoài như Shopee, Lazada hay Tikitok Shop mới nổi.
Ông Trần Ngọc Thái Sơn, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành sàn thương mại điện tử Tiki được cho là đã đệ đơn từ chức lên hội đồng quản trị công ty, theo nguồn tin của DealstreetAsia .
Tiki nằm trong số ít cái tên được kỳ vọng để trở thành kỳ lân công nghệ tiếp theo của Việt Nam. Năm 2021, sàn thương mại điện tử huy động về 258 triệu USD vòng Series E, được dẫn đầu bởi công ty bảo hiểm AIA Group. Vòng huy động vốn định giá Tiki ở mức gần 1 tỷ USD. Tuy vậy, kể từ đó đến nay, định giá cả các doanh nghiệp, nhất là thuộc lĩnh vực công nghệ đã sụt giảm đáng kể trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng nhanh nhằm ứng phó với lạm phát.
Kể từ thời điểm thành lập năm 2010, Tiki đã huy động tổng cộng 470,5 triệu USD qua các vòng gọi vốn. Danh sách các nhà đầu tư của Tiki gồm nhiều cái tên nổi tiếng ở cả trong và ngoài nước như VNG, CyberAgent Capital, Sumitomo, JD.com, Northstar Group, Shinhan Financial Group…
Việc CEO Trần Ngọc Thái Sơn đệ đơn từ chức diễn ra trong bối cảnh Tiki thể hiện khả năng cạnh tranh yếu ớt so với các sàn thương mại điện tử đối thủ khác như Shopee và Lazada. Cùng lúc, Tiktok Shop đang vươn lên với tốc độ “thần tốc”, bắt kịp và vượt qua những đàn anh đi trước tại thị trường Việt Nam cả hơn chục năm.
Một dữ liệu tham khảo từ nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric cho biết, trong quý đầu năm 2023, Tiki bị nhóm tam mã Shopee, Lazada và Tiktok Shop bỏ rất xa. Doanh thu sàn Tiki đạt chưa đầy 850 tỷ đồng, so với TikTok Shop 6.000 tỷ đồng, Lazada 7.500 tỷ đồng, và Shopee 24.700 tỷ đồng. Thị phần của Tiki tính theo doanh thu đạt khoảng 2,2%.
Trong khi đó, hiệu quả kinh doanh của Tiki vẫn không sáng sủa hơn. Năm tài chính 2022 (kết thúc vào tháng 3/2022), sàn thương mại điện tử ghi nhận doanh thu dưới mức 200 triệu USD và khoản lỗ 93 triệu USD, theo TechinAsia .
Với việc thua lỗ triền miên và chưa thấy dấu hiệu khởi sắc, cộng thêm thị phần thương mại điện tử giảm sút do cạnh tranh mạnh mẽ từ các tay chơi nước ngoài, Tiki vẫn cần những nguồn vốn mới để duy trì hoạt động liên tục, một trong những phương án khả dĩ là IPO ở thị trường nước ngoài.
Tỷ lệ sở hữu của người sáng lập và những nhà đầu tư đời đầu của Tiki đã bị pha loãng đáng kể sau các vòng gọi vốn. Lấy ví dụ, VNG đã đầu tư vào Tiki năm 2016 qua đó nắm giữ 38% cổ phần. Tại thời điểm kết thúc quý 1/2023, sở hữu của VNG tại Tiki Global (công ty mẹ của Tiki Việt Nam) giảm xuống còn 14,61%.