Tổng doanh thu môi giới tăng vọt lên cao nhất 6 quý, các công ty chứng khoán lời lãi ra sao?
Biên lợi nhuận của mảng môi giới của các công ty chứng khoán nhìn chung đã được cải thiện lên mức 25,5% trong quý 3, cao hơn so với mức 21,9% cùng kỳ năm ngoái và 22,5% của quý 2 trước đó.
Quý 3 vừa qua là khoảng thời gian thị trường chứng khoán giao dịch sôi động nhất trong vòng một năm rưỡi trở lại đây. Thanh khoản duy trì quanh mức 20.000 tỷ trong phần lớn thời gian của quý, thậm chí giá trị khớp lệnh trên HoSE có thời điểm chạm ngưỡng tỷ USD vào đầu tháng 9. Trong bối cảnh đó, hoạt động môi giới của các công ty chứng khoán cũng tăng trưởng khởi sắc.
Theo thống kê, tổng doanh thu môi giới của các công ty chứng khoán trong quý 3 ước đạt hơn 4.200 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 45% so với quý 2 trước đó. Đây là mức doanh thu cao nhất mà mảng môi giới tại các công ty chứng khoán tạo ra trong vòng 6 quý trở lại đây.
Không chỉ tăng doanh thu, biên lợi nhuận của mảng môi giới của các công ty chứng khoán nhìn chung cũng được cải thiện lên mức 25,5% trong quý 3, cao hơn so với mức 21,9% cùng kỳ năm ngoái và 22,5% của quý 2 trước đó. Kể từ khi xuống thấp nhất trong nhiều năm vào quý 1/2023, biên lợi nhuận của mảng hoạt động này đã tăng trưởng 2 quý liên tiếp so với quý liền trước và đang ở mức cao nhất trong vòng 5 quý trở lại đây.
Như vậy, cứ khoảng 4 đồng doanh thu từ hoạt động môi giới, các công ty chứng khoán lại thu về 1 đồng lãi. Biên lợi nhuận gộp cải thiện qua từng quý cho thấy khả năng quản lý chi phí của các công ty chứng khoán trong mảng này đang dần hiệu quả hơn. Kết quả này một phần đến từ xu hướng ứng dụng công nghệ thay thế môi giới bằng con người đang ngày càng phổ biến tại nhiều công ty chứng khoán.
Miếng bánh nở ra nhưng không chia đều
Hầu hết các công ty chứng khoán đều ghi nhận doanh thu tăng so với cùng kỳ năm ngoái và quý liền trước. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng là khác nhau và không phải công ty chứng khoán nào cũng nâng cao được hiệu quả sinh lời cho mảng hoạt động quan trọng này trong quý vừa qua.
Trong quý 3, VPS tiếp tục dẫn đầu về thị phần môi giới trên cả 3 sàn chứng khoán, bỏ xa top phía sau. Thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có đảm bảo của công ty chứng khoán này thậm chí còn chiếm gần 1/5 sàn HoSE.
Do đó, không bất ngờ khi VPS tiếp tục “vô địch” về doanh thu môi giới trong quý 3 với 953 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ kém mức kỷ lục hơn 1.100 tỷ đạt được vào quý 4/2021. Đáng chú ý, công ty chứng khoán này lãi gộp đến gần 210 tỷ từ hoạt động này trong quý 3, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Biên lãi gộp cũng theo đó được cải thiện từ 16% lên 22%.
Theo ngay sau là SSI cũng ghi nhận doanh thu từ mảng môi giới tăng trưởng cao, lần lượt tăng 58% so với cùng kỳ và 59% so với quý liền trước. SSI lãi gộp đến gần 141 tỷ đồng từ hoạt động này trong quý 3, gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm 2022. Biên lợi nhuận gộp cũng theo đó được cải thiện rõ rệt từ 12,5% lên 26,3%.
Trong khi đó, mảng môi giới của VNDirect mang về hơn 301 tỷ đồng doanh thu trong quý 3, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chi phí cho hoạt động này lại tăng gần 22% khiến biên lãi gộp co lại từ 41,8% xuống còn 40,6%. Lợi nhuận gộp mảng môi giới của VNDirect chỉ tăng gần 16% so với cùng kỳ 2022, đạt hơn 122 tỷ đồng.
Dù con số tuyệt đối không lớn nhưng biên lợi nhuận mảng môi giới của VNDirect vẫn rất ấn tượng, bởi chi phí bỏ ra cho hoạt động này tại nhiều công ty chứng khoán thường chiếm tỷ lệ rất lớn. Một số cái tên như Mirae Asset, Yuanta có biên lãi gộp mảng môi giới dưới 10% tương đương 10 đồng doanh thu nhưng lãi không đến 1 đồng. Thậm chí, VPBankS, KBSV, PSI,.. còn lỗ gộp mảng môi giới trong quý 3 vừa qua.
Thực tế, biên lãi gộp mảng môi giới dày hay mỏng còn phụ thuộc rất nhiều vào định hướng phát triển của từng công ty chứng khoán. Một số công ty tập trung vào chất lượng tệp khách hàng thay vì chạy theo số lượng, một số khác ưu tiên độ phủ sóng trong giới đầu tư. Nhiều công ty vẫn đang “nuôi” một đội ngũ môi giới hùng hậu trong khi số khác lại không dùng môi giới “chạy bằng cơm”.
Dù chiến lược khác nhau nhưng không thể phủ nhận mảng nghiệp vụ môi giới vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong hoạt động của các công ty chứng khoán. Những lợi ích từ tệp khách hàng chất lượng có thể mang lại lớn hơn rất nhiều so với nguồn thu phí giao dịch thông thường, đặc biệt là trong việc thúc đẩy hoạt động cho vay margin. Thêm nữa, tệp khách hàng lớn cũng sẽ giúp các CTCK đưa các sản phẩm tiếp cận với nhà đầu tư dễ dàng hơn như quản lý tài sản, đầu tư trái phiếu, chứng chỉ quỹ hoặc các sản phẩm khác.