Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam: Hòa Phát và Vingroup đổi ngôi
9 trong 10 vị trí trong danh sách vẫn được chiếm lĩnh bởi các đại diện của năm 2021 nhưng thay đổi về thứ hạng, đặc biệt là các vị trí trong Top 5.
Ngày 15/11, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2022. Đây là năm thứ 16 danh sách này được công bố, ghi nhận và tôn vinh những thành tích xứng đáng của các doanh nghiệp có quy mô lớn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và ổn định.
Đáng chú ý là Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2022. Nhìn chung, 9 trong 10 vị trí vẫn được chiếm lĩnh bởi các đại diện của năm 2021 nhưng thay đổi về thứ hạng, đặc biệt là các vị trí trong Top 5.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát được đánh giá là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2022, tăng 3 bậc so với vị trí thứ 4 vào năm ngoái. Với thành tích này, Hòa Phát cũng đồng thời chiếm ngôi đầu bảng của Vingroup, đẩy doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng xuống vị trí thứ 2.
Công ty Cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng này, tụt 1 bậc so với năm 2021. Masan được nâng lên một hạng, đứng ngay sau Thế Giới Di Động. Trong khi đó, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji ghi nhận bước lùi từ vị trí thứ 3 (vào năm 2021) xuống vị trí thứ 5.
Các thứ hạng còn lại đều thuộc về những đại diện quen thuộc, lần lượt là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty CP Ô tô Trường Hải, Công ty CP Tập đoàn Thành Công. Cuối cùng là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Bên cạnh đó, trong ba năm vừa qua, tỷ trọng doanh thu của 3 lĩnh vực kinh tế trong bảng xếp hạng VNR500 đã phản ánh vai trò quan trọng của ngành Công nghiệp - Xây dựng là động lực phát triển của nền kinh tế hay sự cải thiện đáng kể về doanh số của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản.
Thống kê từ bảng xếp hạng VNR500 năm 2022 cho thấy hầu hết các ngành đều có sự sụt giảm về doanh thu so với bảng xếp hạng năm ngoái. Điểm sáng lớn nhất đến từ hoạt động bán lẻ với tổng mức tăng trưởng doanh thu lên tới 120%. Bên cạnh đó, bảng xếp hạng cũng ghi nhận sự phục hồi của hoạt động Vận tải - Logistics trong bối cảnh kinh tế mở cửa trở lại và sự vươn lên của các ngành Khoáng sản, xăng dầu và Thép nhờ được hưởng lợi từ giá dầu, giá thép tăng cao trong giai đoạn vừa qua.
Xét các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp trong bảng xếp hạng VNR500 năm nay, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) giảm mạnh so với năm ngoái, từ mức 16,4% xuống còn 11,2%. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên doanh thu (ROS) ghi nhận mức tăng xét trên tổng thể toàn bảng xếp hạng nhưng lại có sự phân hóa đáng kể nếu xét theo từng khu vực kinh tế.