A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vĩnh Phúc: tăng cường kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có Văn bản 5390/UBND-KT5 yêu cầu các sở, ban ngành tăng cường thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, tham mưu phát triển kinh tế - xã hội các tháng cuối năm 2024.

Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm

UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Trong đó, trọng tâm là chương trình công tác các tháng cuối năm 2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Chương trình hành động số 02/CTr-UBND ngày 19/1/2024 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 và Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 15/12/2023 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, chủ động phân tích, đánh giá, dự báo đối với các ngành, lĩnh vực phụ trách để sớm có giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án trọng điểm trên địa bàn; xác định nhiệm vụ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; bám sát kế hoạch, mục tiêu giải ngân chi tiết từng dự án để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh tăng cường cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh, thủ tục hành chính và giấy tờ để tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Ảnh minh họa: Sỹ Hào. 

UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh tăng cường cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh, thủ tục hành chính và giấy tờ để tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Ảnh minh họa: Sỹ Hào. 

Tăng cường rà soát các khó khăn, vướng mắc, các tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn, tăng cường tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết dứt điểm các vướng mắc; tiếp tục đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc theo phân cấp, thẩm quyền, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế…

Kinh tế phát triển kinh tế đồng đều trên nhiều lĩnh vực

Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tháng 7/2024, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục có bước tăng trưởng tích cực, sản xuất nông nghiệp ổn định, hoạt động kinh doanh thương mại tiếp tục đà tăng so với tháng trước và tăng cao so cùng kỳ, giá cả thị trường không có nhiều biến động, các chỉ số phản ánh tình hình kinh tế của tỉnh cho thấy sự phát triển kinh tế đồng đều trên nhiều lĩnh vực.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn (IIP) ước tính tăng 6,49% so với tháng trước và tăng 19,93% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Sản xuất công nghiệp của tỉnh đã có chuỗi tăng 5 tháng liên tiếp, tính chung 7 tháng đầu năm 2024, IIP toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 11,39% so với cùng kỳ năm 2023.

Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất trong tháng tăng cao, đóng góp vào mức tăng chung: ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 5,72% so tháng trước và tăng 18,89% so với cùng kỳ, nhu cầu sản phẩm điện tử tăng cao giúp doanh thu ngành tiếp tục tăng.

Ngành sản xuất xe máy sau khoảng thời gian trầm lắng, đã có dấu hiệu phục hồi tích cực, IIP tháng 7/2024 ước tăng 17,96% so với tháng trước và tăng 40,38% so với cùng kỳ, các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục ra mắt thị trường một số dòng sản phẩm mới với nhiều cải tiến về kiểu dáng, hiệu suất và công nghệ, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng.

Ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 30,12%, ngành sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 63,93%, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 23,45% so với cùng kỳ năm trước...

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,22% so với tháng trước và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2023, trong khi đó chỉ số tồn kho giảm 2,66% so với tháng trước và giảm 13,28% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sản phẩm được tiêu thụ nhanh và hiệu quả quản lý tồn kho tốt, góp phần vào sự ổn định và phát triển của ngành công nghiệp.

Về tình hình thu, chi ngân sách, Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tính đến 15/7/2024, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 16,0 nghìn tỷ đồng, tăng 3,72% so với cùng kỳ, bằng 50,37% dự toán giao đầu năm, trong đó thu nội địa đạt 13,4 nghìn tỷ, tăng 5,32%. Tổng chi ngân sách Nhà nước đạt 13,7 nghìn tỷ đồng, giảm 5,27% so với cùng kỳ.

Trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng, dự kiến đến 31/7/2024, tổng nguồn vốn huy động ước tính đạt 130 nghìn tỷ đồng, tăng 2,99%; tổng dư nợ cho vay ước tính đạt 134 nghìn tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức an toàn, ước đạt 1,15% tổng dư nợ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan