Bảo đảm an toàn đê điều trong mùa mưa lũ
Trước mùa mưa bão năm nay, để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, công trình thủy lợi, các địa phương đã tăng cường rà soát, khắc phục những tồn tại và chủ động triển khai phương án ứng phó.
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn các công trình thủy lợi
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa mưa bão năm nay đến muộn nhưng lượng mưa có thể lớn hơn trung bình nhiều năm.
Dự báo 6 tháng cuối năm 2022 sẽ có khả năng xảy ra những cơn bão mạnh, trận lũ lớn, đe dọa đến an toàn hệ thống đê điều.
Thi công xử lý sự cố sụt lún mặt và mái đê hữu Đáy (đoạn qua huyện Quốc Oai, Hà Nội) |
Theo thống kê, trong năm 2021, mặc dù không xảy ra lũ lớn trên hệ thống sông có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, nhưng hệ thống đê điều tiếp tục xảy ra 73 sự cố. Trong 6 tháng năm 2022, mặc dù chưa có bão lũ nhưng vẫn xảy ra 20 sự cố đê điều trên cả nước…
Đáng lo ngại, chính quyền các cấp tại một số địa phương chưa quan tâm đến việc chỉ đạo ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai. Cụ thể như xây dựng công trình nhà ở trong hành lang bảo vệ đê; Xe quá tải đi trên đê gây hư hỏng mặt đê...
Đối với công trình thủy lợi, tình trạng tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Thủy lợi xảy ra nhiều, đặc biệt trên các tuyến kênh chính như trồng cây lâu năm, cỏ voi, rau màu; Xây dựng công trình, chôn cọc bê tông, quây lưới thép làm hàng rào; Đổ rác, xả thải vào công trình...
Công tác tổ chức lực lượng tuần tra canh đê, lực lượng xung kích hộ đê tại nhiều xã có đê chưa chặt chẽ, biểu hiện cụ thể như có danh sách trích ngang nhưng chưa biên chế thành tổ, đội; chưa giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên...
Công tác tập huấn cho lực lượng tuần tra canh gác và xung kích hộ đê phòng chống thiên tai còn mang nặng tính hình thức, số lượng tham gia tập huấn chưa được nhiều.
Để đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, sẵn sàng cho những tình huống bất lợi nhất, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã liên tục có các văn bảo chỉ đạo các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều các tỉnh, thành phố trong việc kiện toàn lực lượng, thực hiện nghiêm công tác tuần tra canh gác, phát hiện và xử lý ngay từ giờ đầu những sự cố đe dọa an toàn đê.
Ông Trần Công Tuyên, Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng, chống thiên tai), cho biết hiện hệ thống đê điều ở nhiều nơi xuống cấp rất đáng báo động. Cụ thể, trên cả nước hiện có: 242 trọng điểm, vị trí xung yếu đê điều; Trên 296km đê thiếu cao trình thiết kế; 428km đê mặt cắt nhỏ hẹp; Trên 174km đê thường bị đùn sủi, thẩm lậu; 352 cống dưới đê xung yếu; 241km kè bị xuống cấp, hư hỏng có diễn biến sạt lở.
Theo ông Tuyên, trong năm 2021 đã bố trí khoảng 440 tỷ đồng để tu bổ đê điều, đã thực hiện: Gia cố mặt đê 127,5km; Làm đường hành lang chân đê 8,5km; Tu sửa 3,2km kè; Sửa chữa, nâng cấp 46 kho vật tư, điếm canh đê; Khoan phụt vữa gia cố thân đê 24,1km.
Năm 2022, Ngân sách Nhà nước cũng cấp kinh phí khoảng 440 tỷ đồng cho tu bổ đê điều, nhưng hiện đang tổ chức phê duyệt Dự án theo kế hoạch.
Ngoài tu bổ theo kế hoạch hàng năm, các năm 2020-2021 còn bố trí thêm 250 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương xử lý cấp bách cho khoảng 35 sự cố về đê điều phát sinh trước, trong lũ. Năm 2022 tiếp tục bố trí 123 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương xử lý cấp bách các sự cố đê điều.
Rà soát các công trình thuỷ lợi xuống cấp, hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn cao
Ngay những ngày đầu mùa mưa lũ, nhiều nơi đã xảy ra mưa to đến rất to, trên diện rộng. Trước tình hình đó, nhiều địa phương đang khẩn trương tu bổ, khắc phục, gia cố các công trình hồ, đập để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.
Lực lượng chức năng xử lý tình trạng xe tải quá khổ, quá tải gây ảnh hưởng khu vực đê sông Hồng |
Là tuyến đê cấp I, đê hữu Hồng có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong ngăn lũ, bảo vệ an toàn khu vực nội thành và ngoại thành Hà Nội.
Để bảo đảm an toàn của tuyến đê hữu Hồng, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Cty CP Nước mặt sông Hồng xây dựng phương án phòng, chống thiên tai bảo vệ công trình trong mùa mưa lũ; Ứng trực 24/24 giờ tại khu vực dự án, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực để chủ động xử lý kịp thời mọi tình huống có thể xảy ra.
UBND TP cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định đây là trọng điểm phòng, chống lụt bão năm 2022; Xây dựng phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm, bảo đảm an toàn đê điều trong mùa mưa lũ.
Đặc biệt, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ đê điều, kè, bờ sông, đất bãi sông, bãi nổi theo đúng quy định của pháp luật về đê điều, chống lấn chiếm vi phạm, nhất là sau khi hình thành các tuyến đường ở bãi sông theo quy hoạch.
Là một tỉnh ven biển, Thanh Hóa hiện có 1.008km đê sông, đê biển (trong đó, đê từ cấp I đến cấp III dài 315km, đê dưới cấp III dài 693km).
Theo thống kê, đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước lũ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều đoạn đê sát sông đang có diễn biến sạt lở, chưa có kè bảo vệ, như đê sông Hoạt, sông Càn qua huyện Nga Sơn; Đê hữu Thị Long qua thị xã Nghi Sơn; Đê kênh Tam Điệp qua huyện Hà Trung; đê tả sông Yên qua huyện Nông Cống...
Từ đầu năm đến tháng 5/2022, toàn tỉnh đã xây dựng 29 phương án bảo vệ các đoạn đê trọng điểm, xung yếu; Hướng dẫn và kiểm tra, giám sát các xã, phường ven đê trong việc tổ chức lực lượng thực hiện công tác tuần tra, canh gác và bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo quy định.
Vừa bước vào đầu mùa mưa lũ nhưng nhiều địa phương tại tỉnh Sơn La đã xảy ra mưa to đến rất to, trên diện rộng dẫn đến mực nước tại nhiều hồ, đập chứa tăng lên.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều đập, hồ thủy lợi đã bị bồi lắng, hư hỏng, xuống cấp, giảm công năng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Trước tình hình đó, tỉnh Sơn La đang rà soát để khắc phục, gia cố các công trình hồ, đập nhằm bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.