A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các đồng tiền châu Á lại mất giá mạnh trước USD

Hàng loạt đồng tiền châu Á liên tục mất giá trước USD, làm dấy lên quan ngại rằng các ngân hàng trung ương trong khu vực lại phải can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Chưa tới một năm sau cú sốc tỷ giá diễn ra vào cuối năm 2022, nhiều đồng tiền châu Á lại một lần nữa rơi vào tình trạng tương tự khi tỷ giá giảm sâu. Đáng chú ý nhất là đồng yên. Tỷ giá yên/USD vào cuối ngày giao dịch 3/7 trên thị trường châu Á đã giảm xuống còn 144,834 yên đổi 1 USD. Trước đó, tỷ giá có lúc còn vượt mốc 145 yên đổi 1 USD. Như vậy, đồng yên đã mất 13% giá trị kể từ ngày 15/1/2023.

Các đồng tiền châu Á lại mất giá mạnh trước USD - Ảnh 1.

Tỷ giá USD/yên. Nguồn: xe.com

Tương tự với đồng yên là nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng ringgit của Malaysia. Nhân dân tệ vẫn đang ở gần ngưỡng thấp nhất kể từ tháng 10/2022, trong ringgit của Malaysia cũng đang tiến về mức thấp từng được ghi nhận vào tháng 11/2022.

Dễ nhận thấy các đồng tiền châu Á đang đứng trước sức ép tỷ giá lớn so với USD, và đây dường như là vấn đề chung ở nhiều nền kinh tế trong khu vực.

Nguyên nhân khiến các đồng tiền châu Á mất giá

Nguyên nhân lớn nhất và cũng dễ nhận thấy nhất là sự khác biệt trong chính sách tiền tệ ở châu Á và Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là quốc gia có sức ảnh hưởng mạnh nhất trên thị trường tài chính toàn cầu. Tại Mỹ, Cục dự trữ liên bang FED vẫn đang kiên trì với cuộc chiến chống lạm phát, nhằm đưa chỉ số giá tiêu dùng CPI về mức mục tiêu 2% từ mức 4% như hiện nay. Để thực hiện được mục tiêu này, FED tiếp tục chính sách nâng lãi suất một cách đều đặn qua các cuộc họp chính sách hằng tháng. Mới nhất, FED đã tạm ngừng nâng lãi suất trong tháng 6, nhưng các nhà phân tích cho rằng rất có khả năng ngân hàng trung ương này sẽ nối lại việc nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp vào tháng 7 sắp tới.

Ở chiều ngược lại, các nước châu Á hầu như không phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao, ví dụ như Trung Quốc, hoặc có rơi vào lạm phát cao, ví dụ như Nhật Bản, nhưng vẫn ưu tiên các chính sách kích cầu kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 5/2023 tại Trung Quốc chỉ tăng có 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Con số này không chỉ cho thấy mặt bằng giá cả tại Trung Quốc vẫn đang được giữ hết sức ổn định, mà còn là một tín hiệu cho thấy nhu cầu tiêu dùng nội địa ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chưa đủ mạnh như mong muốn của các nhà điều hành.

Do không chịu áp lực phải hạ tỷ lệ lạm phát nên thay vì tăng lãi suất, các ngân hàng trung ương ở châu Á vẫn tiếp tục giữ lãi suất ở mức rất thấp, hoặc thậm chí còn hạ lãi suất để hỗ trợ các hoạt động vay vốn đầu tư sản xuất và tiêu dùng, mua sắm. Hiện nay, Ngân hàng trung ương Nhật Bản BOJ vẫn đang giữ lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1%. Trong khi đó, vào ngày 20/6 vừa qua, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất  cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm 10 điểm cơ bản, xuống mức 3,55%, đồng thời cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm được sử dụng để xác định lãi suất thế chấp thêm 10 điểm cơ bản xuống mức 4,2%.

Các đồng tiền châu Á lại mất giá mạnh trước USD - Ảnh 3.

Ngân hàng nhân dân Trung Quốc liên tục cắt giảm lãi suất. Nguồn ảnh: South China Morning Post

Sự nghịch chiều chính sách tiền tệ giữa các nền kinh tế Mỹ (và cả châu Âu) với châu Á rốt cuộc đã khiến tình trạng chênh lệch mặt bằng lãi suất giãn rộng, thúc đẩy dòng vốn rút khỏi các thị trường châu Á để đổ vào Mỹ. Trong 5 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã ghi nhận dòng vốn ngoại rút ròng khỏi các thị trường chứng khoán nước này với con số lên đến 170 tỷ nhân dân tệ (24 tỷ USD). Khi dòng vốn rút khỏi thị trường chứng khoán và hệ thống tài chính – ngân hàng nói chung để tìm kiếm cơ hội sinh lời lớn hơn tại các nền kinh tế áp dụng lãi suất cao hơn, áp lực sẽ ngày càng gia tăng với đồng nội tệ và khiến các đồng tiền châu Á giảm giá sâu.

Với Nhật Bản, bên cạnh chênh lệch lãi suất, nước này còn phải nhập khẩu phần lớn năng lượng và sử dụng USD làm đồng tiền thanh toán, dẫn tới việc BOJ phải liên tục bán ra đồng yên. Thâm hụt thương mại của Nhật Bản trong tháng 5/2023 ở mức 1,3 nghìn tỷ yên (8,98 tỷ USD). Thâm hụt thương mại là vấn đề lâu dài của nền kinh tế nước này.

Các nước châu Á sẽ làm gì trước bài toán tỷ giá?

Phần lớn nền kinh tế châu Á sẵn sàng chấp nhận tỷ giá ở mức thấp vừa phải so với USD nhằm thúc đẩy xuất khẩu và đảm bảo sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước. Nền kinh tế Nhật Bản vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt bất chấp tỷ giá thấp. GDP Nhật Bản đã tăng lần lượt 2,7% và 2,2% trong hai quý đầu năm 2023, một dữ liệu minh chứng cho quyết tâm giữ chính sách tiền tệ siêu lỏng của BOJ và chính phủ Nhật Bản là hợp lý. Tuy nhiên, BOJ luôn phải cẩn trọng trước các cú sốc tỷ giá, tức những biến động quá dữ dội trong thời gian quá ngắn, khiến những công ty vay nợ bằng ngoại tệ và các công ty nhập khẩu của nước này chịu thiệt hại nghiêm trọng. Sự biến động tỷ giá lớn cũng khiến các công ty Nhật Bản gặp khó khăn trong việc dự báo triển vọng kinh doanh tại các thị trường quốc tế, kéo theo khó khăn trong lên kế hoạch đầu tư.

Để tránh cú sốc tỷ giá, đã có nhiều quan điểm cho rằng không sớm thì muộn các ngân hàng trung ương châu Á phải can thiệp bằng cách bán ra dự trữ ngoại hối. Với các nền kinh tế lớn, có dự trữ ngoại tệ đủ lớn, biện pháp này đã chứng minh hiệu quả trong quá khứ. Nhật Bản đã thực hiện hai lần can thiệp vào thị trường ngoại hối vào tháng 10/2022, trong đó số quy mô can thiệp ngày 21/10 lên đến 5.620,2 tỷ yên (38 tỷ USD), cao nhất trong lịch sử nước này. Các biện pháp can thiệp này đã đảm bảo sự ổn định tạm thời của đồng yên, tránh các cuộc tấn công mang tính đầu cơ.

Tuy nhiên, với các nền kinh tế nhỏ hơn và dự trữ ngoại hối thấp hơn, việc bán USD và mua vào đồng nội tệ trên thị trường ngoại hối sẽ không đủ, buộc ngân hàng trung ương các nước này phải tiến hành tăng lãi suất để ngăn dòng vốn rút khỏi thị trường tài chính trong nước. Hồi tháng 5/2023, Malaysia đã bất ngờ tiến hành tăng lãi suất qua đêm thêm 25 điểm cơ bản. Đợt tăng lãi suất này diễn ra ngay sau cú sốc tỷ giá ngày 2/5 khi tỷ giá tăng vọt lên mức 4,5 ringgit đổi 1 USD.

Dự báo về biến động tỷ giá

Các áp lực về tỷ giá giữa các đồng tiền châu Á với USD được dự báo sẽ kéo dài trong suốt năm 2023 và có thể sang năm 2024. Chủ tịch FED ông Jerome Powell cho rằng Mỹ không thể kéo lãi suất về mức mục tiêu 2% trong năm 2024, và mục tiêu này chỉ có thể thực hiện vào năm 2025. Như vậy, nhiều khả năng FED sẽ duy trì lãi suất cao trong 1 đến 2 năm tới và các dự báo trước đây về việc FED sẽ hạ lãi suất vào quý 4/2023 khó có thể trở thành hiện thực. Đây sẽ là thách thức không nhỏ cho châu Á trong việc đảm bảo sự ổn định của đồng nội tệ trong khi vẫn phải duy trì các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế thông qua các chính sách kích cầu và mặt bằng lãi suất thấp.

Các đồng tiền châu Á lại mất giá mạnh trước USD - Ảnh 4.

Nền kinh tế Mỹ vẫn chống đỡ tốt trước sức ép lãi suất. Nguồn ảnh: ShutterStock.

Một yếu tố khác tác động đến diễn biến tỷ giá trong thời gian tới là khả năng chống chịu của kinh tế Mỹ trước mặt bằng lãi suất cao. Trong suốt 1 năm qua, bất chấp việc FED liên tục tăng lãi suất, kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng và thị trường lao động vẫn thắt chặt, chừng nào xu thế này còn tiếp diễn FED vẫn có động lực để tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát với hệ quả tất yếu là làm giảm sức mua, dẫn đến áp lực lên các nền kinh tế xuất khẩu lớn vào Mỹ. Đây là một vòng lặp nhiều khả năng sẽ khiến kinh tế thế giới và châu Á nói riêng gặp nhiều khó khăn trong năm tới.  

Tham khảo từ CNBC, Bloomberg, CNN, Reuters


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật