Đồng USD sắp bước vào chu kỳ giảm giá?
Chỉ số đồng USD đã có lúc giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua, nhiều dự báo cho thấy đồng bạc xanh có thể bước vào chu kỳ giảm giá.
Xu hướng tăng giá của đồng Yen với đồng USD
Niềm tin của các thị trường về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ đang ngày càng lớn sau những dữ liệu lạm phát được công bố tuần qua. Đồng USD đã có lúc giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua. Các chuyên gia dự báo, đồng bạc xanh sẽ bước vào giai đoạn suy giảm kéo dài nhiều năm.
Tuần qua đồng USD đã giảm khoảng 2,2%. Đây là mức giảm được nhận định là có vẻ lớn bất thường. Số liệu mới nhất cho thấy, chỉ số đồng USD - thước đo giá trị đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác dù hồi phục nhẹ về 100,29, song đây vẫn là mức thấp nhất hơn 1 năm qua.
Rõ ràng, đồng USD đang chịu áp lực bán ra. Đây là tin xấu với những người nắm giữ đồng USD nhưng lại là tin tốt với những ai đang giữ các đồng tiền vốn đã mất giá mạnh kể từ đầu năm như Euro, Yen Nhật, đồng Krone của Na Uy… Những đồng tiền này đã có dấu hiệu hồi phục và trải qua tuần tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm.
Đồng Yen của Nhật Bản. (Ảnh: Bloomberg)
Tỷ giá Euro so với USD đạt mức cao mới trong 17 tháng. Tỷ giá của Yen so với USD đã tăng lên mức cao nhất 1 tháng và xuất hiện những dự báo cho rằng, Yen sẽ hồi phục 10% trong thời gian tới.
Xung quanh cú sụt giảm của đồng USD và đà phục hồi mạnh mẽ của đồng Yen. Đây là chủ đề được báo chí Nhật nhắc tới nhiều những ngày gần đây.
Kể từ đầu tháng này, đồng Yen đã bắt đầu tăng giá mạnh, xu hướng tăng bắt nguồn từ dự báo chính sách lãi suất của Mỹ và khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ của Nhật Bản.
Hãng thông tấn Jiji thông tin, nếu như cuối tháng 6, đồng Yen tăng lên mức 145 Yen đổi 1 USD thì hiện nay đã tăng khoảng 7 Yen lên mức 138 Yen đổi 1 USD. Xu hướng này xuất phát từ triển vọng về việc Mỹ sẽ không tiếp tục tăng lãi suất, trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể xem xét lại chính sách nới lỏng tiền tệ đang thực hiện.
Cụ thể, theo báo Sankei, chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá bán buôn công bố vào ngày 12 và 13 tháng này của Mỹ đều dưới mức dự báo của thị trường. Điều này sẽ làm cho các đợt tăng lãi suất của Mỹ chậm lại, còn Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể sẽ xem xét lại việc kiểm soát đường cong lợi suất trong cuộc họp chính sách vào ngày 27 và 28 tới.
Như vậy, cuộc họp chính sách tài chính của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ đóng vai trò quan trọng, quyết định xu hướng tăng giảm của đồng Yen.
Báo Nikkei trích phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Ueda Kazuo tại cuộc họp báo sau Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng Trung ương G20 cho biết, ông vẫn kiên trì với chính sách kiểm soát đường cong lợi suất khi vẫn còn một chặng đường dài để xác lập mục tiêu lạm phát, nếu chưa có gì thay đổi chính sách sẽ vẫn được giữ nguyên.
Phát biểu của ông Kazuo cho thấy Ngân hàng Trung ương nước này dường như không có sự thay đổi lớn trong cuộc họp tới. Trên báo Mainichi, ông Kenta Tadade - Giám đốc chiến lược ngoại hối của công ty chứng khoán Daiwa, Daiwa Securities dự báo, nếu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản không sửa đổi chính sách nới lỏng tiền tệ, đồng Yen sẽ quay đầu giảm về mức 140 Yen đổi 1 USD; còn ngược lại thì đồng Yen sẽ tăng lên mức 135 Yen đổi 1 USD.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc tăng giá của đồng Yen chỉ là vấn đề thời gian khi lãi suất của Mỹ sẽ không thể tăng liên tiếp mà sẽ có thời điểm phải giảm và nếu lạm phát ổn định thì Nhật Bản cũng thay đổi chính sách nới lỏng tiền tệ.
Cẩn trọng khi đặt cược USD bước vào chu kỳ giảm giá
Đồng USD đã giảm gần 13% từ mức cao nhất đạt được năm ngoái. Tuy nhiên, Bloomberg lưu ý rằng trong quá khứ, nhiều nhà đầu tư đã "bỏng tay" khi vội đặt cược rằng, việc FED hạ lãi suất sẽ khiến đồng USD bước vào chu kỳ giá xuống.
Bloomberg cho biết, một số nhà đầu tư đã nếm trái đắng vào đầu năm nay, khi USD dường như sắp bước vào một chu kỳ giảm kéo dài. Song cuối cùng đồng bạc xanh chỉ sụt giá đôi chút khi dữ liệu kinh tế cho thấy FED sẽ không ngừng tăng lãi suất.
Đồng USD đã giảm gần 13% từ mức cao nhất đạt được năm ngoái. Ảnh: Bloomberg.
Đối với những người đang đặt cược vào sự suy yếu của đồng USD, rủi ro là sự kiện trên có thể sẽ lặp lại, đặc biệt là khi FED nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp cuối tháng 7. Tỷ giá Euro so với USD đã tăng hơi quá mức trong ngắn hạn và có thể điều chỉnh trong tuần này.
Ông Francesco Pesole - Chuyên gia bộ phận Ngoại hối, Ngân hàng ING cho biết: "Cú sốc về lạm phát giảm ở Mỹ trong tuần trước đã gây ra những xáo trộn nhất định trên thị trường ngoại hối. Nhưng tuần này, khi không có nhiều số liệu quan trọng được công bố mới là quãng thời gian để thị trường chiêm nghiệm xem áp lực đó có thể khiến đồng USD giảm giá thêm hay không, khi cuộc họp của FED ngày càng đến gần".
Goldman Sachs dự đoán rằng nếu đồng bạc xanh có sụt giá thì đà giảm cũng không nghiêm trọng so với trước đây.
Tuần tới sẽ diễn ra cuộc họp chính sách tiền tệ của loạt ngân hàng trung ương lớn gồm FED vào ngày 25 - 26/7. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhóm họp vào ngày 27/7. Đây sẽ là những chỉ dấu quan trọng để theo dõi tiếp diễn biến đồng bạc xanh bước vào chu kỳ giảm giá ra sao thời gian tới.