A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người dân tăng mua euro khi giá giảm

Giá euro tự do ngày 17/7 phục hồi nhẹ, lên sát mốc 24.900 đồng, cao hơn 600-700 đồng ở cả hai chiều mua - bán so với mức giá niêm yết tại các ngân hàng. Dù vậy, so với đầu năm, giá đồng tiền chung khu vực EU vẫn đang giảm khoảng 9-10%.

Chủ một điểm thu đổi ngoại tệ tại Hà Nội cho biết, chứng kiến xu hướng đi xuống của euro, nhu cầu mua đồng tiền này đang lớn dần, nhiều điểm mua bán không đáp ứng đủ cho thị trường.

Chuẩn bị cho chuyến du lịch châu Âu tuần sau, sáng nay, chị Tuyết (Thanh Xuân, Hà Nội) tới điểm thu đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung đổi 3.500 euro. Mức giá tại đây là 24.870 đồng một euro, tăng nhẹ 50 đồng so với hôm thứ Sáu.

"Tôi muốn đổi thêm nhưng chủ tiệm hẹn chiều quay lại, do lượng khách đổi tăng đột biến và tạm hết", chị cho biết.

Theo ghi nhận của VnExpress tại các điểm thu đổi trên phố ngoại tệ ở Hà Nội hôm nay, phần lớn là người dân tới mua euro thay vì bán ra. Nhờ tâm lý mua gom khi giá hạ, đồng tiền khu vực EU đã tăng nhẹ trên thị trường tự do một tuần trở lại đây, khoảng 50-100 đồng.

"Vào mùa du lịch châu Âu, lượng khách đổi đồng tiền này thường tăng lên. Đặc biệt khi giá euro ngang với USD, mọi người bắt đầu xu hướng chuyển mua đồng tiền này để cất giữ thay vì USD", chủ một đại lý thu đổi ngoại tệ tại đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, song ông không tiết lộ số tiền thu đổi euro mỗi ngày của tiệm.

Người dân tăng mua euro khi giá giảm - Ảnh 1.

Hai đồng 50 euro đổi được 100 USD, mức tỷ giá duy trì từ 12/7 trên thị trường quốc tế. Ảnh: Bloomberg

Theo các chuyên gia, giá euro so với đầu năm đang thấp hơn 2.000-2.200 đồng, nên nhiều người tranh thủ mua với kỳ vọng giá tăng thì bán. Còn số đã tích trữ đồng tiền này vì lỗ nên không bán ra. Vì thế tâm lý mua gom euro vài ngày qua là hệ quả của diễn biến tâm lý khi euro "rung lắc".

Trên thị trường quốc tế, hôm 12/7 lần đầu sau 20 năm một euro đổi một USD . Theo giới phân tích, nguyên nhân khiến đồng euro mất giá là do giá khí đốt tăng mạnh, sự không chắc chắn về nguồn cung năng lượng từ Nga, đã gây lo ngại suy thoái trong khu vực đồng tiền này. Việc euro yếu sẽ khiến hàng nhập khẩu vào châu Âu đắt đỏ hơn, kéo lạm phát lên cao, nhưng lại có lợi cho các hãng xuất khẩu khu vực này.

Dự báo của giới phân tích cho thấy giá đồng euro còn có thể tiếp tục giảm, quanh mức 0,95 - 0,97 USD đổi một euro, nếu cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu trở nên tồi tệ hơn.

Người dân tăng mua euro khi giá giảm - Ảnh 2.

Diễn biến giá euro - USD trong một năm qua. Đồ thị: Reuters

Với Việt Nam, tác động rõ rệt nhất là tới xuất nhập khẩu trong thời điểm này. Tuy nhiên, theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, mức độ ảnh hưởng khi đồng euro suy yếu tới xuất nhập khẩu không quá lớn, do hiện trên 90% các hợp đồng xuất khẩu thanh toán bằng USD, chỉ khoảng 6-7% hợp đồng thanh toán bằng euro, mức tương đương bình quân các nước châu Á - Thái Bình Dương.

Nhưng ông cho hay, euro mất giá có thể tạo áp lực lên tỷ giá, lạm phát của Việt Nam. "Mức độ ảnh hưởng không nhiều vì hiện Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt tỷ giá, lạm phát. Tất nhiên không chủ quan vì áp lực tỷ giá, lạm phát đang tăng lên", TS Cấn Văn Lực bình luận với VnExpress.

Euro giảm giá cũng là lúc USD tăng chóng mặt. TS Cấn Văn Lực cho rằng, khi USD tăng giá sẽ tác động tới sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hoá. Ngoài ra, các doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ càng chịu ảnh hưởng khi phải tăng chi phí kinh doanh...

Chuyên gia này nhận định, tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng lên và dự báo tăng 2,5-3% so với đầu năm. Ngưỡng biến động này vẫn nằm trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý tiền tệ, nhưng tỷ giá liên tục tăng lại là tín hiệu không mấy khả quan khi nửa cuối năm là thời điểm nhu cầu sử dụng USD tăng cao.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật