A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhu cầu vàng trên thế giới sẽ tiếp tục tăng mạnh?

Theo báo cáo về Xu hướng Nhu cầu Vàng quý 1 năm 2025 của Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho thấy tổng nhu cầu vàng theo quý (bao gồm cả thị trường phi tập trung - OTC) là 1.206 tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh giá vàng cao kỷ lục, vượt ngưỡng 3.000 USD/ounce.

Sự phục hồi của các Quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng đã thúc đẩy tổng nhu cầu đầu tư tăng hơn gấp đôi lên 552 tấn, tăng 170% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao nhất kể từ quý I năm 2022.

Dòng vốn đổ vào các quỹ ETF đã tăng nhanh trên toàn thế giới, đạt tổng cộng tương đương 226 tấn trong quý I khi đà tăng giá và sự không chắc chắn về chính sách thuế quan đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến vàng như một tài sản tích trữ an toàn.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Các Ngân hàng Trung ương hiện đang bước vào năm thứ 16 liên tiếp duy trì mua ròng vàng, bổ sung thêm 244 tấn vào lượng vàng dự trữ toàn cầu trong quý I trong bối cảnh bất ổn toàn cầu đang diễn ra.

Mặc dù mức cầu vàng này thấp hơn 21% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn cho thấy nhu cầu mạnh mẽ ứng với hoạt động mua vào ổn định ở mức trung bình theo quý trong ba năm qua.

Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới nhận định: “Trong bối cảnh gia tăng rủi ro kinh tế và địa chính trị, nhu cầu đầu tư vào vàng dự kiến ​​sẽ tăng trong các kênh đầu tư như Quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và phi tập trung (OTC), trong khi đầu tư vàng miếng và vàng xu có thể vẫn giữ được sức hấp dẫn. Ngược lại, nhu cầu đối với vàng trang sức có thể còn yếu do giá vàng cao".

Tổng nhu cầu vàng miếng và vàng xu tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, duy trì ở mức cao với 325 tấn trong quý I/2025, được thúc đẩy bởi sự gia tăng mạnh mẽ của hoạt động đầu tư bán lẻ tại Trung Quốc, quốc gia được ghi nhận là có nhu cầu đầu tư bán lẻ vàng trong quý 1 đạt mức cao thứ hai trong lịch sử.

Các nhà đầu tư phương Đông đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phần lớn nhu cầu vàng miếng và vàng xu trên toàn cầu, bù đắp cho sự sụt giảm ở phương Tây khi nhu cầu vàng tại Mỹ giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Châu Âu có sự phục hồi nhẹ về nhu cầu vàng, đạt 12 tấn trong quý I, nhưng con số này tăng lên từ một điểm khởi đầu rất thấp vào cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu đã tăng mạnh hơn so với cùng kỳ năm trước tại các thị trường ASEAN.

Tuy nhiên Việt Nam là trường hợp ngoại lệ, nhu cầu đầu tư vàng giảm 15% so với cùng kỳ năm trước do nguồn cung các sản phẩm từ vàng bị hạn chế, đẩy chênh lệch giá vàng lên mức cao, trên cơ sở quý I/2024 có mức đầu tư vàng cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Đồng nội tệ suy yếu càng làm tăng giá vàng tính theo USD, ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người mua. Tuy nhiên, Việt Nam ghi nhận nhu cầu vàng miếng và vàng xu tăng 46% so với quý 4 năm 2024.

Không có gì ngạc nhiên khi nhu cầu về vàng trang sức bị ảnh hưởng tiêu cực khi giá vàng đạt 20 mức cao kỷ lục trong quý I/2025.

Khối lượng giao dịch vàng trang sức giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020. Dù đối mặt với áp lực giá cực lớn, thị trường vàng trang sức vẫn giữ được sự ổn định, nhất là về giá trị.

Trong quý I/2025, chi tiêu của người tiêu dùng cho vàng trang sức đã tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 35 tỷ USD, ngoại trừ Trung Quốc.

Các thị trường ASEAN đi theo xu hướng toàn cầu, với nhu cầu vàng trang sức giảm do giá vàng cao kỷ lục. Dù Việt Nam ghi nhận tiêu thụ vàng trang sức tăng 5% so với quý IV năm 2024, nhưng nhu cầu vàng trang sức vẫn giảm 15% so với cùng kỳ năm trước do giá vàng cao.

Tổng nguồn cung vàng trong quý I tương đối ổn định so với cùng kỳ năm trước, ở mức 1.206 tấn, do sản lượng vàng khai thác đạt mức cao kỷ lục trong quý I bù đắp cho sự sụt giảm nhẹ của vàng tái chế. Nhu cầu về vàng trong lĩnh vực công nghệ cũng không thay đổi, ở mức 80 tấn, so với quý I/năm 2024.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Bà Louise Street, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Hội đồng Vàng Thế giới, cho biết: “Thị trường toàn cầu năm nay đã có một khởi đầu đầy biến động khi bất ổn thương mại, các thông báo về chính sách khó lường từ Mỹ, căng thẳng địa chính trị kéo dài và những lo ngại về suy thoái kinh tế có thể quay trở lại, đã tạo ra một môi trường đầy bất ổn cho các nhà đầu tư. Trong bối cảnh này, nhu cầu đầu tư vàng đã tạo thuận lợi cho nhu cầu về vàng trong quý I/2025 đạt mức cao nhất kể từ năm 2016.

Trong 10 tháng qua, các nhà đầu tư đã quay lại đầu tư vào các quỹ ETF vàng, tăng mạnh phân bổ đầu tư kể từ quý III/2024. Tính đến tháng 4, dòng vốn chảy vào các quỹ ETF từ khu vực châu Á đã vượt qua tổng dòng vốn của cả quý I/2025. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn dư địa để tăng trưởng, khi lượng vàng nắm giữ của các quỹ này trên toàn cầu hiện thấp hơn 10% so với mức cao được ghi nhận vào năm 2020.

Trong thời gian tới, bức tranh kinh tế tổng thể vẫn khó dự đoán, và sự không chắc chắn đó có thể thúc đẩy giá vàng tăng. Khi thời kỳ đầy biến động vẫn đang tiếp diễn, nhu cầu tìm đến vàng như một tài sản lưu trữ an toàn từ các tổ chức, cá nhân và khu vực chính thức có thể tăng cao trong những tháng tới".

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật