Thị trường vàng: Mua khó, bán cũng khó
Theo phản ánh của một số người dân, hiện nay, muốn mua vàng, họ phải đăng ký trực tuyến tại website của 4 ngân hàng thương mại quốc doanh và Công ty SJC nhưng đa số không thể mua thành công; còn các tiệm vàng đều thông báo không còn vàng miếng lẫn vàng nhẫn trơn. Người có vàng muốn bán cũng không dễ nếu không có hóa đơn, hóa đơn không trùng với số căn cước công dân…
Mua bán đều khó
Có sẵn 200 triệu đồng tiền tiết kiệm trong thẻ ATM, chị Hoàng Mai (39 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) dự định mua 2 lượng vàng để dành nhưng gần 2 tháng qua, số tiền này vẫn nằm yên trong tài khoản. Dù đã có nhiều ngày xếp hàng, hàng chục lần đăng ký mua vàng online… nhưng chị chưa lần nào thành công. “Nhiều lần tôi đã điền đầy đủ các thông tin cần thiết trên hệ thống website của ngân hàng từ hôm trước, chờ đúng giờ trang website mở cửa là ấn nút gửi ngay. Thế nhưng vẫn nhận lại thông báo đã đủ số lượng đăng ký trong ngày và hẹn lần khác” - chị Mai nói.
Trò chuyện với nhiều người bạn cùng công ty, anh Lê Hùng (44 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) mới biết, họ cũng có nhu cầu mua vàng nhưng hầu hết đều chưa mua được từ khi ngân hàng bán vàng miếng theo giá của Ngân hàng Nhà nước. Anh Hùng nói rằng, website của ngân hàng chỉ mở được vài phút đã thông báo ngưng nhận thêm khách vì đã đủ số lượng. Mua vàng miếng từ ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC không được, anh Hùng tìm đến loạt điểm kinh doanh vàng miếng khác trên địa bàn thành phố như PNJ, Phú Quý, Doji… nhưng tất cả đều thông báo hết vàng miếng.
Thấy vậy, anh Hùng chuyển hướng mua vàng nhẫn trơn, dù giá hiện nay đã tăng cao tới 77 triệu đồng/lượng. Nhưng vàng nhẫn cũng “ cháy ” hàng. “Do nguồn cung khan hiếm nên trước đây khách chỉ có thể mua tối đa 2 chỉ vàng nhẫn, sau đó còn 1 chỉ; nhưng hiện tại tiệm không còn vàng nhẫn để bán” - nhân viên tiệm vàng Mi Hồng (quận Bình Thạnh) nói.
Có tiền khó mua được vàng, nhưng có vàng cũng khó bán. Mang 5 chỉ vàng nhẫn đến một tiệm vàng trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1) để bán, chị Trần Thị Hồng (quê Nha Trang) ngỡ ngàng bị tiệm vàng từ chối mua vì không có hóa đơn. Theo lời chị, số vàng này do người thân, bạn bè tặng hai vợ chồng nhân ngày cưới từ 15 năm trước. “Tiệm vàng yêu cầu phải có hóa đơn mới đồng ý mua. Tôi đã đi nhiều tiệm vàng nhưng hầu như nơi nào cũng đòi hóa đơn, có nơi chịu mua vàng không hóa đơn nhưng ép giá thấp hơn giá hiện tại rất nhiều” - chị Hồng nói.
Chị Thanh Châu cũng rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” khi nhờ người khác mua hộ 3 lượng vàng. Đến khi cần tiền, chị mang số vàng này đi bán nhưng tiệm vàng từ chối mua dù có hóa đơn đầy đủ. “Khi tiệm vàng kiểm tra căn cước công dân (CCCD) của tôi thì không trùng khớp với hóa đơn, chủ tiệm yêu cầu phải có chính chủ mới chịu thu mua vàng. Do tôi không có cách nào liên lạc với “chính chủ” nên đến giờ vẫn chưa biết tính sao” - chị Châu nói.
Phải có hóa đơn
Ông Hùng, chủ một tiệm vàng ở phố vàng bạc quận 5, chia sẻ, cách đây vài tháng, tiệm của ông bị lực lượng chức năng kiểm tra và thu giữ nhiều sản phẩm vàng vì không có hóa đơn đầu vào. Sau lần đó, tiệm vàng rất kỹ lưỡng trong việc thu mua lại vàng của khách hàng đem đến bán.
“Khi khách bán vàng mà không có hóa đơn, chứng từ thì phải cung cấp CCCD để tiệm vàng đưa thông tin này vào Bảng kê 01 theo quy định của Tổng cục Thuế, bởi nếu không thì chúng tôi sẽ bị tịch thu vàng nếu có đoàn kiểm tra. Việc siết hóa đơn đầu vào lẫn đầu ra nhằm chứng minh nguồn gốc vàng, hạn chế được vàng nhập lậu, vàng không rõ nguồn gốc… Mặc dù điều này cũng gây nhiều khó khăn, phiền hà cho khách hàng nhưng đã là quy định thì mình phải chấp hành” - ông Hùng nói.
Theo Cục Quản lý thị trường TPHCM, trường hợp sản phẩm vàng đang kinh doanh tại các cửa hàng không có hóa đơn chứng từ, được xác định là hàng hóa nhập lậu hay hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ bị tịch thu. Theo quy định, sản phẩm vàng, vàng trang sức mỹ nghệ được kinh doanh bảo đảm có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, có tài liệu kèm theo hoặc giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan, đặc biệt là việc chấp hành quy định của pháp luật về chế độ kế toán đối với hàng hóa.
Chiều 28/7, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho biết, hiện nay cả vàng miếng lẫn vàng nhẫn đều rất khó mua. Thời gian tới, giá vàng nhiều khả năng sẽ còn dư địa để tăng thêm, nhất là khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ giảm lãi suất từ đây đến cuối năm ít nhất 1 hoặc 2 lần; Ngân hàng Trung ương tăng lượng mua vàng dự trữ; tình hình chính trị thế giới vẫn còn phức tạp… “Về lâu dài, cơ quan chức năng phải cho phép nhập khẩu vàng làm nguyên liệu chế tác vàng nhẫn để tăng cung” - ông Khánh kiến nghị.
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TPHCM, nói rằng, theo quy định hiện hành, các tiệm vàng được phép mua vàng trôi nổi của các cá nhân không kinh doanh hoặc mua các trang sức cũ, sau đó đem phân kim làm nguyên liệu. Tất cả số vàng này phải được ghi vào bảng kê. Tuy nhiên, với quy định của Tổng Cục Quản lý thị trường, những sản phẩm vàng đang kinh doanh tại các cửa hàng mà không có hóa đơn, chứng từ được xác định là hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các cửa hàng đòi người bán vàng phải có hóa đơn, chứng từ vì lo lắng bị quy vào hàng không rõ nguồn gốc.
Trong phiên họp báo 6 tháng đầu năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước mới đây, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước, thừa nhận có hiện tượng người dân rất khó đặt mua vàng trực tuyến. Đơn vị này đã có chỉ đạo tới các ngân hàng để có điều chỉnh phù hợp. Ông Tuấn nói rằng, những ngày gần đây có hiện tượng người đặt lệnh mua nhưng không đến lấy.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành sẽ có chính sách mới để quản lý thị trường vàng hiệu quả, trên nguyên tắc sửa lại Nghị định 24 đảm bảo quản lý hiệu quả, ngăn chặn tiêu cực trên thị trường vàng. Ngân hàng Nhà nước cũng đang thanh tra, kiểm tra hoạt động đầu cơ lũng đoạn thị trường vàng.