USD biến động như tàu lượn, euro và bảng Anh tăng, vàng giảm phiên cuối tuần
Thị trường tài chính biến động mạnh trong phiên cuối tuần do việc dự báo về chính sách tiền tệ của Mỹ trở nên quá phức tạp. Đồng USD tăng mạnh vào đầu phiên khiến các đồng tiền khác trong nhóm G10 và vàng giàm mạnh sau đó. Tuy nhiên, xu hướng đã đảo chiều về cuối phiên.
Trong phiên giao dịch buổi sáng ngày cuối tuần (thứ Sáu), USD tăng vọt sau khi dữ liệu cho thấy các nhà tuyển dụng Mỹ đã tạo thêm nhiều việc làm hơn dự kiến trong tháng 11, trong khi thu nhập trung bình mỗi giờ cũng tăng – những yếu tố có khả năng khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thêm động lực để tăng lãi suất.
Các nhà tuyển dụng Mỹ đã tạo thêm 263.000 việc làm trong tháng 11, cao hơn nhiều so với ước tính 200.000. Thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 0,6% trong tháng vừa qua, cao hơn mức dự đoán là tăng 0,3%.
Joe Manimbo, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc Convera ở Washington, cho biết: "Việc tuyển dụng nhiều hơn dự kiến có thể giúp Fed có thêm thời gian để tiếp tục tăng lãi suất". "Đồng đô la đang gặp phải những cơn gió ngược khi lợi suất tăng và tâm lý e ngại rủi ro quay trở lại, sau khi báo cáo việc làm gây nghi ngờ về khả năng nền kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm."
Marc Chandler, giám đốc chiến lược thị trường của Bannockburn Global Forex ở New York, cho biết thị trường đã phản ứng với dữ liệu thu nhập trung bình hàng giờ (thêm 0,6% trong tháng 10, cao hơn mức dự đoán là tăng 0,3%) và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, vốn đã giảm xuống 62,1%.
Theo ông Chandler: "Cả hai thước đo này đều phản ánh về con số tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp hơn là sự thắt chặt của thị trường lao động".
Nhưng sau khi tăng vào đầu phiên, USD giảm vào giữa phiên sau khi một quan chức của Fed cho biết việc tăng lãi suất chắc chắn sẽ chậm lại. USD giảm cũng do các nhà đầu tư chốt lời từ những khoản lãi trước đó sau khi dữ liệu việc làm và lạm phát tiền lương mạnh bất ngờ trong tháng 11.
Triển vọng xu hướng đồng USD trở nên khó đoán khi không rõ liệu Fed sẽ nâng lãi suất ở mức độ nào trong bối cảnh triển vọng kinh tế Mỹ trở nên kém sáng. Những dữ liệu mới nhất có thể khiến USD tạm dừng xu hướng giảm giá. Ông Chandler cho biết: "Đồng USD có vẻ đã bị bán quá mức.
Chủ tịch Fed Chicago Charles Evans cho biết tốc độ tăng lãi suất có thể sẽ chậm lại, nhưng nói thêm rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ cần tăng chi phí đi vay lên mức "cao hơn một chút" so với dự đoán hồi tháng 9.
Chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin cũng cho biết Mỹ có thể sẽ tiếp tục thiếu hụt lao động trong một giai đoạn kéo dài, làm phức tạp thêm mục tiêu cân bằng lại nhu cầu lao động của Fed.
Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc phiên 2/12 giảm 0,13% so với phiên liền trước, xuống 104,5, mặc dù lúc giữa phiên DXY tăng mạnh lên 105,04.
Đồng euro kết thúc phiên này tăng 0,1% so với USD, lên 1,0537 USD, mức cao nhất kể từ ngày 28 tháng 6, mặc dù đã giảm vào lúc mở cửa phiên. Tuy nhiên, chứng khoán châu Âu giảm trở lại sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ vượt quá mong đợi. Song mặc dù giảm ở phiên cuối tuần, chứng khoán châu Âu đã tăng mạnh ở 2 phiên trước đó, nên tính chung cả tuần vẫn tăng tuần thứ 7 liên tiếp trong bối cảnh Trung Quốc có dấu hiệu mở cửa lại nền kinh tế và giảm bớt lo lắng về việc tăng lãi suất.
Chỉ số chứng khoán toàn châu Âu toàn châu Âu STOXX 600 phiên kết thúc tuần ở mức giảm 0,2%, sau khi tăng 1,5% trong 2 phiên trước đó. Tính chung trong tuần, STOXX 600 tăng 0,6%, ghi nhận chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 4 năm 2021.
Đồng bạc xanh cũng giảm 0,71% so với đồng yên Nhật xuống 134,38 JPY. Trước đó, USD có lúc xuống 133,62 yên, mức yếu nhất kể từ ngày 16 tháng 8.
Đồng bạc xanh đã sụt giảm với hy vọng rằng Fed sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm thứ Tư vừa qua cho biết rằng đã đến lúc giảm tốc độ tăng lãi suất, lưu ý rằng "chậm lại vào thời điểm này là một cách tốt để cân bằng rủi ro."
Dữ liệu vào thứ Năm cũng cho thấy lạm phát đang ở mức vừa phải, với chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 0,3% trong tháng 10, sau khi tăng với mức tương tự trong tháng Chín. Trong 12 tháng tính đến tháng 10, chỉ số giá PCE đã tăng 6,0%, sau khi tăng 6,3% trong tháng 9.
Chiến lược gia Francesco Pesole của ING FX cho biết: "Các thị trường đang thực sự tin tưởng vào câu chuyện Fed đang xoay trục".
Chỉ số kinh tế quan trọng tiếp theo của Mỹ sẽ là dữ liệu lạm phát giá tiêu dùng, vào ngày 13/12, một ngày trước khi Fed kết thúc cuộc họp hai ngày vào ngày 14/12. Ngân hàng trung ương Mỹ được dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp này. Các nhà giao dịch hợp đồng tương lai Quỹ Liên bang hiện đang dự đoán lãi suất tham chiếu của Fed đạt đỉnh 4,96% vào tháng Năm.
Đồng bảng Anh giảm vào đầu phiên nhưng tăng 0,27% vào cuối phiên, lên 1,2295 USD, tính chung cả tuần cũng tăng. Cặp USD/GBP những tuần gần đây tăng theo xu hướng của các tiền tệ khác trong nhóm G10 so với USD, là một sự đảo chiều so với tháng 9 và 10.
Đô la Canada giảm so với USD trong phiên 2/12 theo xu hướng giảm chung của các tiền tệ khác so với USD sau dữ liệu việc làm của Mỹ.
Theo đó, CDA giảm 0,18% xuống 1,3458 CAD/USD, hay 74,32 US cent, sau khi giao dịch trong phạm vi từ 1,3421 đến 1,3520 CAD. Tính chung cả tuần, CAD giảm 0,6%.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm giá so với USD trong phiên vừa qua, nhưng tính chung cả tuần tăng mạnh nhất trong vòng 2 năm do kỳ vọng Mỹ sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất và Trung Quốc dần thoát khỏi chính sách Zero COVID.
Tuy nhiên, các thương nhân dự báo sự phục hồi của đồng nhân dân tệ sẽ chậm lại vào năm tới, bất chấp những dấu hiệu cho thấy đồng đô la đã đạt đỉnh, vì Trung Quốc có thể sẽ giữ lãi suất ở mức thấp, trong khi một số nhà đầu tư nước ngoài có thể ngần ngại quay trở lại tài sản của Trung Quốc do căng thẳng địa chính trị.
Đồng nhân dân tệ trên thị trường nội địa kết thúc phiên 2/12 giảm nhẹ so với phiên trước, xuống 7,0580 CNY/USD.
Đồng tiền của Trung Quốc đã được hỗ trợ bởi các biện pháp mới nhất của Bắc Kinh nhằm ổn định thị trường bất động sản đang chao đảo và bởi các dấu hiệu cho thấy chính phủ đang chuẩn bị cho việc thoát khỏi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến COVID.
Tuy nhiên, ngân hàng HSBC dự đoán sự phục hồi của đồng nhân dân tệ sẽ chậm và gập ghềnh.
"Dòng vốn từ một số nhà đầu tư phương Tây có thể chỉ quay trở lại dần dần do những lo ngại kéo dài về chính sách chống COVID-19, căng thẳng địa chính trị và một số vấn đề khác," HSBC cho biết.
"Lãi suất của Trung Quốc đại lục có thể sẽ ở mức thấp trong một thời gian để thúc đẩy sự phục hồi bền vững của nền kinh tế, và do đó, sự chênh lệch lãi suất giữa các địa phương có thể vẫn tiếp diễn."
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin giảm nhẹ, nhưng vẫn quanh ngưỡng 17.000 USD.
Lúc kết thúc phiên cuối tuần, Bitcoin có giá 16.936 USD.
Giá vàng biến động mạnh trong phiên thứ Sáu sau khi dữ liệu việc làm khả quan của Mỹ làm dấy lên lo ngại rằng Fed có thể tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ.
Giá vàng giao ngay đã giảm 0,4% xuống còn 1.794,96 USD/ounce vào cuối phiên, dù trước đó có lúc giá chạm mức cao nhất kể từ ngày 10 tháng 8, là 1.804,46 USD. Giá vàng kỳ hạn tháng 2/2024 giảm 0,3% xuống còn 1.809,6 USD.
David Meger, giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge, cho biết: "Với số lượng việc làm tại Mỹ tăng cao hơn nhiều so với dự kiến... điều chúng ta đang thấy là mối lo ngại rằng Fed có thể cần phải tiến xa hơn với các đợt tăng lãi suất mà họ dự kiến". "Bạn sẽ thấy áp lực đối với hầu hết các loại tài sản, không chỉ là tổ hợp kim loại quý."
Vàng rất nhạy cảm với việc Mỹ tăng lãi suất, vì những điều này làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi - không mang lại lợi suất.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cao cấp tại Kitco Metals, cho biết: "Báo cáo (việc làm) này được cho là quá mạnh so với mong muốn của Fed và cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ sẽ miễn cưỡng rút lui".
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk