A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

USD hồi phục khi yen quay đầu giảm mạnh, giá vàng đi ngang

Yên Nhật quay đầu giảm kéo bảng Anh và euro giảm theo trong trong khi USD tăng trở lại. Mọi thứ trên thị trường tiền tệ gần như đảo ngược hoàn toàn xu hướng của phiên liền trước.

 

USD hồi phục khi yen quay đầu giảm mạnh, giá vàng đi ngang

Trong phiên thứ Tư (21/12), chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt – tăng 0,25% lên 104,232 do tỷ giá JPY/USD phục hồi 0,42% trong khi bảng Anh giảm 0,86% do làn sóng đình công của công nhân Anh và nợ công của nước này cao kỷ lục.

Đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng trở lại sau khi dữ liệu cho thấy doanh số bán nhà hiện tại của Mỹ đã giảm 7,7% xuống mức thấp nhất trong 2,5 năm. Giá nhà trung bình giảm 2,1% nhưng vẫn tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37% so với mức trước đại dịch do lượng hàng tồn kho cực kỳ khan hiếm.

Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 12 đã tăng lên 108,3 từ mức 101,4 trước đó, phần lớn là do kỳ vọng lạm phát sẽ hạ nhiệt.

Đồng yen trong phiên vừa qua liên tục biến động, kết thúc phiên mất đi một phần mức tăng của ngày hôm trước – khi một động thái điều chỉnh bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã đẩy đồng nội tệ của nước này tăng 4% so với USD.

USD đã tăng 0,4% so với yen Nhật trong ngày 21/12, sau khi giảm 4% ở phiên liền trước – mức giảm trong một ngày mạnh nhất trong vòng 24 năm so với tiền Nhật Bản.

BOJ đã quyết định thay đổi chính sách "kiểm soát đường cong lợi suất" vào thứ Ba (20/12) ngay cả khi họ giữ nguyên các chính sách chung về lãi suất ngắn hạn và lợi suất trái phiếu. Theo đó, biên độ dao động lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm được tăng từ 0,25% lên 0,5%.

John Doyle, phó chủ tịch phụ trách giao dịch của Monex USA cho biết: "Tôi nghĩ rằng động thái ngày hôm qua (của BOJ) là đi đúng xu hướng nhưng có lẽ hơi quá đà. Do đó, việc yen giảm nhẹ giá trị sau khi tăng là lẽ đương nhiên".

Ông Doyle cho biết, với quy mô biến động của tỷ giá cặp JPY/USD trong phiên 21/12, các các nhà giao dịch nên xác định cặp tiền này sẽ không ổn định.

Các chiến lược gia cho rằng một số động thái đang diễn ra là do tính thanh khoản kém trước kỳ nghỉ lễ.

Marc Chandler, giám đốc phụ trách chiến lược thị trường của Bannockburn Forex ở New York, cho biết: "Động thái của đồng yên đã quá trớn. Rất nhiều người đã bị "bỏng tay" và với thanh khoản thấp trong kỳ nghỉ lễ, không nhiều người muốn tham gia thị trường ngay lúc này".

Tuy nhiên, ông Chandler nói thêm rằng: "Tôi nghĩ rằng đồng đô la đã đạt đỉnh. Tôi không nghĩ tỷ giá JPY/USD sẽ sớm đạt mức 150 (yen)".

Câu chuyện của năm 2022 là sức mạnh của đồng đô la, vốn đã tăng mạnh khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất với tốc độ chóng mặt và do căng thẳng địa chính trị gia tăng khiến các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn bằng các loại tiền tệ ít rủi ro hơn.

BOJ, từ nhiều năm nay đã luôn quan tâm tới việc thúc đẩy giá cả để ngăn chặn nguy cơ giảm phát, nên năm nay là một hiện tượng ngoại lệ trong số các ngân hàng trung ương lớn khi giữ lãi suất âm kéo dài trong khi các ngân hàng trung ương lớn khác đã tăng mạnh lãi suất để ngăn chặn lạm phát và củng cố đồng nội tệ so với USD.

Trong báo cáo nghiên cứu công bố hôm 21/12, ngân hàng Goldman Sachs cho biết hướng đi của đồng yên trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào việc động thái của BOJ là một sự điều chỉnh kỹ thuật như ngân hàng trung ương đã chỉ ra, hay là sự khởi đầu của một chế độ chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

Goldman cho rằng hiện tại, động thái của BOJ là một sự điều chỉnh kỹ thuật và là "dấu hiệu cho thấy lãi suất chính sách có thể được điều chỉnh thêm trong tháng tới", mặc dù khuôn khổ cơ bản của BOJ vẫn không thay đổi.

Đồng bảng Anh giảm giá so với USD trong phiên vừa qua sau khi khoản nợ công của nước Anh lên đến mức cao kỷ lục trong tháng 11, làm gia tăng những thách thức đối với nền kinh tế Anh. Kết thúc phiên 21/12, bảng Anh giảm 0,8% xuống 1,2091 USD. Đồng bảng Anh hồi tháng 9 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Đồng euro phiên vừa qua cũng giảm 0,13% so với USD, xuống 1,06070, Tỷ giá cặp tiền USD/EUR đã hồi phục 12,7% từ mức thấp nhất trong 20 năm chạm tới hồi tháng 9.

Đồng đô la Canada ít thay đổi trong phiên này, ở mức khoảng 1,3595 so với đồng bạc xanh, do các nhà đầu tư vẫn chưa xác định được liệu Ngân hàng Trung ương Canada có thắt chặt tiền tệ hơn nữa vào tháng tới hay không, sau dữ liệu lạm phát tháng 11 cho thấy tác động vừa tích cực vừa tiêu cực.

Các nhà phân tích cho rằng với tình trạng thanh khoản thấp trước kỳ nghỉ lễ và trước khi kết thúc một năm như hiện nay, việc USD tăng giá chưa chắc sẽ làm thay đổi xu hướng giảm của đồng tiền này (kể từ tháng 9).

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá trong không khí giao dịch thưa thớt do lo ngại ngày càng tăng lên về tác động của làn sóng COVID-19 mới đối với nền kinh tế nước này.

Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ nột địa kết thúc phiên 21/12 ở mức 6,9706 CNY/USD, giảm 96 pip so với phiên trước đó.,

Trên thị trường tiền điện tử, đồng Bitcoin giảm hơn 0,6% trong phiên vừa qua, xuống 16.791 USD, khi các tiền tệ rủi ro cao đồng loạt giảm giá so với USD.

USD hồi phục khi yen quay đầu giảm mạnh, giá vàng đi ngang - Ảnh 1.

Giá Bitcoin ngày 21/12.

Giá vàng gần như không thay đổi trong ngày 21/12, duy trì trên ngưỡng quan trọng 1.800 USD, do kỳ vọng về việc Mỹ tăng lãi suất chậm lại là yếu tố tích cực hỗ trợ giá tăng, nhưng sự gia tăng của đồng đô la lại ngăn giá tăng lên.

Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay ổn định ở mức 1.817,95 USD/ounce, sau khi tăng hơn 1% vào thứ Ba do đồng đô la giảm; vàng kỳ hạn tháng 2/2023 cũng không thay đổi so với phiên trước đó, ở mức 1.825,40 USD.

David Meger, giám đốc giao dịch kim loại của High Ridge Futures, cho biết: "Chúng tôi tin rằng vàng sẽ tiếp tục xu hướng tiếp tục đi ngang và hơi nhích lên khi thị trường tập trung vào ý kiến cho rằng Fed sắp kết thúc đợt tăng lãi suất vào đầu năm 2023".

Tham khảo: Reuters, Coindesk

Vân Chi

Nhịp sống thị trường


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật